Nỗi đau xé lòng bên hồ thuỷ điện điện Sêrêpốk 4

15/05/2013 - 10:06

PNO - PN - Sao lại nắm tay nhau cùng "đi"? Đó là câu hỏi xé lòng mà thân nhân của các em lớp 6A Trường THCS Hồ Tùng Mậu, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk thốt lên khi đứng bên cạnh thi hài lạnh ngắt của con em mình.

Lúc 11g trưa 14/5, khoảng 30 học sinh (HS) của lớp 6A Trường Hồ Tùng Mậu, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk rủ nhau vào hồ chứa nước Thủy điện Sêrêpốk 4 chơi. Nhiều em nhảy xuống hồ tắm và bị dòng nước chảy xiết cuốn vào hố sâu. Thấy các bạn đang chìm dần, những HS khác nhảy vào cứu nhưng đã có năm em bị nước nhấn chìm.

Cha của nạn nhân Lê Thị Ngọc Huyền bật khóc nói: “Khi nghe tin các cháu bị đuối nước, tôi gọi điện cho con gái rất nhiều nhưng không được. Lúc tôi tới hiện trường, trên bờ chỉ thấy ngổn ngang mấy đôi dép của các cháu. Sau đó, mọi người vớt được năm cháu, nhưng bốn cháu đã ra đi mãi mãi. Em Nguyễn Thị Tường Vy may mắn được một số người đánh cá tại địa phương kịp thời đưa đi bệnh viện cấp cứu”.

Noi dau xe long ben ho thuy dien dien Serepok 4

Khu vực các em học sinh bị trượt chân chết đuối

Bố mẹ em Ngô Thế Hiệp đều là giáo viên, đứng lặng không nói nên lời. Thầy Ngô Thế Hòa, cha Hiệp kể: “Sáng nay, Hiệp còn được chở đi học. Đến 10g, tôi nhận hung tin của một người hàng xóm báo Hiệp chết nước”. Mẹ Hiệp là cô Trịnh Thị Liên ngồi bần thần bên chồng giấy khen của con, nước mắt chảy thành dòng. Hiệp 5 năm liền là HS giỏi. Gần 20 năm trước (1994), cô Liên đã mất một con sau khi sinh, giờ mất thêm Hiệp nữa. “Hiệp ngoan ngoãn, thật thà, hiền lành. Cháu mất đi, gia đình đau đớn, không tin đó là sự thật”, cô Liên bật khóc.

Noi dau xe long ben ho thuy dien dien Serepok 4

Đám tang tại nhà Huyền

Cha mẹ của em Lê Thị Ngọc Huyền nhận hung tin khi đang làm rẫy. Tuy gia đình thuộc diện khó khăn nhưng cha mẹ em cố gắng cho con đi học. Út Huyền nhiều năm liền là HS giỏi. Mỗi lần nhận giấy khen từ nhà trường, em đều nói: “Con phải học thật chăm chỉ để sau này đi làm có tiền thì ba mẹ mới hết khổ”.

Đau đớn, ngất lên ngất xuống, bà Nguyễn Thị Phượng, mẹ của em Trần Thị Ngọc Ánh khóc than: “Con ơi, sao bỏ mẹ mà đi. Ngày nào mẹ cũng chở con đi học, chỉ một bữa để con tự đi xe đạp thì xảy ra chuyện. Mẹ dặn con đi đứng phải cẩn thận, đi học phải về sớm mà sao không nghe lời mẹ, con ơi!”.

Noi dau xe long ben ho thuy dien dien Serepok 4

Em Tường Vy đang dần hồi phục tại bệnh viện huyện Buôn Đôn

Cạnh nhà bà Phượng, nhà ông Nguyễn Xuân Chung (1979), cha của nạn nhân Nguyễn Thị Minh Hiền cũng bao trùm một màu tang tóc. Ông Chung nói: “Tôi đã rất lo khi thấy các cháu cùng trường đi học về, còn con mình chẳng thấy đâu. Rồi tôi gọi điện hỏi cô giáo chủ nhiệm, cô nói mấy cháu bị chết nước”.

Cô Nguyễn Thị Rịch, giáo viên Trường THCS Hồ Tùng Mậu cho biết: “Hôm nay các em vẫn có lịch học, buổi sáng các em lên trường để làm bài kiểm tra bổ sung. Sau đó các em ra về, ngay sau đó nhà trường nhận tin dữ”.

Nạn nhân duy nhất sống sót là em Nguyễn Thị Tường Vy (SN 2001), hiện sức khỏe đang dần bình phục. Tuy nhiên, đến chiều 14/5, em vẫn còn bị sốc nặng và chưa thể nói chuyện với mọi người.

Noi dau xe long ben ho thuy dien dien Serepok 4

Bố Huyền khóc bên quan tài của con

Theo ông Huỳnh Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, nơi bốn em bị đuối nước sâu khoảng 1,5m - cách Nhà máy thủy điện Sêrêpốk khoảng 800m.

“UBND huyện và Huyện ủy đã họp thống nhất giao cho Sở LĐ-TB-XH tỉnh tìm hiểu, đề xuất kinh phí hỗ trợ cho gia đình có HS gặp nạn. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho ngành giáo dục tới từng gia đình thăm hỏi, động viên và chia sẻ nỗi đau cùng gia đình các em” - ông Huỳnh Văn Quang cho biết.

VÕ PHÚC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI