Nỗi day dứt của những phụ nữ lỡ sa vào nghiện ngập

16/06/2024 - 06:30

PNO - Theo số liệu điều tra năm 2021, trên toàn cầu, 75% người nghiện thuốc phiện là nam giới, 25% là nữ.

Kết hôn sớm khi vừa qua tuổi 20, Syamlia - sống tại Singapore - chật vật với trách nhiệm làm việc và chăm sóc con cái. Một ngày nọ, vì muốn cấp tốc xoa dịu cảm giác mệt mỏi quá độ, cô thử dùng methamphetamine (ma túy đá). Ban đầu, chất gây nghiện quả thật giúp cô chống lại tình trạng kiệt sức. Thế nhưng, rất nhanh sau đó, Syamlia nhận ra mình đã sai lầm nghiêm trọng.

Năm nay 37 tuổi, Syamlia tiết lộ từng nhiều lần tìm cách tự cai nghiện nhưng chưa bao giờ vượt qua được cám dỗ. Khoảng thời gian ấy, nỗi tủi nhục, sợ hãi bị cha mẹ và chồng phán xét càng khiến cô không dám công khai tìm trợ giúp. Trên hết, Syamlia rất lo sẽ bị tước quyền nuôi con.

Từ năm 2023, Singapore mở chương trình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ lỡ sa vào nghiện ngập - Nguồn ảnh: The Straits Times
Từ năm 2023, Singapore mở chương trình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ lỡ sa vào nghiện ngập - Nguồn ảnh: The Straits Times

“Tôi đã luôn bị chi phối bởi quan niệm phụ nữ phải cư xử đúng mực, phải là người vợ, người mẹ tốt, không được phép làm sai điều gì nên tôi cảm thấy, nói ra sẽ không ai cảm thông cho mình” - Syamlia. Hiện cô đã cai nghiện và thoát khỏi “bóng ma” nghiện ngập.

Tiến sĩ tâm lý học Eliza Yong - cố vấn viên cai nghiện tại Viện Sức khỏe Tâm thần Singapore - cho biết: “Phụ nữ thường dễ cảm thấy tội lỗi, tự trách và tự giày vò hơn nam giới khi lỡ sa vào tệ nạn. Áp lực xã hội ép phụ nữ vào “khung tiêu chuẩn” cố hữu, buộc họ giữ vững vai trò trong gia đình. Sức ép ấy càng lớn, khi xảy ra chuyện không may, phụ nữ càng dễ thấy đau khổ, bất lực”.

Theo số liệu điều tra năm 2021, trên toàn cầu, 75% người nghiện thuốc phiện là nam giới, 25% là nữ. Các chuyên gia lo ngại định kiến đối với người nghiện sẽ trầm trọng hơn nếu họ là phụ nữ. Tiến sĩ Yong phân tích: các trường hợp phụ nữ nghiện ngập có liên quan trực tiếp đến nạn bạo hành, xâm hại hoặc thái độ sao nhãng của gia đình vốn dễ đẩy nữ giới, nhất là người trẻ, vào con đường sai lầm.

Không ít phụ nữ thiếu kiến thức về chất gây nghiện, nghĩ chúng giống như thuốc giảm stress, giảm cân mà không cân nhắc tới hậu quả.

Amy - người mẹ đơn thân 33 tuổi - suýt nữa không thể ở bên con trai vì ma túy. Năm cô 24 tuổi, một thành viên trong gia đình dụ dỗ Amy dùng chất cấm. Cai nghiện rồi lại tái nghiện, cô đã bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc quan trọng trong đời đứa trẻ.

“Tôi không được trông thấy thằng bé tập đi, tập nói. Tôi để lỡ 2 sinh nhật đầu đời của con. Tôi nhận ra mình phải thay đổi. Trước đây, không có ai ở cạnh chứng kiến tôi trưởng thành. Tôi không muốn con trai lại trải qua cảm giác mất mát đó” - Amy kể.

Bên trong ngôi nhà lớn của tổ chức phi lợi nhuận Rise Above Halfway House, phụ nữ tham dự các chương trình phục hồi - tái hòa nhập cộng đồng có cơ hội học tập, rèn luyện để quay về với cuộc sống bình thường. Họ còn được tạo cơ hội tái kết nối với gia đình thông qua những chuyến thăm, buổi thảo luận cùng người thân giúp hàn gắn tổn thương tâm lý. Những trung tâm dạng này tại Singapore đã giúp nhiều phụ nữ tìm lại hy vọng.

Syamlia hiện làm việc tại Hiệp hội Phòng chống Ma túy Singapore. Cô thường xuyên tham gia các chương trình vận động, tuyên truyền nhằm khích lệ phụ nữ lầm lỡ phấn đấu làm lại cuộc đời. Syamlia bày tỏ: “Con gái tôi nói, những sai lầm trong quá khứ không quan trọng nữa vì tôi đã thay đổi. Nghe con cổ vũ, tôi càng muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho cộng đồng”.


Như Ý (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI