Nỗi đau sau cơn lũ

12/09/2013 - 07:47

PNO - PN - Chúng tôi đến xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai khi việc tìm kiếm thi thể nạn nhân vẫn đang tiếp diễn. Mọi người từ khắp nơi đổ về giúp người dân tìm kiếm thi thể người mất tích, làm chỗ ở tạm cho người bị cuốn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Noi dau sau con lu

Mỗi khi nghe tiếng trẻ con khóc, chị Đào Thị Quý lại chảy nước mắt xót thương đứa con xấu số của mình

Cơn lũ tàn bạo

Trong số 11 nạn nhân bị cuốn trôi, người ta vẫn chưa tìm được bé trai 2,5 tháng tuổi, con thứ hai của anh Chảo Dào Liềm. Nhà anh Liềm có bốn nhân khẩu, vừa tách ra ở riêng chưa đầy một năm thì bị lũ cuốn mất ba người. Đang trôi, chiếc giường gặp một tảng đá, vỡ nát, cả nhà anh mỗi người văng đi một nẻo. Mãi mấy ngày sau, họ hàng của anh mới đến bệnh viện cho hay: “Đám ma vợ Liềm và con gái đã được xã làm giúp, chu đáo lắm rồi”. Giờ Liềm còn đau đáu nỗi niềm về đứa con trai mới sinh, chưa kịp đặt tên thì đã gặp nạn.

Buồng bệnh bên cạnh, chị Đào Thị Quý (cán bộ văn hóa xã Bản Khoang) đấm ngực thùm thụp mong giảm bớt cơn đau thắt tim. Bác sĩ bảo: “Mỗi khi nghe tiếng trẻ con khóc, chị Quý lại lên cơn đau tim thế”. Chị Quý cả nghĩ, đổ lỗi cho mình không đủ mạnh để giữ chặt lấy đứa con trong tay. Vợ chồng chị Quý thoát chết như một kỳ tích. Căn nhà mới xây khá kiên cố nhưng cũng bị lũ cuốn phăng trong tích tắc. Đêm đó chị Quý đang ôm con ngủ, nghe tiếng chồng hét lên: “Động đất, chạy!”. Cả nhà ôm lấy nhau và trôi đi. Trên đường trôi, chị Quý cố giữ chặt lấy con nhưng bé Hà Gia Bách vẫn bị bứt khỏi vòng tay mẹ. Người ta bới được Bách khi thân thể bé còn ấm nhưng trái tim thì đã không đập nữa.

Không ai ở Bản Khoang có khái niệm gì về lũ quét. Con suối hàng ngày chảy qua chậm chạp, róc rách, hiền hòa đến nỗi mọi người chỉ quen gọi nó là “khe lạnh”. Vậy mà sau hôm lũ quét, suối tự mở dòng chảy toang hoang, phá tan trường học, cầu cống, đường sá của thôn Can Hồ A, khiến mọi người bàng hoàng.

Anh Chảo Láo Ú nói: “Nhà tôi bị ảnh hưởng nặng nhất Bản Khoang này đấy. Ông trời vô tình lắm, bắt đi bảy người nhà tôi rồi. Bây giờ nhà cửa không có, tiền cũng không có, biết sống ra sao?”. Ai được hỏi cũng không hiểu, không tả được lũ bắt đầu từ đâu? Họ chỉ nói, trước lũ mấy ngày mưa tầm tã, nhưng mưa ở Sa Pa là chuyện thường ngày. Thiên tai chỉ xảy ra trong vài phút, nhưng hậu quả của nó là nỗi ám ảnh nặng nề, khó nguôi ngoai.

Noi dau sau con lu

Dân bản đến nhà có tang

Noi dau sau con lu

Chiếc cầu tạm bắc cho học sinh đến trường khai giảng ngày 9/9

Day dứt nỗi đau

Con đường xuyên qua bản Can Hồ A đã bị lũ xóa sạch. Thay vào đó là những khối đá khổng lồ, khiến mọi người khó nhận ra trước lũ đây là lối đi đến trường của hàng trăm em nhỏ ở xã Bản Khoang. Khu tập thể giáo viên (GV) và một phần lớp học cũng bị san bằng trước ngày khai giảng.

Thầy Nguyễn Công Hưng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Bản Khoang 1 kể: “Đêm đó nếu lũ về chậm hơn khoảng một - hai tiếng nữa thì thương vong về người lớn lắm. Để chuẩn bị cho lễ khai giảng vào sáng 5/9, tất cả các GV hầu như đã tụ tập ở một điểm để chuẩn bị mọi thứ cho ngày khai giảng. Những người về nhà đi ngủ hầu hết vì họ đã làm xong phần việc của mình. Khi lũ tràn qua khu tập thể GV, tất cả bị xóa sạch trong vài phút đồng hồ, không ai kịp giữ lại cho mình cái gì. Ở một phòng học bên này, 18 em học sinh (HS) tiểu học đã đến trường để ở, chờ hôm sau khai giảng năm học mới. Tất cả các em đi vào giấc ngủ say, không hề hay biết mình may mắn thoát chết. Lũ về, quét trắng xóa căn nhà đối diện, chỉ cách nhà 18 em HS ấy vài mét”.

Hôm chúng tôi đến, thầy Hưng đang cùng các cán bộ, GV dọn dẹp đống đổ nát để khai giảng năm học mới. Không khí háo hức nhường chỗ cho sự trầm lắng, đau thương. Những thầy cô bị thương đang điều trị ở bệnh viện, tuy đã qua cơn nguy kịch, nhưng chưa biết thế nào. Thầy Hưng nói: "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để không ảnh hưởng đến chương trình học bình thường của các HS. Ngày 8/9, tôi đã chỉ đạo tất cả các thầy cô phải đi bộ đến từng nhà, từng thôn bản, vận động các em đến trường".

Trời vẫn mưa tầm tã, đường khó đi, nhưng có đến 85% HS có mặt dự lễ khai giảng, đối với thầy cô là một món quà tinh thần rất lớn. Những khó khăn còn chồng chất trước mắt, thầy và trò đang tìm mọi cách để khắc phục dần. Nhiều trường lân cận đến sẻ chia sách, bút với HS Bản Khoang. Thầy Hưng chỉ ao ước có đủ tiền để sắm lại năm bộ máy tính cho phòng tin học mà trường trang bị cho năm học mới, vừa bị lũ cuốn sạch. Thầy Hưng nói: “Mong Nhà nước quan tâm, sớm triển khai xây dựng lại ngôi trường an toàn hơn giúp thầy trò yên tâm đến lớp. Hơn 200 em HS tiểu học ở Bản Khoang hiện đang đến lớp trong điều kiện cơ sở vật chất rất tồi tàn”.

Ông Chảo Phù Chẳn, Chủ tịch xã Bản Khoang tất tả cùng anh em dân quân xẻ gỗ dạt về trong lũ để làm nhà cho bà con. Những người mất nhà, sẽ được cấp một lô đất mới ở vị trí an toàn hơn, nhưng nhiều người lo lắng không biết sẽ sống bằng gì? Rời bản Can Hồ A, hình ảnh anh Chảo Duần Vạn thẫn thờ ngồi bên bờ suối lặng lẽ khóc cứ theo tôi mãi. Duần Vạn không còn nhà nữa, phải ở nhờ nhà hàng xóm, rồi làm đám ma cho cha mẹ, vợ cùng đứa con gái 14 tuổi. Lúc thầy cúng đang đọc kinh, gõ mõ trong nhà, anh ra bờ suối ngồi khóc một mình.

 Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI