Nỗi đau mang tên bạch hầu

06/07/2020 - 14:03

PNO - Chưa đầy một tháng đã có ba đứa trẻ tử vong vì bệnh bạch hầu.

Sáng 5/7, ông Đinh Hà Nam, Phó giám đốc Sở Y tế Gia Lai, xác nhận: bệnh nhân V. (bốn tuổi, ở làng Bông Hiot, xã Hải Yang, H.Đak Đoa, tỉnh Kon Tum) bị bệnh bạch hầu đã tử vong lúc 2g30 do bạch hầu thanh quản ác tính tổn thương đa cơ quan. Vậy là chưa đầy một tháng đã có ba đứa trẻ tử vong vì bệnh bạch hầu. 

Các ổ dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông vẫn được kiểm soát nghiêm ngặt
Các ổ dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông vẫn được kiểm soát nghiêm ngặt. Ảnh: Bảo Nguyên

Trước đó hai ngày, cậu bé Giàng A P. 13 tuổi ở Đắk Nông cũng ra đi vì căn bệnh bạch hầu ác tính. Bác sĩ Huỳnh Minh Triệu, Phó khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, người đã đưa cậu bé từ Đắk Nông về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết: “Tôi đã chứng kiến nhiều trẻ bị bạch hầu ác tính chết rất nhanh. Gần đây, có vài ca bạch hầu ác tính được cứu sống, ra viện nhưng suy tim, không thể lao động hay chạy nhảy vui chơi như các bạn cùng trang lứa. Thấy rất buồn, xót xa cho tương lai của các bé”. 

Bạch hầu - căn bệnh tưởng đã được thanh toán vì có vắc-xin chủng ngừa và được đưa vào tiêm chủng mở rộng. Thế nhưng, năm nào cũng có vài ca và hầu hết tập trung vùng dịch tễ là các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum… Nghịch lý là số ca bệnh “năm sau thường cao hơn năm trước” và năm nay số ca mắc bạch hầu tăng lên hàng chục, hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bộ Y tế nhận định dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, vì vậy yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và tiếp nhận điều trị bệnh nhân bạch hầu, hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Có một điểm chung ở hầu hết các ca bệnh bạch hầu là chưa được chủng ngừa. Hôm trước, ngồi cạnh giường bệnh của Giàng A P., cha của bệnh nhi đầy lo lắng, không hiểu vì sao cậu con trai khỏe mạnh của mình, ngày ngày ra rẫy, lội suối kiếm miếng ăn mà giờ lại nằm mê man. Người cha cho biết sáu đứa con của ông chưa từng được chích ngừa bất kỳ mũi tiêm phòng nào. Trong suốt thai kỳ, mẹ bé cũng chưa từng khám thai hay siêu âm.

Sự tiến bộ của ngành y quá xa lạ với gia đình A P. và người dân trong buôn làng. Trạm xá cách thôn bản hai cây số đường rừng - không phải quá xa và hiểm trở, nhưng họ không bỏ buổi làm rẫy, bắt cá để ra trạm xá chích ngừa - việc mà họ không thấy lợi ích cụ thể. Ngay cả có được tuyên truyền, họ cũng sẽ chọn đi nương rẫy hơn là “đi chích thuốc khi đang khỏe mạnh”, theo cách họ hiểu. Vì vậy, vô tình đẩy con vào tình thế nguy hiểm. 

Nhớ ông bố của A P. - khi được giải thích bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng, người đàn ông nói không rõ tiếng Kinh buông câu hỏi không ai ngờ: “Giờ chích kịp không bác sĩ?”. Bởi ông thấu được sự hiểm nguy, kinh khủng của bệnh bạch hầu. Ngay trong đêm, bác sĩ Huỳnh Minh Triệu, người được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều động lên Đắk Nông hỗ trợ các đồng nghiệp, đã đề xuất đưa bé về TP.HCM ngay, vì P. có dấu hiệu chuyển nặng của bạch hầu ác tính. Khi về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thì bé đã viêm cơ tim, suy tim, suy thận, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Bác sĩ giỏi, thuốc men, thiết bị y tế được huy động để cứu bé. Nhưng nỗ lực của bác sĩ trở nên vô nghĩa trước căn bệnh bạch hầu ác tính. Trái tim cậu bé Giàng A P. đã ngừng đập ngày 3/7. 

Đứng trước căn bệnh bạch hầu đang lan rộng hiện nay, sẽ còn nhiều ca bệnh, không chỉ ở vùng Tây Nguyên, trẻ con, mà cả người ở thành thị, người lớn không chích ngừa. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI