Nỗi đau dai dẳng

18/04/2016 - 14:29

PNO - “Chín cháu là chín số phận, hoàn cảnh khác nhau... Vì miếng cơm manh áo, phần lớn cha mẹ các cháu đi làm ăn xa...

Noi dau dai dang
Các bà mẹ, người chị khóc thương thảm thiết bên thi thể con, em

Làng quê Nghĩa Hà phủ một bầu không khí tang thương. Ngày 17/4, hai ngày sau sự cố chín học sinh (HS) lớp 6B Trường THCS xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi chết đuối khi cùng nhau đi tắm tại sông Trà Khúc (đoạn qua thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà), không chỉ người thân mà nhiều người hàng xóm của các cháu vẫn bàng hoàng, thẫn thờ.

Còn gì đau đớn hơn

“Chín cháu là chín số phận, hoàn cảnh khác nhau. Các cháu đều là con em nông dân nghèo ở xã Nghĩa Hà này. Vì miếng cơm manh áo, phần lớn cha mẹ các cháu đi làm ăn xa không có điều kiện ở nhà chăm sóc chu đáo. Ngày mai (18/4), các cháu sẽ được gia đình an táng”, ông Trần Thanh Trạng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà đau đớn nói.

Xót xa nhất là hoàn cảnh cháu Phạm Su Sum, ngụ thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hà. Trong căn nhà nhỏ, bà Nguyễn Thị Dung (bà ngoại cháu Sum) ôm di ảnh đứa cháu khóc thảm thiết. Hết ôm di ảnh, bà ôm lấy quan tài gào khóc. Tiếng chuông ai oán ngân lên khiến những người chứng kiến thêm quặn lòng.

Anh Phạm Hiếu, cậu ruột cháu Sum cho biết, lúc cháu một tháng tuổi, mẹ Sum bỏ đi biền biệt. Cháu Sum ở với bà ngoại từ đó đến giờ, chưa hề biết mặt cha. “Tội nghiệp nó, mỗi lần thấy bạn bè có cha mẹ, nó cứ hỏi cha mẹ con đâu”, anh Hiếu rưng rưng.

Gia cảnh cháu Trần Tiến Phát (thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hà) cũng không khá hơn. 9g sáng 16/4, chiếc xe chở bà Nguyễn Thị Sát và ông Trần Văn Hiệp (cha mẹ cháu Phát) kịp trờ tới. Mở cánh cửa xe nhìn vào nhà thấy chiếc quan tài, bà Sát khuỵu ngã. “Mẹ có lỗi với con, mẹ ham tiền bỏ con. Giờ mẹ về đây con ơi, mẹ về đây sao con bỏ mẹ mà đi”, bà Sát khóc ngất. Nhìn bàn thờ với di ảnh đứa con trai, ông Trần Văn Hiệp chết lặng.

Ông Trần Văn Thời, hàng xóm nhà cháu Phát cho biết, vợ chồng ông Hiệp chỉ có một đứa con là cháu Phát nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, họ vào TP.HCM mấy năm nay mua ve chai, gửi cháu Phát cho bà nội trông giữ. “Đi làm phương xa kiếm miếng ăn, lo cho tương lai của con. Giờ sự tình xảy ra thế này, còn gì đau đớn hơn”, ông Thời đau đớn thốt lên.

"Quên" trang bị kỹ năng sống cho học sinh

Chiều 17/4, chúng tôi trở lại khu vực xảy ra vụ đuối nước thương tâm ở thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà. Tại đây, người dân đã lập một bàn thờ ngay sát mép nước, khói hương nghi ngút. Nơi các em chết đuối là một vũng nước nhỏ nhưng khá sâu, xung quanh không có bất kỳ biển báo nào.

Thầy Bùi Phước, Hiệu trưởng Trường THCS xã Nghĩa Hà bàng hoàng: “Không hiểu tại sao vũng nước nhỏ lại cướp đi sinh mạng chín HS như thế. Tôi cho rằng, các em đều không biết bơi nên mới xảy ra sự cố đau lòng. Từ vụ việc này, cần xác định trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh khi chúng ta không trang bị kỹ năng sống cho các em”.

Theo lời thầy Phước, nhà trường lâu nay “ý thức” được chuyện sông nước, cũng muốn trang bị kỹ năng bơi lội cho HS nhưng không riêng gì trường Nghĩa Hà, cả tỉnh đều không có cơ sở vật chất để trang bị kỹ năng bơi lội cho các em. “Phần lớn HS của trường dù sống ở vùng nông thôn miền Trung nhiều sông suối nhưng không biết bơi. Nếu có em biết cũng chỉ tự học ngoài ao, ngoài sông và việc này có khi phải trả giá bằng tính mạng”, thầy Phước nói.

Ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước đây Bộ GD-ĐT có đề án dạy bơi cho HS nhưng chỉ một số nơi như TP.HCM và Hà Nội có đủ điều kiện cơ sở vật chất để triển khai, còn hầu hết không tỉnh nào tổ chức dạy bơi. “Qua vụ việc chín HS chết đuối, sắp tới ngành giáo dục Quảng Ngãi sẽ đề xuất với Bộ GD-ĐT nhanh chóng đưa môn bơi lội vào chương trình để trang bị kỹ năng này cho các em”, ông Dụng nói.

Phương Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI