Mẹ chị đi hái chè thuê, luộc ngô nếp rồi đạp xe ra tận rạp chiếu phim ở thị xã bán mỗi tối, nhận lạc về nhà bóc từng bao lớn. Rồi nhận hàng về may gia công, thêu thùa, đan lát, không có thứ gì mẹ chị chưa từng trải qua.
Ông trời thương, cho mẹ chị chút vốn mở sạp vải ở chợ huyện. Vài năm buôn bán khấm khá cộng với chút tiền ông bà ngoại bán đất chia cho các con, mẹ chị chuyển nhà ra phố. Cũng từ ấy, mẹ chị bắt đầu đi suốt, hầu như không đêm nào ở nhà vì mải đi... đánh bài. Bạn cờ bạc của mẹ chị chính là những bạn hàng, những người cùng buôn bán.
Ban đầu, biết chị sợ ma, mẹ chị lừa khi chị đã ngủ say mới đi. Nhưng về sau bạn cờ bạc giục giã, mẹ dặn chị cứ bật hết điện trong nhà lên mà ngủ, rồi vội vàng đi luôn sau khi cơm nước vừa xong xuôi, có khi đến hai ba giờ sáng hôm sau mới về, rồi năm, sáu giờ lại trở dậy, chuẩn bị cơm nước, chợ búa. Chị không nhớ nổi đã bao nhiêu đêm như thế suốt thời ấu thơ, chỉ biết mỗi lần mẹ đi, chị sẽ trùm chăn kín mít đến mức mồ hôi mồ kê toát ra đầm đìa và chẳng thể nào chợp mắt được đến tận khi mẹ về.
|
Mẹ chị từng trải qua những tháng ngày lam lũ làm đủ mọi việc trước khi cuộc sống khấm khá hơn (ảnh minh họa). |
Chị lớn lên mang theo trong lòng một nỗi u uẩn và bất mãn khó nói với mẹ. Chị ghét việc mẹ đánh bài, nhưng mẹ chị rất nghiêm, chị là con không bao giờ được quyền góp ý. Mẹ chị cũng chăm sóc chị rất tốt, lo cho chị đầy đủ, nhất là lúc chị ốm đau, mẹ sẽ dẹp bỏ hết chuyện bài bạc để ngồi bên giường chị cả đêm, hát ru, xoa lưng, lấy nước, đút cháo cho chị. Chị yêu mẹ, nhưng càng lớn chị càng thấy trong lòng có sự bất mãn muốn phản kháng.
Chị vào đại học, ra Hà Nội học xa nhà, nửa tháng mới về thăm mẹ một lần. Chị đi vắng, mẹ chị buồn hơn, rủ cả bạn bè về nhà đánh bài. Có lần chị được nghỉ thứ sáu, phấn khởi bắt xe về ngay với mẹ. Đến sân nhà, chị đã khựng lại bởi mớ giày dép vứt bừa trước hiên. Bên trong, tiếng cười nói sát phạt và chửi thề của cả đàn ông lẫn đàn bà vang lên ầm ĩ.
Chị đẩy cửa vào, mẹ chị nhìn lên, chỉ khựng lại một giây rồi lại nhìn xuống ván bài, miệng bảo: "Về sớm à con, qua đây mẹ cho tiền ra kia ăn bát phở, hôm nay mẹ không nấu cơm". Chị cúi gằm mặt bảo "con không đói!", rồi bỏ vào phòng. Lát sau hội bài bạc của mẹ giải tán. Mẹ chị lao vào chửi chị một trận té tát vì cái tội dám "sưng mặt" lên khiến mẹ chị gặp vận đen. Lần đầu tiên chị hối hận và ước mình đã không về nhà sớm.
|
Từ thời đi học, chị đã nhiều lần khóc thầm vì tật nghiện cờ bạc của mẹ mình (ảnh minh họa). |
Chị ra trường rồi lấy chồng. Ngày đám hỏi xong xuôi, tối đó chị xin phép mẹ cho qua nhà bạn gái thân ngủ. Nhưng đi trên đường rồi, sợ mẹ tủi thân, nghĩ ngợi khi con gái sắp xa mình, chị lại bảo chồng sắp cưới chở về nhà. Đến nơi, chị và anh được chứng kiến cảnh mẹ chị đang xô xát với một gã dữ dằn ngay trên chiếu bạc. Anh doạ báo công an, gã mới chịu bỏ đi. Đó cũng là lần đầu tiên anh biết mẹ chị nghiện cờ bạc vì chị đã gắng sức che giấu điều xấu hổ đó suốt từ khi quen nhau.
Lần đầu tiên chị thấy nhục nhã và đã to tiếng trách mẹ. Mẹ chị chỉ tay vào mặt chị gằn từng tiếng: "Tao nói cho mày biết, tao nuôi mày không để mày đói ăn thất học, mày được bằng bạn bằng bè, thế là tao xong trách nhiệm. Mày không phải bố mẹ tao, không có quyền dạy dỗ tao nghe chưa!". Sau lần đó, chị xa cách mẹ hẳn dù mẹ vẫn yêu thương chị như trước. Đôi khi chị tự hỏi, lẽ nào trong mẹ chị có hai con người, một là người mẹ luôn chăm nom chị hết lòng, một là con nghiện cờ bạc đã chẳng còn thuốc chữa?
|
Đến tận khi chị đi lấy chồng, mẹ vẫn say sưa bài bạc... (ảnh minh họa). |
Sau đám cưới, anh được công ty cử vào làm việc ở chi nhánh miền Trung. Suy nghĩ mấy ngày, chị quyết định đi theo anh. Ngày chị đi, mẹ chị khóc rất nhiều. Chị thương mẹ nhưng trong lòng cũng thầm trách vì mẹ đã để lại trong lòng chị không ít vết thương. Chị sợ nếu ở lại, sẽ còn nhiều lần chị và anh phải chứng kiến cảnh mẹ mải mê sát phạt, rồi các con chị sau này cũng sẽ thấy cảnh ấy, làm sao chúng có thể kính trọng và yêu thương bà ngoại? Chị khuyên nhủ thì mẹ nhất định không nghe, còn chửi mắng và xúc phạm chị, vậy còn cách nào khác ngoài "khuất mắt trông coi"?
Điều lạ là từ ngày chị đi xa, nghe hàng xóm kể lại, mẹ chị không còn đánh bài nữa. Ngày ra bán sạp vải, tối về mẹ chị ghé ngôi chùa nhỏ sát cạnh nhà làm công quả, đọc kinh kệ rồi về đóng cửa ngủ sớm. Hai, ba rồi sáu tháng qua đi vẫn đều tăm tắp như vậy, chị nghe mà chẳng thể tin vào tai mình. Chị vẫn gọi về hỏi thăm mẹ mỗi ngày, mẹ chị tuyệt nhiên không một câu khoe là đã "cai nghiện" được cờ bạc, chỉ hỏi các con có khoẻ không, đã có tin gì chưa.
Nhiều lần chồng chị động viên chị về thăm mẹ, vì bố mẹ anh đều đã mất, anh coi mẹ chị như mẹ mình, nhưng chị vẫn lừng khừng chưa về dù đi xa đã gần một năm. Trong đầu chị vẫn lẩn khuất những lời phũ phàng mẹ chị từng nói, cái cảm giác sợ hãi của những đêm ngủ một mình ngày bé và cả sự tủi hổ, uất ức khi nhìn cảnh mẹ mình nói tục, chửi thề cùng những gã đàn ông bặm trợn khi xưa vẫn bám theo chị khiến chị chưa thể thực sự nhẹ lòng mà quay về.
|
Chị đang nghĩ đến chuyện về thăm mẹ sau thời gian dài xa cách, bởi sau tất cả, mẹ vẫn là người đã sinh ra và yêu thương chị hết lòng (ảnh nhân vật cung cấp). |
Hôm qua chị gọi cho mẹ, thấy giọng mẹ không khoẻ như vài lần gọi trước. Hỏi thì mẹ bảo, mẹ mới gặp cơn mưa, chắc bị cảm cúm thông thường thôi. Đêm, chị không tài nào ngủ được. Chị bỗng nhớ về thời sinh viên đi học xa nhà, mỗi lần chị ốm là mẹ nhắn hàng chục tin hỏi han "con có đỡ không, có ăn được gì không, mẹ lên với con nhé". Rồi lần chị đi cấp cứu vì sốt cao hai ngày liền, mẹ tất tả bắt xe lên Hà Nội, vừa thấy chị nằm trên giường bệnh là mẹ chị khóc nức nở... Bất giác chị rơi nước mắt, tự nhủ mình đã giận mẹ quá lâu. Có lẽ chị sẽ phải mua chiếc vé trở về thăm mẹ ngay khi có thể, vì mẹ con mà, sao không thể vì nhau mà bỏ qua mọi thứ!
Hoàng Điệp