Đoạn clip AJ+ đưa lên mạng xã hội chỉ dài một phút rưỡi, có hình ảnh kết thúc là ánh mắt ngây dại vì đói của một em bé tại thị trấn Madaya (Syria), đã lập tức trở thành nỗi ám ảnh nhói lòng. Clip còn đặc tả cậu bé bảy tuổi gầy trơ xương, sẵn sàng thề để mọi người tin: “Con đã nhịn đói bảy ngày”.
Rồi Hana, em bé bảy tháng tuổi, quẫy khóc vì đã một tháng qua, người mẹ chẳng thể cho con giọt sữa nào mà chỉ cho nhấp môi ít nước hòa với muối. Những hình ảnh trên chỉ là một góc nhỏ về những cái chết dần mòn ở thị trấn Madaya, nơi có gần 40.000 người bị kẹt giữa hai lằn đạn của quân chính phủ và phe nổi dậy
Chỉ cách thủ đô Damascus 24km về phía Tây Bắc, nhưng Madaya hoàn toàn bị cô lập. Đến khi đoạn clip xuất hiện trên mạng, tiếng kêu thống khổ của người dân Madaya dường như mới “thấu trời xanh”. Lực lượng chống chính phủ kiểm soát thị trấn, quân chính phủ và nhóm ủng hộ Tổng thống Assad cũng không nới lỏng vòng vây, phong tỏa mọi ngả đường có thể cung cấp lương thực, nước uống cho thị trấn.
Nửa năm qua, các bên thay nhau giằng xéo Madaya, biến nơi này thành “thị trấn chết đói”. Chó, mèo đã hoàn toàn biến mất vì người dân tận diệt làm lương thực. Hết chó, mèo đến côn trùng cùng chung số phận và giờ chỉ còn lá cây đắng chát. Trong cái đói triền miên, hàng ngàn người lớn cố gượng chút sức lực còn lại xuống đường giương cao những tấm bảng trắng khẩn cầu thế giới cứu lấy trẻ thơ.
Chỉ mới đây, một đoàn xe của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã đến Madaya, mang theo nhu yếu phẩm và những hỗ trợ thiết yếu, giúp người dân tìm lại sự sống. Phát ngôn viên của ICRC tại Syria, ông Pawel Krysiek mô tả cảnh tượng đầu tiên khi xe của ICRC chạy vào thị trấn Madaya: “Tim tôi thắt lại vì những cảnh tượng thương tâm. Nhiều người nằm vất vưởng trên đường phố. Họ vẫy tay chào yếu ớt. Những ánh mắt thất thần của bọn trẻ đầy ám ảnh”.
Thế nhưng, ông Bashar Jaafari, đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 11/1 vẫn mạnh miệng phủ nhận là không có chuyện chết đói tại Madaya(!?) Trong khi đó, bác sĩ Mohamed Youssef, Chủ tịch Hội đồng y tế tại Madaya xác nhận, tại Madaya trung bình mỗi ngày có ba người chết, hàng chục người gục ngã vì đói, đa số nạn nhân là trẻ em. Các thị trấn khác của Syria là Foah, Kefraya cũng đang bị bao vây, nhiều người dân vô tội bị đói khổ giày vò.
|
Trẻ em ở thị trấn Madaya ăn lá ô liu qua ngày - Ảnh: AJ+ |
Hơn 20 năm trước, bức ảnh “Kền kền chờ đợi” của phóng viên ảnh Kevin Carter, phản ánh về nạn đói châu Phi nổi tiếng khắp thế giới. Không ngờ, đến tận hôm nay, cái đói vẫn còn là một vấn nạn, một trong những mục tiêu thiên niên kỷ chưa được giải quyết của con người.
Theo Tổ chức Lương nông LHQ (FAO), trên thế giới có hơn 20.000 trẻ em dưới năm tuổi chết đói mỗi ngày. Không bị chiến tranh đày đọa nhưng nhiều vùng ở châu Phi vẫn đầy dẫy những đứa trẻ rã rời vì đói. Năm 2011 mở đầu cho cuộc khủng hoảng nạn đói trầm trọng nhất châu Phi trong 60 năm trở lại, ảnh hưởng đến ít nhất 11 triệu người ở Đông Phi. Chỉ riêng Somalia, trong gần hai năm qua, 260.000 người đã chết vì đói, một nửa trong số này là trẻ dưới năm tuổi.
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), có khoảng một triệu trẻ ở đây cần điều trị suy dinh dưỡng khẩn cấp. Hiện thế giới có đến 795 triệu người đang đối diện với nạn đói, trong đó có 195 triệu người Ấn Độ. Mỗi ngày, có đến 3.000 trẻ dưới năm tuổi của nước này chết vì đói. Không thể tin nổi một quốc gia thuộc nhóm nền kinh tế mới nổi, được kỳ vọng tạo nhiều cú hích quan trọng về kinh tế như Ấn Độ, cũng không thoát khỏi nạn đói.
Mất mùa do hạn hán và nguồn nước bị ô nhiễm được cho là nguyên nhân ảnh hưởng sức khỏe người dân, trong đó trẻ em rất dễ tổn thương, nên nhanh chóng rơi vào tay thần chết. Tuy nhiên, xét cho cùng, nạn đói, dù nguyên nhân từ chiến tranh hay hậu quả của thiên nhiên thì ngọn nguồn vẫn là do con người chưa đủ yêu thương nhau, không đủ sự chăm sóc dành cho nhau.
Thiên Như (Theo AJ+, CNN, CBC, Mamamia, Youth Kiawaaz, NPR)