Nỗi đau đời cha

12/06/2014 - 11:14

PNO - PN - Thầy giáo Nguyễn Phước Loại chở tôi vào đồi Bằng Lăng (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) trên đoạn đường gập ghềnh, nắng chói chang. Có lúc, chiếc xe máy vượt qua ổ gà to tướng, hay phải né những ụ đá như làm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Noi dau doi cha

Ông Quang hướng dẫn Cẩm nấu nướng

TAI ƯƠNG CHỒNG CHẤT

Cuối cùng chúng tôi cũng tới nơi - nhà của ông Lê Văn Quang và những đứa con bị bệnh tâm thần. Căn nhà ấy được dựng lên bằng vài cây tầm vông, cừ tràm và phủ bạt phía trên.

Thầy Loại giới thiệu: “Ông Quang 60 tuổi, vợ mất, một mình ông tần tảo nuôi con”. Thấy tôi lúng túng cúi đầu chào người đàn ông già nua ấy, thầy Loại mỉm cười, giải thích: “Cái nắng như thiêu đốt ở xứ này, cộng với cuộc sống khó khăn, làm cho ông Quang già hơn nhiều so với tuổi”. Ông Quang từ tốn nói: “Trách trời đất làm chi thầy ơi, nuôi con lớn, cha mẹ phải già đi”. Bỗng ông trầm giọng: “Cả một đời chẳng ngẩng mặt được, cứ loay hoay phục vụ cho chúng. Tôi chỉ cầu mong chúng có thể tự chăm sóc, để tôi yên tâm kiếm tiền mua gạo”.

Ông Quang quê Quảng Bình, vào Phương Lâm, Đồng Nai lập nghiệp. 20 tuổi, ông cưới bà Trần Thị Cúc, người bạn đồng hương xinh đẹp đảm đang. Do không biết “kế hoạch”, lần lượt tám đứa con ra đời, ông bà không cách gì lo xuể. Năm 1989, nghe người dân quanh xóm rủ về đồi Bằng Lăng làm ăn, ông bàn với vợ để ba người con trai lớn ở lại Phương Lâm, dẫn năm con nhỏ về Bằng Lăng làm rẫy.

Ông nói: “Như bao người di cư vào đây, tôi mong cuộc sống được thay đổi, tốt hơn”. Nhưng cuộc sống không như ông Quang mong ước. Lê Thị Ngọc Cầm (SN 1980), con gái kế út của ông bà được năm tuổi thì có dấu hiệu bệnh thần kinh. Lúc đầu xóm giềng cho rằng Ngọc Cầm nghịch phá, nhưng càng lúc hành vi bất thường của cô bé diễn ra nhiều hơn. Ông Quang nhớ lại: “Lúc đó tôi muốn ôm con đi bệnh viện chữa ngay, nhưng đồi Bằng Lăng mới qua mùa lũ quét, rẫy vườn không có gì thu hoạch. Tay trắng, nhà cửa trống huơ, không còn hạt gạo để nấu cơm, làm sao có tiền đưa con đi bệnh viện. Hai vợ chồng bàn tính mãi, cuối cùng đành phải cột chân con ở góc nhà để nó không quậy phá…”.

Bốn năm sau tới lượt Ngọc, em gái của Cầm phát bệnh. Hầu như ngày nào bà Cúc cũng phải chạy sang nhà hàng xóm năn nỉ, xin lỗi vì con gái chọc phá. Đưa Ngọc lên trạm y tế xã, ông bà được khuyên cho Ngọc đi khám ở bệnh viện tâm thần. Ông kể: “Hai con gái đều mắc bệnh tâm thần, vợ chồng tôi lòng đau như cắt. Vậy mà đã hết đâu, khi đưa Ngọc về nhà được vài ngày, thì con trai Lê Thế Phương, 21 tuổi, đang làm thợ hồ ở TP.HCM được bạn đưa về nhà vì có nhiều biểu hiện bất thường. Khi bác sĩ cho hay Phương cũng mắc bệnh giống hai em, đất trời như sụp đổ dưới chân tôi”.

Noi dau doi cha

Ông Quang khoe cái bồn chứa nước ngọt vừa thiết kế bên căn chòi của mình

ĐIỀU KỲ DIỆU

Cùng chồng chăm lo cho các con bệnh tật được vài năm, bà Cúc mắc bệnh phổi, suy tim và qua đời. Năm đứa con lớn lần lượt lập gia đình nhưng cũng nghèo khó, không giúp được gì cho ông. Ông Quang một mình ở lại giữa đồi hoang để làm rẫy và trông chừng ba đứa con ngờ nghệch. Một mình ông cơm nước, tắm rửa, giặt giũ quần áo cho các con. Hai cô con gái dậy thì, không biết chăm sóc bản thân, một mình người cha ấy lặng lẽ làm mọi việc cho con. Thầy Loại kể: “Chính quyền cũng quan tâm, Trung tâm học tập cộng đồng ở đồi Bằng Lăng, nơi vợ chồng tôi mở ra, khi có chút quà mọn nào đều ưu tiên cho gia đình ông ấy, nhưng những khó khăn nhà ông Quang cứ nối tiếp xảy ra, mọi giúp đỡ cứ như gió vô nhà trống…”.

“Nhốt chúng trong nhà, có khi ba đứa lấy giấy đốt, vô cùng nguy hiểm, nên sáng nào, khi ra rẫy, tôi cũng cột chúng ở một góc vườn, chúng đâm chán rồi ngồi lỳ, lúc rên rỉ, lúc la lối…” - ông Quang chậm rãi kể. Làm rẫy một buổi, một buổi ông Quang đưa con đi chữa bệnh. Tám năm trước, Ngọc hết bệnh, cô xin ba cho đi làm công nhân để có thêm chút tiền chăm sóc chị và anh trai. Rồi Ngọc lấy chồng- một thanh niên ở đồi bên cạnh, sinh được hai cháu. Cầm từ một cô bé bị trói xích 20 năm, giờ đã biết tự nhóm bếp, nấu cơm. Còn Phương, chỉ thích nằm võng ở nhà nói chuyện một mình. Thầy Loại nói: “Chuyện các con nhà ông Quang giảm bệnh, đặc biệt là Ngọc hết hẳn bệnh đúng là điều kỳ diệu với bao mồ hôi, nước mắt của người cha”.

Chúng tôi ở nhà ông Quang thăm hỏi, chuyện trò gần một buổi, Thế Phương mới nhận ra trong nhà có khách. Đang nằm võng nói chuyện một mình, cậu ta lắc chiếc võng liên hồi, mỉm cười, giọng rổn rảng: “Thầy Loại dẫn người tới thăm tôi hả? Cô này chắc sống ở Q.1 rồi, biết đường Phạm Ngọc Thạch không?”. Anh nói một thôi, hàng chục câu hỏi. Thầy Loại niềm nở hỏi: “Sao Cầm không chào khách?”. Cô gái đang nằm ngồi bật dậy: “Con chào thầy”. Nghe con nói chuyện với khách, ông Quang liền khoe: “Thầy ơi, tôi mừng quá, hai đứa nó đều đã ổn”.

“Ổn” với ông Quang, là chút ý thức lâu lâu chợt lóe lên trong vài câu nói, hành vi của hai con. “Ổn” như thế, để ông có chút hy vọng nhỏ nhoi mà vui sống, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để đổi về cho ba cha con ngày hai bữa cơm rau.

NGHI ANH
Bài 4: Gồng gánh hai vai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI