Nỗi đau của người giúp việc xa xứ

27/06/2023 - 17:10

PNO - Vì nghèo, vì cuộc sống gia đình, nhiều phụ nữ đã rời quê hương làm người giúp việc ở một nơi xa lạ. Nhưng nơi đó, họ đã trải qua những bi thảm của cuộc đời...

 

Gaiyathiri Murugayan (trái) đã đánh đập bà Piang Ngaih Don hàng tháng trời và không cho bà ăn. ẢNH: LIANHE WANBAO, CHUNG TAY CHO CÔNG NHÂN DI CƯ
Gaiyathiri Murugayan (trái) đã đánh đập Piang Ngaih Don hàng tháng trời trước khi cô qua đời

Chết nơi xứ người

Piang Ngaih Don - một cô gái người Myanmar, đã trải qua 12 đêm cuối cùng của cuộc đời mình bị trói vào lưới cửa sổ trong căn hộ của chủ nhân tại Bishan. 12 ngày đêm địa ngục ấy, cô giúp việc 24 tuổi phải ngủ trên sàn với một cánh tay bị trói bằng dây.

Piang đã cầu xin chủ nhân đừng trói mình, nhưng bà chủ Gaiyathiri Murugayan nói rằng cô đáng bị điều đó vì đã lẻn ra ngoài vào ban đêm để... lấy thức ăn trong bếp.

Gaiyathiri đã đánh đập người giúp việc trong nhiều tháng và không cho Piang ăn. Trong 14 tháng làm việc cho gia đình, Piang đã sụt 15kg. Ngoài ra, Piang cũng bị buộc phải sử dụng phòng tắm không có cửa. 

Trong những tháng ngày ở đợ ấy, Piang với cơ thể yếu ớt đã phải chịu đựng rất nhiều từ thể chất đến tinh thần. Nhưng rồi sức chịu đựng cũng đã kiệt. Vào ngày 26/7/2016, sau khi bị Gaiyathiri và mẹ bà là Prema S. Naraynasamy hành hung, Piang đã trút hơi thở cuối cùng.

Khi qua đời, Piang chỉ nặng 24kg.

Những hình ảnh được ghi lại từ camera cho thấy, những tháng ngày cuối cùng của Piang (hơn 35 ngày) thật sự là địa ngục. Cô bị đày đọa, đánh đập, chửi mắng. Cuối cùng, những kẻ phạm tội bị pháp luật trừng trị, Gaiyathiri đã bị bỏ tù 30 năm. Chồng bà, Chelvam, 44 tuổi, bị đình chỉ trong ngành công an và mẹ bà, Prema, 64 tuổi, cũng bị buộc tội.

“Tôi có thể nói hành động của họ không phải là con người... không phải là suy nghĩ của con người”- Tin Maung Win, người sáng lập Tổ chức Hỗ trợ Người lao động Nhập cư Singapore cho biết. 

Vì nghèo chịu cảnh tù đày 

Piang Ngaih Don là mẹ đơn thân của một cậu bé 3 tuổi. Vì nghèo, Piang rời ngôi làng hẻo lánh của Myanmar, để lại đứa con trai cho người thân chăm sóc. Cô đến Singapore để làm việc cho Gaiyathiri vào tháng 5/2015. Đây là lần đầu tiên cô làm việc ở nước ngoài.

Những ngày giúp việc ở Singapore, Piang hiếm khi gọi điện về nhà và không bao giờ phàn nàn về công việc của mình.

Gia đình cô chỉ nghi ngờ có điều gì đó không ổn, chỉ hai tuần trước khi qua đời, Piang có than rằng cô không được khỏe và muốn trở về nhà. Cô cũng hỏi liệu anh trai có thể đón cô từ  thủ đô Yangon - cách nhà khoảng 1.000 km không.

Nhưng thay vì đón em gái như đã hẹn, anh trai của cô, Pau Sian Mung, buộc phải tới Singapore để nhận thi thể của cô vào đầu tháng 8/2016.  “Để mất em gái của chúng tôi vào tay người chủ là điều vô cùng khó khăn và đau đớn nhưng luật pháp sẽ thay mặt chúng tôi trừng trị" - Pau nói.

Nhưng nỗi đau gia đình lại một lần nữa bị chạm tới khi những hình ảnh Piang phải chịu đựng được công bố trong phiên tòa xét xử Gaiyathiri - 5 năm sau cái chết của cô.

Cảnh Piang tiều tụy, bị túm tóc và lắc như giẻ rách được chiếu tại tòa. Cũng có cảnh Gaiyathiri dội nước lạnh lên người Piang và tát, đẩy, đấm, đá và dẫm lên cô khi cô đang nằm trên mặt đất. Người chủ ác độc cũng đánh người giúp việc bằng các vật như chai nhựa, vật dụng kim loại và ấn bàn ủi hơi nước nóng vào cánh tay... Bữa ăn của cô Piang thường chỉ là bánh mì cắt lát ngâm trong nước hoặc một ít cơm vào buổi tối.

Vài giờ trước khi qua đời, cô Piang Ngaih Don đã bị đá và giẫm lên người nhiều lần. Cô cũng bị túm tóc và liên tục bóp cổ. Khi khám nghiệm tử thi, cảnh sát tìm thấy 31 vết sẹo và 47 vết thương bên ngoài trên khắp cơ thể của Piang. Và người giúp bị nghẹt thở nhiều lần, dẫn đến tình trạng thiếu oxy lên não, dẫn đến tử vong.

Khi qua đời Piang chỉ còn 24kg
Khi qua đời Piang chỉ còn 24kg

Singapore mạnh tay để ngăn chặn lạm dụng người giúp việc

Tình trạng lạm dụng kéo dài của người giúp việc Piang đã gây sốc và phẫn nộ trong cộng đồng địa phương và quốc tế, và những thay đổi nhằm tăng cường bảo vệ người giúp việc gia đình ở Singapore đã được đưa ra sau cái chết của Piang.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã có các biện pháp ngăn chặn những trường hợp như vậy tái diễn, đại diện của các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Singapore cho biết, cần phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt tình trạng ngược đãi người giúp việc gia đình.

Kể từ năm 2021, hàng loạt biện pháp bảo vệ lao động giúp việc gia đình đã được đưa ra như các cơ quan chức năng sẽ ngẫu nhiên đến nhà của những người chủ để kiểm tra chất lượng sống và làm việc của người giúp việc.  Gần đây hơn, Chính phủ đã quy định bắt buộc người giúp việc gia đình ở Singapore phải có ít nhất một ngày nghỉ mỗi tháng.  Các bác sĩ cũng phải tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng hơn đối với người giúp việc gia đình trong các đợt kiểm tra bắt buộc, bao gồm ghi lại chỉ số khối cơ thể của họ và tìm kiếm các dấu hiệu thương tích đáng ngờ hoặc không rõ nguyên nhân. Người sử dụng lao động không được phép có mặt trong quá trình kiểm tra này.

Cả ông Tin Maung Win và bà Jaya Anil Kumar, quản lý cấp cao về nghiên cứu và vận động của Tổ chức Nhân đạo về kinh tế di cư cho biết, yêu cầu đối với những người sử dụng lao động hiện tại phải chấp thuận yêu cầu trên. “Thực tế, nhiều người giúp việc gia đình vẫn rất sợ hãi, ngay cả khi có điều gì đó không ổn".

Bà Kumar nói thêm rằng cốt lõi của vấn đề là cần phải tôn trọng những người giúp việc gia đình và đối xử với họ như những con người.

Trọng Trí (theo Strait Times)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI