Nỗi đau những người con bị tước mất gia đình

05/12/2024 - 15:16

PNO - Trong quá khứ, gần 30.000 trẻ em Guatemala từng là nạn nhân của làn sóng nhận con nuôi đưa sang nước ngoài. Hành vi trái pháp luật, không khác gì buôn bán trẻ em đẩy nhiều người vào tình cảnh đau thương, mất mát.

Buổi sáng một ngày cuối tháng 10 vừa qua, trong sân bóng bầu dục ở Futeca Cayalá, (khu dân cư thuộc thủ đô Guatemala), Osmín Ricardo Tobar Ramírez - đội trưởng 35 tuổi khoác áo hậu vệ của đội bóng địa phương Los Toros - đang luyện tập hăng say. Mẹ anh - bà Flor de María Ramírez Escobar 52 tuổi - ngồi bên ngoài quan sát vị tuyển thủ nghiệp dư với nụ cười tự hào.

Mẹ ruột đến cổ vũ Ramírez tại sân bóng. Gia đình họ từng bị chia cách nhiều năm liền bởi hành vi nhận con nuôi trái pháp luật.
Mẹ ruột đến cổ vũ Ramírez tại sân bóng. Gia đình họ từng bị chia cách nhiều năm bởi hành vi nhận con nuôi trái pháp luật.

Khó ai hình dung nổi, người phụ nữ tươi cười trong sân bóng từng không thể nhìn thấy con trai bà suốt 14 năm. Trải nghiệm tựa “cơn ác mộng” buộc mẹ con họ ly tán, cũng đã xảy ra với không ít gia đình nghèo khác ở quốc gia Trung Mỹ.

“Trộm cắp” trẻ em trắng trợn

Khoảng 30.000 người Guatemala sinh vào khoảng thập niên 1970 đến giữa những năm 2000, tương tự Ramírez, là nạn nhân của “cơn sốt” nhận con nuôi sang nước ngoài. Theo Ủy ban Nhân quyền Liên châu Mỹ (tòa án quốc tế của khu vực Trung Mỹ đặt trụ sở tại Costa Rica), rất nhiều vụ nhận nuôi dạng này có dấu hiệu tham nhũng, sai quy định pháp luật.

Ngày 9/1/1997, Ramírez 7 tuổi cùng anh trai bất ngờ bị một nhóm nhân viên từ văn phòng Tổng chướng lý kéo khỏi nhà riêng. Nhóm người này lấy cớ “vừa nhận được tin báo từ hàng xóm, nói rằng có 2 đứa trẻ bị bỏ rơi”. “Họ nói buổi chiều sẽ đưa chúng tôi về… Nhưng hôm ấy là lần cuối tôi trông thấy nhà mình”, Ramírez nói.

Một mình chăm lo gia đình trong lúc chồng làm việc xa nhà, mẹ anh vô cùng kinh hoảng khi biết mình vừa bị cướp mất con.

Bà dùng tiền tiết kiệm tích góp suốt nhiều năm, liên hệ khắp các nơi có thẩm quyền với hy vọng sớm giành lại con. Thế nhưng, tại Tòa án Vị thành niên, một thẩm phán nhận hối lộ nhanh chóng phán định Ramírez Escobar “không đủ năng lực nuôi con”.

Hàng loạt đơn kháng cáo sau đó của cha mẹ Ramírez đều bị bác bỏ.

Ramírez Escobar hồi tưởng: “Tôi không thể trông thấy con mình nữa. Tôi như một con thuyền không còn bánh lái. Tôi còn sống nhưng tâm như đã chết”.

Hai thành viên thuộc nhóm hoạt động nhân quyền, Ramírez và Ignacio Alvarado, trong một buổi họp báo thảo luận về tội ác buôn bán trẻ em từng gây tổn thương nhiều gia đình Guatemala.
Hai nhà hoạt động nhân quyền, Ramírez và Ignacio Alvarado, trong một buổi họp báo. Họ là những đồng hương chung cảnh ngộ đang góp tiếng nói lột tả tội ác buôn bán trẻ em từng gây tổn thương nhiều gia đình Guatemala.

Đấu tranh trước tội ác

Năm 1998, Ramírez, khi ấy đã bị tách khỏi anh trai, được một gia đình tại bang Pennsylvania (Mỹ) nhận nuôi. “Ở trại trẻ mồ côi, tôi bị đánh đập, hành hạ rất nhiều. Ở Mỹ, tôi từng mong tình cảnh sẽ khá hơn”, anh nói. “Nhưng tôi không hòa hợp được với gia đình cha mẹ nuôi. Cuộc sống tại đó không khiến tôi hạnh phúc”.

Ignacio Alvarado cũng là nạn nhân của làn sóng nhận con nuôi những năm 1980. Mới 3 tuổi, anh được đưa sang Canada. Năm 17 tuổi, anh đã đặt chân qua nhiều viện mồ côi và gia đình khác nhau. Cuộc sống của Alvarado kham khổ, lạc lõng không kém Ramírez.

“Khi hay tin viện mồ côi ở Guatemala nơi thu nhận mình từng tổ chức buôn bán trẻ em trá hình dưới dạng dịch vụ nhận con nuôi, tôi tự hỏi, có phải mình cũng là một nạn nhân?”, Alvarado cho biết.

Áp phích dự án “Chúng Tôi Ở Đây”, triển khai bởi các nhà hoạt động xã hội, thể hiện hình ảnh những công dân Guatemala từng bị đưa sang nước ngoài theo hình thái nhận con nuôi phi pháp từ năm 1977-2007.
Áp phích dự án xã hội “Chúng Tôi Ở Đây” - thể hiện chân dung những công dân Guatemala từng bị đưa sang nước ngoài dưới dạng nhận con nuôi phi pháp từ năm 1977-2007.

Trong thời kỳ rối loạn chính trị - pháp luật kéo dài từ năm 1960-1996, Guatemala cho phép các luật sư và công chứng viên tiến hành thủ tục nhận con nuôi không cần thông qua ủy quyền tòa án.

Từ đây, không ít luật sư và quản lý cô nhi viện tha hóa dựng nên một mạng lưới buôn bán trẻ em quy mô, xem thường các tiêu chuẩn nhận nuôi theo quy định pháp luật.

Nạn nhân đông đảo nhất là con em các gia đình nghèo. “Những kẻ tham nhũng thu lợi bất chính đôi khi lên đến 80.000 USD* (hơn 2 tỉ VND) cho mỗi hồ sơ xử lý trót lọt”, Ramírez tiết lộ.

Năm 2010, Ủy ban Quốc tế Chống Miễn trừ ở Guatemala – cơ quan chuyên điều tra, truy tố các tội ác nghiêm trọng tại quốc gia này, kết luận: “mạng lưới buôn người sử dụng đa dạng thủ đoạn từ đe dọa những người mẹ yếu thế, đến trình bằng chứng giả trước tòa án, khiến một đứa trẻ phù hợp với điều kiện nhận nuôi”.

Cố gắng không nghỉ sau cùng đã giúp cha mẹ Ramírez tìm lại 2 con. Năm 2009, qua mạng xã hội, ông Gustavo Tobar Ramírez đã liên hệ được với con trai thất lạc. Ít lâu sau, gia đình họ gặp lại nhau. Năm 2015, vợ chồng Ramírez quyết định trở về Guatemala để ở bên cha mẹ lâu dài.

Ngày nay, nạn buôn bán trẻ em bằng chiêu trò nhận con nuôi đã bị lên án rộng rãi tại quốc gia Trung Mỹ. Tháng 7/2024, tổng thống Bernardo Arévalo của Guatemala chính thức lên tiếng xin lỗi người dân cả nước vì sai lầm quá khứ.

“Lần đầu tiên tôi cảm thấy cuộc đời mình thật ý nghĩa, khi đại diện cho nhiều nạn nhân khác nói lên câu chuyện của chúng tôi”, Ramírez bày tỏ.

Như Ý (theo ELPAIS)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI