Tra hỏi cả đêm, la hét rồi khóc lóc, dỗ ngọt, chị D. vẫn không khai thác được danh sách nợ của chồng. Chồng chị đổ quạu: “Hỏi chi? Hỏi rồi có trả dùm nổi không mà hỏi?”. Bực mình với ông chồng lấp lửng, ngoan cố, nhưng chị mừng thầm khi số nợ 50 triệu đồng.
|
Dù còn thương nhưng chị K.G. phải nộp đơn ly hôn để khỏi dính líu nợ nần với chồng |
Cùng chồng đi trả nợ cho ngân hàng, chiếc xe tắt máy giữa đường. Vợ chồng phải dắt bộ một quãng, nhễ nhại mồ hôi. Đến nơi, đợi thang máy lâu, sợ hết giờ, qua ngày mai lãi lại thêm, vợ chồng ôm số tiền đi thang bộ lên lầu.
Đi được vài bước, miếng lót của chiếc giày cũ bị “le lưỡi”, anh lại ngồi xuống nhét vào. Nhìn bộ dạng lếch thếch của anh, chị uất ức, trào nước mắt, nói: “Anh sáng mắt ra chưa? Với số tiền này, vợ chồng mình mua được biết bao đôi giày mới, dắt con đi chơi”. Anh cúi gằm, chặc lưỡi: “Thôi đừng nói nữa. Nhức đầu quá! Anh biết rồi. Để anh sửa”.
Đã 16 năm, đứa con đầu đỏ hỏn giờ đã thành thiếu nữ mà anh sửa chưa xong. Mới đây, chị H.D. chết điếng khi chị chồng dưới quê báo tin anh L. đã bán hết số kiểng trong khu vườn cha mẹ để lại cho các con.
Đã vậy, anh L. còn năn nỉ mượn sổ hồng nhà đất (trên đất có ngôi mộ của cha mẹ) để vay tiền trả nợ trên 300 triệu đồng. Cộng dồn lại bốn đợt quậy nợ, số tiền anh L. nướng vào số đề, cá độ gần 2 tỷ đồng.
|
Anh Trần Văn L. với đôi giày cũ rách đi tất toán khoản vay ngân hàng |
Chồng là người chăm chỉ, chu đáo nên gia đình chị Ngô K.G. rất yêu quý và dự định giao cho cơ nghiệp (buôn bán nội thất ở Q.4, TPHCM). Tuy nhiên, mọi dự tính vỡ lở chỉ vì anh mê cờ bạc. Cha mẹ anh định cư ở trời Tây giao lại đất hương hỏa ở Tây Ninh, anh cũng cầm rồi bán mất. Cha mẹ già phải nai lưng làm thêm để gửi tiền về cứu con trai. Được ít tiền, lại ham “bày keo khác”, anh lại nợ ngập đầu.
Dù còn tình cảm, chị K.G. vẫn ly hôn, mong anh tỉnh ngộ. Nhớ nhau, hai người lén lút tại quán cà phê, nhà nghỉ, sợ các tay đòi nợ phát giác. Nhìn chị K.G. vừa làm mẹ vừa làm cha của hai con nhỏ, vừa phải khiêng chở đồ nội thất nặng nhọc vì không còn tiền thuê nhân viên, ai cũng xót xa cho một tiểu thư gặp nhầm “bến đục”. Hằng tháng chị phải trả nợ thay anh đến ba mươi mấy triệu đồng.
Hoài Nhân
Tự ý vay nợ, người thân không liên đới trách nhiệm Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ liên đới của vợ chồng sẽ chỉ phát sinh trong các trường hợp được quy định tại điều 27, có thể kể đến một số trường hợp như: Các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; Vợ, chồng ủy quyền cho nhau để xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định phải có sự đồng ý của cả vợ chồng hoặc đại diện khi một trong hai người mất năng lực hành vi dân sự; Kinh doanh chung trong thời kỳ hôn nhân… Như vậy, trách nhiệm liên đới của vợ chồng chỉ phát sinh trong các giao dịch được liệt kê tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, kể cả trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng không tham gia giao dịch. Không có quy định vay mượn trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung của vợ chồng. | Luật sư Võ Thị Anh Loan |
Người chồng/vợ vay tiền là hành vi đơn phương, tự ý, không bàn bạc thỏa thuận trước với người vợ/chồng, bên cạnh đó, số tiền do người chồng/vợ vay không nhằm các mục đích được liệt kê nêu trên. Do đó, người hôn phối hoàn toàn không có trách nhiệm liên đới đối với khoản vay nợ của người kia.
Khi giải quyết thủ tục ly hôn tại tòa án, phải xác định vợ chồng có khoản nợ nào chung trong thời kỳ hôn nhân hay không. Như phân tích ở trên thì người vợ/chồng không liên quan và không có trách nhiệm liên đới đối với khoản vay do “tự ý” để cờ bạc của người kia. Do đó, khoản vay của người hôn phối trong trường hợp này không được coi là nợ chung trong thời kỳ hôn nhân. Nếu người chồng vẫn khăng khăng khoản vay là nợ chung thì phải chứng minh các vấn đề như: vợ, chồng có bàn bạc, thỏa thuận về việc vay tiền; mục đích vay tiền là để phục vụ nhu cầu thiết yếu trong gia đình, kinh doanh chung giữa vợ, chồng hoặc nghĩa vụ phát sinh từ việc định đoạt, sử dụng tài sản chung… Theo pháp luật hiện nay con thành niên sẽ chỉ phải thực hiện thay nghĩa vụ, các khoản vay của cha/mẹ trong hai trường hợp sau: Con cái là người bảo lãnh cho khoản vay của cha mẹ, khi cha mẹ không có khả năng trả nợ thì con cái sẽ đứng ra thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho cha mẹ khi đến hạn. Thừa kế nghĩa vụ khi nhận di sản thừa kế từ cha mẹ theo quy định tại điều 615 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, nếu con cái được nhận di sản thừa kế thì có nghĩa vụ phải trả nợ thay cha mẹ. Trên thực tế, việc con cái trả nợ thay cho cha mẹ được thực hiện dựa trên sự tự nguyện của con, xuất phát từ tình thương của con cái dành cho cha mẹ. Còn về mặt pháp luật, ngoài hai trường hợp nêu trên thì không có bất kỳ quy định nào quy định việc trả nợ thay là nghĩa vụ bắt buộc của con cái. Người thân của người cờ bạc là vợ/chồng và con thì không liên quan gì tới khoản vay tự ý của người cờ bạc. Sau khi ly hôn tài sản, nợ, các giao dịch của vợ/chồng… hoàn toàn không liên quan gì tới người còn lại. Còn cha mẹ, anh chị em của người cờ bạc, về mặt pháp lý cũng không liên quan. Trong trường hợp, người đi vay không trả tiền hoặc không có khả năng trả tiền thì bên cho vay sẽ dùng các hình thức để đe dọa, gây sức ép về tinh thần đối với người thân của người đi vay để buộc họ trả tiền thay cho người đi vay. Khi đó, gia đình cần báo công an để được bảo vệ. Luật sư Võ Thị Anh Loan (Công ty Luật GOLD KEY, Q.3, TPHCM) |