Nỗi đau dai dẳng của nạn nhân nạn buôn người

04/10/2023 - 06:09

PNO - Hơn 200 năm sau khi chế độ buôn bán nô lệ quốc tế chính thức bị loại bỏ, nạn buôn người, lao động cưỡng bức và chế độ nô lệ hiện đại vẫn đang nở rộ khắp châu Á, châu Phi, châu Mỹ và cả châu Âu. Chặng đường tái hòa nhập của những nạn nhân nạn buôn người đầy chông gai với nỗi đau dai dẳng.

Nạn buôn người chưa được kiểm soát

Mỗi ngày, những kẻ buôn người vẫn đang đẩy hàng ngàn người (cả nam giới, phụ nữ và trẻ em) tuyệt vọng vào địa ngục của chế độ nô lệ hiện đại. Ông Gordon Brown - nguyên Thủ tướng Anh từ năm 2007-2010, hiện là đặc phái viên của Liên hiệp quốc về giáo dục toàn cầu - cho biết: những nhóm buôn bán nô lệ hiện đại kiếm hơn 150 tỉ USD/năm từ buôn người và lao động cưỡng bức.

Jennifer Holmes hiện làm việc cho Survivor Ventures - tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ tinh thần và nhà ở cho nạn nhân bị buôn bán tình dục  - Nguồn ảnh: The Virginian-Pilot
Jennifer Holmes hiện làm việc cho Survivor Ventures - tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ tinh thần và nhà ở cho nạn nhân bị buôn bán tình dục - Nguồn ảnh: The Virginian-Pilot

Theo báo cáo Chỉ số nô lệ toàn cầu năm 2023, khoảng 50 triệu người hiện sống trong chế độ nô lệ hiện đại trên toàn thế giới, với 25% trong số đó là trẻ em. Tuy nhiên, chỉ có 15.159 kẻ buôn người bị truy tố trên toàn thế giới vào năm 2022, với 5.577 án phạt. Báo cáo mới nhất về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, vào năm 2022, hơn 115.000 nạn nhân buôn người được xác định trên toàn thế giới. Trong phần lớn trường hợp, nạn nhân trốn thoát thành công khỏi những kẻ xấu và tự mình báo cho chính quyền thay vì được cơ quan thực thi pháp luật giải cứu.

Anh - một trong những quốc gia có chính sách nghiêm khắc đối với chế độ nô lệ hiện đại - ghi nhận khoảng 23.000 nạn nhân của nạn buôn người từ năm 2017-2019. Tuy nhiên, trong cùng khoảng thời gian, chỉ có 64 người bị kết án vì tội buôn bán người. Những kẻ buôn người băng qua eo biển Manche (nối giữa Anh - Pháp) mà có thể cảm thấy như không cần lo sợ về việc bị trừng phạt.

Trích dữ liệu của Europol, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin tuyên bố, hơn 90% tổng số người di cư đến khu vực Liên minh châu Âu (EU) sử dụng sự hỗ trợ của mạng lưới vận chuyển người di cư trái phép. Ông nói thêm rằng, các hoạt động buôn người trong khu vực tạo ra khoảng 7,4 tỉ USD mỗi năm, số tiền này sau đó được sử dụng để tài trợ cho các nhóm tội phạm có tổ chức, ma túy và đôi khi là hoạt động khủng bố.

Vết sẹo cả đời

Một ngày của năm 2020, khi Jennifer Holmes đứng trước người chủ nhà cho thuê ở Norfolk, bang Virginia (Mỹ), tim cô đập thình thịch, còn tâm trí cô cầu nguyện rằng chủ nhà sẽ bỏ qua hồ sơ tội phạm của cô và cho phép cô thuê nhà. Người phụ nữ 43 tuổi kể: “Tôi bị từ chối cho thuê nhà rất nhiều lần. Tôi sợ cuối cùng mình phải quay lại đường phố”. Mẹ của cô là nạn nhân của nạn buôn bán tình dục ở TP Portsmouth, Virginia.

Một lần, khi Jennifer mới 11 tuổi, mẹ cô quỳ xuống trước mặt cô với ánh mắt kinh hãi và cầu xin con gái hãy làm bất cứ điều gì những kẻ buôn người yêu cầu. Sau đó, bị cưỡng hiếp đã trở thành một phần thường xuyên trong cuộc sống của Jennifer. Thế nhưng giờ đây, nhiều chủ nhà và người sử dụng lao động không nhìn thấy những năm Jennifer khốn khổ là nạn nhân của nạn buôn người. Họ chỉ nhìn thấy hàng loạt cáo buộc, bao gồm giả mạo danh tính và tàng trữ ma túy đi cùng cuộc sống địa ngục trước đó của cô.

Vào năm 2021, bang Virginia ban hành đạo luật cho phép nạn nhân buôn người nộp đơn xin xóa án hình sự về tội mại dâm. Nhưng một số nhà lập pháp nói rằng điều đó là chưa đủ, vì các nạn nhân thường bị ép buộc phải phạm những tội khác. Hồ sơ tội phạm đã tiếp tục cô lập họ khỏi cơ hội nhà ở, việc làm, xây dựng lại cuộc sống. Khi không thể tái hòa nhập xã hội, các nạn nhân có nguy cơ quay trở lại nghề cũ hoặc thực hiện những hành động dại dột.

Patrick McKenna - Giám đốc Liên minh chống buôn người bang Virginia - cho biết: “Hãy tưởng tượng bạn từng bị lạm dụng khi còn nhỏ, sau đó bạn rơi vào tay bọn buôn người và bị cưỡng bức hằng đêm dưới tác động của chất kích thích. Việc đối mặt với tổn thương đó vốn đã rất kinh khủng, vì vậy những tiền án theo sau đem đến cảm giác tuyệt vọng và nhiều trường hợp nạn nhân đã tự sát do không tìm thấy lối thoát”.

Luật liên bang tại Mỹ định nghĩa nạn buôn người là “việc tuyển dụng, chứa chấp, vận chuyển, cung cấp hoặc thu nhận” một người vì mục đích lao dịch hoặc thực hiện hành vi tình dục thương mại, thông qua việc sử dụng “vũ lực, lừa đảo hoặc ép buộc”. Miranda Nehrig - luật sư của tổ chức Freedom Network USA, một liên minh phi đảng phái - cho biết luật giảm án dành cho những nạn nhân buôn người được quy định rất khác nhau tùy theo từng tiểu bang. Được xóa án không phải là điều mà ai cũng có thể theo đuổi dù họ rất mong mỏi, bởi họ phải tìm cho mình một luật sư giỏi và cung cấp nhiều bằng chứng, hồ sơ về các sự kiện trong đời, cũng như xác minh thiệt hại vật chất, tinh thần mà họ gánh chịu.

Quay lại với Jennifer Holmes, cuộc sống của cô ngày nay tốt hơn rất nhiều khi chủ nhà đã cho cô cơ hội. “Ông ấy đã cứu mạng tôi” - Jennifer nói. Cô đã có cuộc hôn nhân hạnh phúc và đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với 2 con trai. Bất chấp những năm tháng địa ngục, người phụ nữ tự mô tả mình là một người lạc quan và thích gắn kết với mọi người. Tuy nhiên, hồ sơ tiền án vẫn ám ảnh cô. Jennifer nói: “Tôi muốn một hồ sơ trong sạch, không chỉ cho tôi mà còn cho tất cả những người sống sót khác đã phải trải qua nạn buôn người”.

Linh La (theo the Guardian, UN, AA, the Virginian-Pilot)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI