Chuyên đề - Khát khao quyền được sống - Bài 2:

Nỗi đau thầm lặng dằn vặt bao thế hệ

04/07/2023 - 19:01

PNO - Dẫu chính thức bị xem là hành vi vi phạm nhân quyền, thậm chí có thể cấu thành tội hình sự, FGM - hủ tục cắt âm vật - vẫn tiếp tục đe dọa sức khỏe hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái mỗi năm.

“Nạn nhân của FGM phải âm thầm chịu đựng nhiều di chứng khó lường về sức khỏe phụ khoa cũng như tổn thương tinh thần kéo dài dai dẳng” - bác sĩ Ghada Hatem - ẢNH: UNFPA
“Nạn nhân của FGM phải âm thầm chịu đựng nhiều di chứng khó lường về sức khỏe phụ khoa cũng như tổn thương tinh thần kéo dài dai dẳng” - bác sĩ Ghada Hatem - ẢNH: UNFPA

Với các nạn nhân, cơn đau đớn kinh hoàng ngoài da kéo theo nỗi ám ảnh tinh thần khôn nguôi. Trong một số nền văn hóa, việc thảo luận công khai về hủ tục này còn là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, đang có những phụ nữ dũng cảm đứng lên, đóng góp tiếng nói cùng công sức để sớm xóa bỏ FGM vĩnh viễn.

Diaryatou Bah bị cắt bỏ âm vật khi mới 8 tuổi, tại Guinea (quốc gia thuộc Tây Phi) - nơi cô sống trước khi di dân sang Pháp. “Một phụ nữ xuất hiện, kéo tôi ra khỏi nhà. Xung quanh tôi là các dì, hàng xóm và bà tôi. 2 người giữ tay, 2 người khác giữ chặt chân tôi. Họ phủ lá cây lên che mắt tôi. Không ai giải thích cho tôi chuyện gì đang xảy ra” - cô kể. 

Nay 37 tuổi, Diaryatou - tác gia và nhà hoạt động vì nữ quyền - vẫn nhớ như in trải nghiệm khủng khiếp đó: “Tôi không bao giờ quên khoảnh khắc khi lưỡi dao cứa vào da thịt. Đã 30 năm nhưng từng chi tiết vẫn ám ảnh tôi. Ở nơi tôi sinh ra, đây là một nghi lễ bắt buộc với các bé gái”.
Thứ Diaryatou chịu đựng kế tiếp là “một cơn đau khôn tả và 3 tuần liền không thể đi lại bình thường”. Cô bày tỏ: “Trước năm 20 tuổi, tôi vẫn nghĩ phải chăng tất cả phụ nữ trên thế giới này đều phải nếm trải đau đớn như tôi”.

Sự im lặng tàn khốc 

FGM (Female genital mutilation) là hành vi cố ý cắt bỏ hoặc gây tổn thương một phần hay toàn bộ bộ phận sinh dục ngoài ở nữ giới không vì mục đích y khoa. Hủ tục rùng rợn này đã được thực hành ở 31 quốc gia. Câu chuyện của Diaryatou rất giống với câu chuyện của những phụ nữ tại nhiều nước châu Phi, Trung Đông và châu Á. Nạn nhân của FGM hầu hết là trẻ em gái ở độ tuổi dưới 15. 

“FGM được xem như một loại nghi thức trưởng thành, hình thành bởi tư tưởng văn hóa lệch lạc. Bé gái bị ép buộc trải qua nó để bước vào giai đoạn thành niên. Một số gia đình còn thực hiện FGM đối với trẻ sơ sinh hoặc phụ nữ trưởng thành, đôi khi vì quyền thừa kế tài sản hoặc cưỡng ép hôn nhân” - Alice Hall - Giám đốc dự án quốc tế của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Úc - cho biết.  

Đến nay, hơn 200 triệu phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu đã bị cưỡng ép trải qua FGM. Dưới tác động tiêu cực từ cơn đại dịch gần đây, số lượng nạn nhân của hủ tục này ước tính có thể tăng lên 3-4 triệu người mỗi năm. Nỗi đau thầm lặng dằn vặt bao thế hệ không đơn thuần xoay quanh một hành vi bạo lực phi nhân đạo mà còn là chồng chất sức ép định kiến nhắm vào phụ nữ. 

“Khi đó tôi mới 13 tuổi. Họ tấn công tôi khi tôi đang mang thai 3 tháng do bị cưỡng bức” - Rebecca Titany - người Kenya - hồi tưởng. “Tấn công”, theo lời Rebecca, chính là việc bà bị ép buộc thực hiện FGM.
Rebecca bị xâm hại bởi một thiếu niên cùng làng, trong một khu vực hẻo lánh thuộc hạt Bomet, tỉnh Rift Valley, tây nam Kenya. “Thời điểm tôi tiết lộ mình có thai, họ lập tức cắt bỏ âm vật của tôi. Dù biết tôi bị cưỡng bức, không ai đứng về phía tôi, ngay cả mẹ tôi. Tôi và con gái đều bị dân làng xem là không trong sạch” - bà nói. FGM từng gây ra vô vàn đau đớn thể xác và khiến bà sinh non đứa con đầu lòng - Emily. Đến nay đã sang tuổi lục tuần, sức khỏe bà vẫn liên tục bị giày vò bởi di chứng.  

Nhiều mảnh đời tương tự Diaryatou và Rebecca gần như không có cơ hội bảo vệ bản thân, chống lại sự bất công họ phải nhận. Nguyên nhân, theo bác sĩ Ghada Hatem - giám đốc sáng lập một tổ chức phúc lợi cho phụ nữ tại Paris (Pháp) - nằm ở niềm tin mù quáng của một số cộng đồng bảo thủ. 

“Không có nền tảng lịch sử vững chắc nào về nguồn gốc của hủ tục này. Dẫu vậy, FGM vẫn được những cộng đồng còn mang nặng tư duy mê tín cổ xúy theo cách gần như áp đặt. Tôi từng tiếp xúc với không ít sản phụ bị cưỡng ép cắt âm vật khi còn rất nhỏ. Mãi về sau, khi tới Pháp định cư và sinh con, trò chuyện với bác sĩ sản khoa, họ mới hiểu đó là hành vi sai trái” - Hatem nhấn mạnh. 

Rebecca Titany (trái) và con gái Emily - ẢNH: SBS
Rebecca Titany (trái) và con gái Emily - ẢNH: SBS

Ở Pháp cũng như nhiều nước châu Âu khác, thực hành FGM có thể khiến một người lãnh án tù. Thế nhưng, tại một số quốc gia như quê hương Guinea của Diaryatou, không dễ để thay đổi tư tưởng truyền thống bảo thủ. Nữ văn sĩ cho biết: “Rất nhiều bé gái buộc phải trải qua FGM để được phép kết hôn về sau. Không có lời giải thích nào. Không có bất kỳ sự lựa chọn nào cho chúng tôi”. 

Khi trưởng thành, bên cạnh công tác bảo trợ phụ nữ, Diaryatou đã chọn viết ra toàn bộ trải nghiệm cá nhân. Tác phẩm tự truyện của cô - Họ đánh cắp tuổi thơ tôi - là hồi chuông rúng động lần nữa nhắc nhở công chúng về hệ lụy thương tâm của những hủ tục tàn nhẫn như FGM. 

“Không người phụ nữ, không bé gái nào nên trải qua nỗi đau của hủ tục này” - Emily - người đầu tiên trong gia đình Rebecca thoát khỏi “bóng ma” FGM - chia sẻ. Những năm qua, Rebecca và con gái đã lên tiếng phá tan sự im lặng không chỉ vì bản thân họ.    

Đổi mới giáo dục để đổi mới góc nhìn 

Thời điểm Liên hiệp quốc đưa ra cam kết chấm dứt FGM trên toàn cầu trước năm 2030, gia đình Rebecca quyết định đóng góp một phần cho mục tiêu chung này. Thông qua Quỹ BET, tổ chức từ thiện họ cùng sáng lập có trụ sở tại Kenya, Emily và chồng cô - Bernard Korir - xây dựng các chiến dịch phổ biến kiến thức nhân quyền, đặc biệt ở nhiều vùng nông thôn, với chủ đề Chung tay xóa bỏ FGM. 

Về hoạt động của Quỹ BET, Emily bổ sung: “Chúng tôi không ngừng vận động các gia đình nông thôn đưa trẻ em gái đến trường. Tại đây, các em sẽ được tiếp cận kiến thức thiết thực về bình đẳng giới, quyền phụ nữ cũng như sự nguy hiểm của FGM”.   

Kakenya và các học sinh tại trường nội trú Kakenya Center for Excellence - ẢNH: BELLANAIJA
Kakenya và các học sinh tại trường nội trú Kakenya Center for Excellence - ẢNH: BELLANAIJA

Tích cực đổi mới giáo dục để đổi mới góc nhìn cho thế hệ trẻ cũng là điều Kakenya Ntaiya - một cô giáo người Kenya từng là nạn nhân của FGM - luôn tâm niệm. Cha ruột Kakenya đã ép buộc cô cắt bỏ âm vật trước tuổi dậy thì. Cô cũng bị yêu cầu thôi học để kết hôn với một người xa lạ. Không muốn sống cam chịu như bao phụ nữ bất hạnh trước đó, Kakenya quyết tâm tìm lối thoát cho mình và về sau, cho nhiều trẻ em gái khác. 

“Năm 12 tuổi, tôi thỏa thuận với cha. Tôi đồng ý trải qua FGM để đổi lấy cơ hội được tiếp tục đến trường và không kết hôn sớm. Bằng không, tôi sẽ bỏ trốn khỏi nhà” - cô nói. 

Sự kiên trì phấn đấu giúp Kakenya trở thành người phụ nữ đầu tiên trong làng giành được bằng cử nhân nghiên cứu quốc tế, sau đó là danh hiệu tiến sĩ ngành giáo dục của Đại học Pittsburgh (bang Pennsylvania, Mỹ). Trở lại quê hương, từ năm 2009, cô hiện thực hóa giấc mơ ngày nào bằng việc thành lập chuỗi trường nội trú cùng hàng loạt chương trình hỗ trợ giáo dục dành cho trẻ em gái. “Chúng tôi dạy văn hóa đồng thời dạy các em cách tổ chức cuộc sống, bảo vệ quyền lợi, chống lại hủ tục lạc hậu. Không chỉ riêng tôi và bọn trẻ, rất nhiều người trong cộng đồng chúng tôi đang mong chờ một tương lai tươi sáng hơn” - Kakenya bày tỏ. 

Như Ý

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI