Nỗi đau xóm chùa - Bài 1: Làm sao để trở về?

07/07/2015 - 08:08

PNO - PN - Khi vừa đưa Nguyễn Thị Mỹ Lan, nhân vật trong bài Giải cứu cô gái 19 tuổi bị bán qua biên giới (báo Phụ Nữ ngày 29/6/2015) về đến nhà của em ở khu phố (KP) Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi bị một...

edf40wrjww2tblPage:Content

Người phụ nữ đó là Bùi Thị L., mẹ của Ng. (sinh năm 1996). Vì tiếng kêu xé lòng của chị, phóng viên báo Phụ Nữ đã trở lại Định Quán.

Noi dau xom chua - Bai 1: Lam sao de tro ve?

Bên cạnh bà Thạch Thị D., bé C. đang ru võng cho em, nước mắt tràn mi

CHUNG MỘT NỖI ĐAU

Thì ra, nghịch cảnh của Mỹ Lan gần như là nỗi đau chung của nhiều gia đình thuộc khu tổ 4, KP.Hiệp Nhất, còn gọi là khu Xóm Chùa - nơi những người mẹ đau đáu ngóng tin con và những đứa con đêm đêm khóc đòi mẹ.

Chiều 2/7, Lý Kim T. cùng người chồng Trung Quốc (TQ) trở về thăm nhà sau hơn hai năm kết hôn (T. là phụ nữ duy nhất ở Xóm Chùa kết hôn hợp pháp với đàn ông TQ từ năm 2011 đến nay). Cả xóm nhốn nháo, người già, trẻ nhỏ kéo sang đầy kín nhà T., để nghe T. kể về chuyện làm dâu xứ người và nhờ vợ chồng T. truy tìm tung tích con em mình bị bán qua TQ từ đầu năm 2014 đến nay.

T. nhiệt tình mở điện thọai, tra thông tin của từng cô gái Ng., Đ., V., N... Căn phòng khách chật chội im phăng phắc, dường như ai cũng nín thở, đợi chờ. Khi T. reo lên: “Tui thấy hình con V. trên Zalo rồi nè”. Mọi người vỡ òa: “Đâu? Đâu? Ờ hén, hình nó chụp với con gái nó, bé C. đây mà. Con C. đâu, coi hình mẹ mày kìa”. Cô bé cao tầm một thước, đen nhẻm len vào, với tay cầm điện thoại, vừa nhìn màn hình bỗng khóc òa: “Mẹ, mẹ ơi, mẹ đi đâu vậy?”. Mười mấy người lớn, trẻ nhỏ, không ai kìm được nước mắt…

V. là mẹ của bé C. V. sinh năm 1996, bị dụ dỗ và bán qua TQ từ tháng 4/2014, đến nay chưa có tin tức gì về cho gia đình. Mới 19 tuổi, V. đã sinh bé C. được hơn bảy năm. Cha mẹ qua đời từ nhỏ, V. và anh trai sống với bà ngoại. Khi V. có thai, gia đình không biết để kêu cứu, nên người gây tội cho em ung dung ngoài vòng pháp luật, bỏ mặc V. vất vưởng lượm ve chai nuôi con.

Cách đây hai năm, theo người chị dâu là T.T.C.T., V. đi làm thợ may cho một công ty ở Bình Dương. Ban đầu hai chị em V. cũng gửi tiền về để ngoại lo cho gia đình. Nhưng rồi, bỗng dưng V. và T.T.C.T. cùng biến mất. Mãi bốn tháng sau, khi T. theo chồng qua TQ, gọi điện về, bà Thạch Thị D., bà ngoại của V. mới hay cả hai cô cháu ruột và cháu dâu đều bỏ xứ, bỏ con mà đi. Bà Diệp khóc lòa cả mắt. Bà kể: “Không học hành, nghề ngỗng gì nên bây giờ chồng của T.T.C.T. đi Sài Gòn làm mướn để gánh gồng cả nhà. Việc làm của nó lại nay có mai không nên mấy bà cháu tôi đói suốt. Tui 87 tuổi rồi, nếu tôi có bề gì, không biết ai chăm tụi nhỏ…”.

Căn nhà của bà D. sát vách núi Đá Dĩa khu Ba Hòn Chồng ở thị trấn Định Quán. Buổi chiều 2/7, căn nhà đó đóng cửa sớm, nhưng láng giềng vẫn vẳng nghe tiếng thút thít của bé C. Những ngày này ở Xóm Chùa cứ như có tang, người lớn lầm lũi đi ra đi vào, còn trẻ nhỏ thì khóc lóc, vung tay giậm chân đòi mẹ. Ngồi đút cơm cho con gái trong nhà, nghe tiếng trẻ hàng xóm khóc, Mỹ Lan rưng rưng: “Nếu không được những người hảo tâm và báo Phụ Nữ giải cứu về đây, chắc giờ này con em cũng đang khóc hùa theo tụi nhỏ”.

Noi dau xom chua - Bai 1: Lam sao de tro ve?

Mỹ Lan đút cho con gái ăn giữa tiếng khóc đòi mẹ của những đứa trẻ quanh xóm

TAN HOANG NHỮNG GIẤC MƠ

Tổ 4 có hơn 50 hộ thì hơn 10 hộ có con gái bỏ xứ đi lấy chồng TQ, trong đó, phân nửa tháo thân chạy về, nửa còn lại đang loay hoay tìm cách trở về. Duy nhất mình Lý Kim T. may mắn kết hôn với người hiền lành (anh chồng bị dị dạng hơn nửa mặt và cụt mất một bàn tay do bị phỏng hồi nhỏ). Lý Kim H., em gái của T. cũng nằm trong số những cô gái tan giấc mơ hồng.

T. ấm ức: “Em gái em nghe lời người xấu dụ dỗ, bỏ nhà đi. Nó đã sinh con hơn bốn tháng, người ta cần con chứ đâu còn cần mẹ”. Bà Thạch Thị S., mẹ của T. mở điện thoại gọi để chúng tôi trò chuyện với H., vừa nghe tôi ở báo Phụ Nữ, bên kia, H. đã khóc nghẹn ngào: “Chị ơi, cứu được Mỹ Lan rồi, cứu luôn em đi! Em nhớ nhà, nhớ mẹ em quá, chắc em chết quá chị ơi!”.

Cùng nuôi niềm tin con cháu mình sẽ được cứu trở về, nên tất cả những người thân của năm cô gái đang vướng bên TQ đã “rồng rắn” tìm gặp phóng viên.

Lý Kim P., sinh năm 1987, từng lấy chồng TQ (có đăng ký kết hôn hợp pháp năm 2010) và trốn thóat về nước chỉ sau chín ngày làm vợ đầy kinh hoàng nơi đất khách nói: “Bây giờ chỉ trông chờ các chị thôi, nhà của mấy em đây ai cũng nghèo xơ nghèo xác. Hôm trước, để rước Mỹ Lan về, mẹ của Lan bị ông L.T.L. ngụ ngay tổ 4 này lừa lấy hơn bảy triệu đồng (tiền đi vay mượn). Ông ta cũng qua đó rước, nhưng là rước hai đứa cháu và một đứa con của ông ấy về đây. Còn Mỹ Lan thì bị bỏ lại. Cùng đợt đó, mẹ của Ng. còn bị ổng gạt lấy mười mấy triệu mà vẫn mặc cho Ng. bị chồng tâm thần hành hạ”.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Ng. xin giúp em về càng sớm càng tốt. Em nói: “Cô ơi, bây giờ con đang áp tai nghe vào tai trái, hôm trước, chồng con lên cơn, dộng vô má con một cái như trời giáng, giờ lỗ tai phải con mưng mủ, đau nhức lắm, con không nghe được nữa rồi. Con sợ ở đây quá cô ơi, con mà mang bầu là con tự tử luôn”.

Noi dau xom chua - Bai 1: Lam sao de tro ve?

Chị Lê Thị L., sau buổi mưu sinh lầm lũi trở về bên căn nhà trống hoác

Điều làm cho người dân ở KP bất bình là việc những kẻ môi giới, lừa tiền bạc của người dân được bà con chỉ đích danh, ghi rõ trong đơn tố cáo, thế nhưng cơ quan chức năng chỉ im lặng, không một thông tin phản hồi. Đáng nói, người phụ nữ tên Trương Thị Thùy Linh, từng dụ dỗ Mỹ Lan lấy chồng TQ để có 35 triệu lo cho cha mẹ, cũng chính là người đã thâm nhập vào tổ 4 dụ dỗ các em gái khác. Trong đó, có bé Đ., sinh năm 1999 bị Linh dụ đưa qua TQ, ép làm dâu trong một gia đình ở vùng quê hẻo lánh nào đó mà chính Đ. cũng không xác định được ở đâu. Đó là thời điểm tháng 4/2014, khi Đ. chưa đầy 14 tuổi.

Trong năm cô gái bị bán qua TQ năm 2014 được xác định là còn bị vướng lại, chúng tôi chỉ không liên lạc được với Đ. bằng điện thoại. Nhắc tới con gái, chị Lê Thị L., mẹ của Đ. nức nở: “Tôi không dám điện cho con đâu cô ơi. Mới cách đây bốn ngày, con Đ. nhớ nhà, lấy điện thoại má chồng gọi cho tôi, bị anh chồng phát hiện, đánh gãy tay. Nó ra bệnh viện bó bột, mượn điện thoại của cô y tá gọi về báo tin tôi mới hay…”.

Điều chị L. chua xót nhất là bé Đ. đang tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, một lần đi lượm ve chai đã bị dụ dỗ bán làm vợ người xa lạ, còn liên tiếp bị ngược đãi, bạo hành. Chị khóc: “Gia cảnh tôi khốn khó, đứa kế út bị bệnh gan bẩm sinh, để cứu con, tôi phải bán căn nhà duy nhất, bé Đ. đi học mới đọc chạy mặt chữ đã phải nghỉ ngang, phụ mẹ lượm ve chai kiếm sống. Lợi dụng con bé hiếu thảo, biết lo cho mẹ cho em, bà Linh gạt con tôi. Ba tháng sau, khi tôi chạy tìm khắp nơi vô vọng thì Đ. gọi về cho chị hai nó nói là đi lấy chồng TQ rồi, bảo mẹ và chị gặp bà Linh lấy 30 triệu trả nợ. Tôi chết điếng. Chạy đi tìm bà Linh để xác minh sự việc, bà ta nói có đưa con tôi đi, trao cho tôi trước hai triệu. Suốt một năm qua, bà ta trả tôi chỉ 7,5 triệu rồi trốn mất”.

Chị Lê Thị L. và những người dân nơi đây cho biết, hiện Linh đã về nơi ở cũ và đang thách thức gia đình các cô gái đi kiện. Chị Bùi Thị L. uất nghẹn: “Tại sao người gây tội cứ nhởn nhơ, còn bé Ng., con tôi, người bị lường gạt thì phải từng ngày chịu sự hành hạ, tra tấn của chồng?”.

Tiếng khóc của chị L. một lần nữa xé toang màn đêm tĩnh mịch ở Xóm Chùa. Đêm mưa rả rích, hình như tất cả những người sống giữa màn đêm ấy cùng đau đáu nỗi lo lắng, đau khổ. Làm sao? Làm sao để cứu con, cứu cháu trở về?

NGHI ANH (còn tiếp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI