Nỗi đau mang tên "bạn đồng hương"

09/07/2016 - 12:16

PNO - Hôm nọ, người bạn ấy mua rượu đến uống, say quá không về được nên đành ngủ lại phòng cháu. Nửa đêm hắn giở trò, nhưng cháu chống trả quyết liệt. Hắn đánh cháu, xé quần áo cháu, cố tình thực hiện bằng được.

Cháu từ quê lên TP.HCM học đại học, quen bạn đồng hương làm ở một công ty cách chỗ cháu chục cây số. Thỉnh thoảng chúng cháu gặp nhau, đi chợ nấu ăn, nói chuyện rất vui.

Hôm nọ, người bạn ấy mua rượu đến uống, say quá không về được nên đành ngủ lại phòng cháu. Nửa đêm hắn giở trò, nhưng cháu chống trả quyết liệt. Hắn đánh cháu, xé quần áo cháu, cố tình thực hiện bằng được. Tuy rất xấu hổ nhưng cháu hét lên kêu cứu, mấy người cùng xóm trọ chạy sang phá cửa xông vào và cháu thoát chết. Kể từ đó cháu bị ám ảnh, thấy mình thật nhơ nhớp.

Cháu phải hành động thế nào sau khi bị cưỡng bức?

(Một bạn nữ giấu tên)

Noi dau mang ten
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Tôi hiểu tâm trạng của cháu. Một thiếu nữ bị người khác làm nhục không thành, dù vẫn giữ được trinh tiết, nhưng về mặt tâm lý đã bị tổn thương. Cháu giấu nỗi đau đó vào trong, không dám tâm sự, không dám chia sẻ vì nó liên quan đến phần sâu kín nhất trong cơ thể, vì cho là mình đã bị ô uế. Cháu sợ bị thiên hạ đàm tiếu, đưa chuyện, sợ gia đình nhục nhã, sợ bị dọa dẫm sẽ tung tin này cho mọi người biết, lo trong tương lai không gặp được người thông cảm với quá khứ…

Theo thống kê, phần lớn các nạn nhân đều quen biết kẻ cưỡng hiếp mình. Độ phổ biến của kẻ thực hiện hành vi này theo tỷ lệ: người yêu: 21,6%. Bạn bình thường: 16,5%. Bạn trai cũ: 12,2%. Người quen: 10,8%. Bạn thân: 10,1%. Bạn hẹn hò: 10,1%. Chồng: 7,2%. Người lạ: 2%.

Cần phải hành động thế nào sau khi bị cưỡng hiếp? Mỗi người có một cách cháu à. Với người này là ngay lập tức tố cáo kẻ thủ ác và đấu tranh để bắt hắn chịu sự trừng phạt của pháp luật. Với người khác là tìm kiếm sự chăm sóc y tế và hỗ trợ tinh thần chứ không dám tố giác thủ phạm. Có người không khai báo được, nên viết tường tận ra giấy. Nhưng có vài điều mà tất cả những ai đã bị xâm hại nên làm, đó là:

Hiểu rằng mình không có lỗi: Cho dù thế nào đi nữa, đó không phải lỗi của cháu, cháu chỉ là người bị hại. Sự thật là cho dù cháu mặc đồ gì, nói gì, hành động như thế nào cũng không bao giờ là lý do cho việc cưỡng hiếp. Kẻ duy nhất đáng lên án là kẻ cưỡng hiếp. Thường thì kẻ đó sẽ bao biện:

“Vì quá yêu nên anh không kìm được”, “Em hấp dẫn quá”, “Anh sợ mất em”… Đôi khi kẻ thủ ác sẽ đổ vấy cho cháu: “Chính cô rủ tôi ở lại và đòi hỏi”, “Cô cũng muốn còn gì”, “Cô gạ tình tôi”… Cháu đừng cố gắng bào chữa cho gã “đồng hương” ấy mà hãy đặt việc bảo vệ chính mình lên trên hết và làm tất cả những gì khiến cháu cảm thấy an toàn. Tố cáo hắn có thể giúp người khác tránh khỏi kẻ đó và giúp cháu bớt đi cảm giác mình là nạn nhân. Nhưng nếu cháu muốn tìm kiếm lời khuyên từ một người từng trải và cảm thông với mình hơn là báo công an thì hãy cứ làm theo ý mình.

Tìm đến sự chăm sóc y tế: Điều đầu tiên cần làm sau khi gặp nạn là tìm đến một bác sĩ. Việc này rất quan trọng vì cháu cần kiểm tra xem mình có bị nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục hoặc có tổn thương nào không. Đừng thay quần áo, tắm rửa, xả nước dù rất khó ngăn ý muốn kỳ cọ sạch thân thể. Đây là phản ứng tự nhiên của con người khi bị vấy bẩn, nhưng làm vậy sẽ xóa đi những bằng chứng cần thiết để kết án thủ phạm. Ngay cả nếu chưa sẵn sàng tố giác ngay, sau này cháu vẫn làm được điều đó khi nắm trong tay kết quả giám định y khoa (lưu ý thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội hiếp dâm, ngoài thời hạn này, khiếu kiện sẽ không còn hiệu lực).

Cố gắng kiểm soát cảm xúc: Một bác sĩ tâm lý đã ngạc nhiên hỏi lý do một cô gái tự tử. Khi biết cô ấy nhảy xuống sông sau khi bị làm nhục, ông bác sĩ thốt lên: “Kẻ đồi bại ấy không giết cô, thì tại sao cô ấy lại tự giết mình?”. Cháu gắng bình tâm xem đó là một tai nạn, đừng coi mình là “đồ bỏ”, đừng hành hạ mình, buồn tủi, tự ti và ngại ngần tiếp xúc với mọi người.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI