Nỗi đau tình phụ

21/08/2019 - 18:00

PNO - Chị quá sợ cái gọi là vợ chồng, chị không tin có một người đàn ông mãi mãi yêu một người đàn bà, càng không tin người ta có thể yêu thương một đứa bé không phải con mình.

Ngày xuất viện, đợi mà không thấy chồng đến đón, chị tự bế đứa con còn đỏ hỏn từ khoa sản trở về. Nhà vắng tanh.

Thiên hạ ồn ào, mới sinh em bé mà chồng bỏ đi thì rõ ràng đứa nhỏ là con người khác. Chị điếng người chỉ muốn chết cho xong. Nhưng mình chết thì em bé làm sao? Cha nó đã bỏ đi, mẹ cũng bỏ đi... sao đành?

Vốn tính hiền lành, chị câm lặng gồng gánh bão giông. Đang là chủ quán tạp hóa, để tránh không phải tiếp xúc thường xuyên với người đời, chị sang nhượng quán rồi thuê đất làm ruộng. Lầm lũi giữa nắng mưa chị không ngại, chỉ ngại nhất những gã tự cho mình cái quyền cợt nhả người đàn bà bị dán nhãn hư hỏng. Khổ nhất chính là khi đứa con gái đi học. Con bé sớm đối diện với hoàn cảnh oái oăm, tự biết là không nên làm mẹ buồn bằng những câu hỏi về cha, nhưng bài tập làm văn tả cảnh gia đình em quây quần vào buổi tối khiến con bé rối trí giữa văn mẫu và đời thật, rồi bật thành câu hỏi:

“Con phải viết sao đây hả mẹ?”. 


 

Noi dau tinh phu
May sao con chị càng lớn càng giống cha. Hình minh họa

Có người đàn ông thấy chị một mình vất vả mà động lòng cảm thương, ngỏ ý cùng chị chung vai chia sẻ cuộc đời, nhưng chị nhất định từ chối. Chị quá sợ cái gọi là vợ chồng, chị không tin có một người đàn ông mãi mãi yêu một người đàn bà, càng không tin người ta có thể yêu thương một đứa bé không phải con mình, đến cha ruột của nó mà còn dửng dưng quay lưng với máu mủ kia mà. Con bé càng lớn càng giống cha khiến những kẻ độc miệng nhất cũng hạ tông chuyển thành xì xào tội nghiệp cho số phận. Thoát được lời ong tiếng ve buộc tội đàn bà hư hỏng, cuộc sống mẹ con chị dễ thở hơn, không phải né tránh cái nhìn của hàng xóm láng giềng, đi ra ngoài đường không phải cúi mặt… 

Vì vậy, chị khép chặt lòng mình, thậm chí né tránh mọi giao tiếp trừ khi họp hành tổ dân phố. Người nói tại chị hiền lành nhút nhát, người bảo hẳn chị căm hận đàn ông ghê lắm, người cho rằng biết đâu nhìn đứa con giống cha như đúc thế kia thì lòng chị sao dễ quên…

Thoắt cái, con gái lên thành phố học đại học. Nhét đầy một giỏ bột đậu và ruốc thịt, đưa con ra bến xe, chị vừa buồn vừa vui. Buồn vì xa con, vui vì nghe nói ở thành phố người ta không dòm ngó như ở quê, từ nay con gái sẽ được sống thanh thản. 

Ban ngày chị vẫn lầm lũi ruộng nương, tối đến, giữa quạnh hiu, chị có niềm vui chờ điện thoại con gọi về. Đi học tiếng Anh và đi làm thêm, ngày nào tới sát giờ ký túc xá đóng cửa con mới về. Phòng tám đứa, bốn cái giường tầng, con gái nằm tầng trên sát cửa ra vào nên hơi chộn rộn, nhưng bù lại gió thổi mát rượi… Chị lắng nghe và hình dung… 

Dứt cuộc điện thoại, chị nằm thao thức nhớ lại từng lời con kể. Và chị bỗng hoảng lên, trời, giường tầng trên, lỡ con bé ngủ say lăn ùm xuống đất. Không dám thốt thành lời nỗi lo của mình, chị hỏi quanh co. Giường tầng cao lắm không con? Nửa đêm ngái ngủ mà cần leo xuống thì sao?... Con gái cười khúc khích, má đừng lo, con lớn rồi mà.

Noi dau tinh phu
Dường như nỗi đau của con đã lặp lại từ mẹ. Hình minh họa

Nhưng con gái về chỉ một mình. Khi cánh cửa nhà khép lại, nhìn màu sơn tường mới tinh và bộ bàn ghế cũng thơm mùi mới, cơn nức nở vỡ òa. "Má ơi, con gái của giám đốc công ty xinh đẹp, giỏi giang hơn con, nên…"Ừ, con gái lớn rồi. Những cuộc điện thoại tỉ tê về chàng trai bạn học cùng khoa khiến chị miên man âu lo, cầu trời cho con mình gặp được người chung thủy. Từng ngày trôi qua… Ba năm trôi qua… Con gái vẫn kể về chàng trai ấy với giọng trìu mến thân thương, mùa hè này con đưa bạn về nhà mình chơi được không má? Chị nhìn quanh, phải sơn lại bốn bức tường và đánh vẹc-ni lại bộ bàn ghế cho mới mẻ mới được.

Chị đau thắt ruột nhìn con mình tan nát trong nỗi tuyệt vọng bị tình phụ. Chẳng biết nói gì, chị lặp đi lặp lại: “Nín đi con, nín đi con”… Dỗ dành vậy mà khi con gái không khóc nữa, mặt mũi dửng dưng, chị lại thấy thà con cứ khóc còn hơn. 

Mùa hè dần trôi qua, chị mua các loại đậu về làm bột và mua thịt về làm ruốc. Con gái lạnh tanh: “Má đừng làm thức ăn khô đem đi nữa. Con ở nhà luôn mà!”. Chị điếng người. Sao vậy hả con? Có đáng để con dở dang việc học vì…

Con gái lặng câm chạy vô phòng đóng chặt cửa lại. Chị sững sờ nhận ra phiên bản của mình, sững sờ nhận ra cuộc đời mình cũng dở dang…

Chính cách sống của chị suốt hai chục năm nay đã chứng minh hùng hồn rằng vết thương không bao giờ lành, rằng đòn giáng của số phận khiến người ta không thoát được. Chị đã vô tình trở thành tấm gương lỗi cho con gái. May mà chị kịp nhận ra. Trớ trêu là nỗi đau của con gái mới giúp chị nhận ra. Nỗi đau chữa lành nỗi đau.

Lâu lắm rồi chị mới mở hộp trang điểm, lựa tấm vải sáng màu, và mở toang mọi cánh cửa để nắng vàng rực tràn vào nhảy nhót trên những bức tường xanh màu vôi mới. Người đàn bà tuổi bốn lăm thường ngày lầm lũi mà nay ngẩng mặt tươi tắn giữa nắng ấm, khiến con gái ngạc nhiên bối rối chớp mắt: “Hôm nay má lạ ghê. Má định làm gì vậy?”.

Tiếp tục sống, con gái à! 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI