Nỗi đau câm nín khi bị ung thư vú

13/11/2019 - 10:52

PNO - Mỗi năm ung thư vú cướp đi sinh mạng của hơn 17.000 phụ nữ ở Pakistan, nhưng nhiều phụ nữ phải chịu nỗi đau câm nín khi mắc phải ca bệnh này.

Đài BBC dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm ung thư vú cướp đi sinh mạng của hơn 17.000 phụ nữ ở Pakistan, mặc dù các tổ chức từ thiện và bác sĩ ở nước này tuyên bố con số thiệt mạng hằng năm là gần 40.000 người. Họ nói căn bệnh này ảnh hưởng đến 1/9 phụ nữ trong cả nước, nhưng những điều cấm kỵ về văn hóa và xã hội khiến phụ nữ Pakistan rất khó có được sự giúp đỡ cần thiết để sống sót.

“Ung thư vú có liên quan đến tình dục của phụ nữ nên nó trở thành một chủ đề cấm kỵ ở Pakistan. Thay vì coi đó là một căn bệnh, người ta xem đó là vấn đề tình dục”, ông Omar Aftab, Giám đốc Quỹ từ thiện ung thư vú Pink Ribbon nói. Những người sống sót thì nói rằng đó là một “hành trình đơn độc”.

Noi dau cam nin khi bi ung thu vu
Cô giáo Silvat Zafar - Ảnh: BBC

Nữ giáo viên tiểu học Silvat Zafar đang ở độ tuổi hai mươi thì phát hiện ra một khối u ở vú. Cô quyết định giấu gia đình. “Trong xã hội của chúng tôi, các cô gái giữ im lặng về những điều cá nhân”, cô nói. Cho đến khi cô được giúp đỡ, tức sáu tháng sau đó, cô bị ung thư vú giai đoạn 3. Điều đó có nghĩa là khối u đã phát triển lớn hơn và bệnh có nguy cơ di căn. Rất may là ở giai đoạn này, việc điều trị của cô vẫn hiệu quả.

Tình huống của cô Silvat rất quen thuộc với Huma Majeed, một trong những bác sĩ phẫu thuật nhũ hàng đầu của Pakistan. E ngại trong việc thảo luận về ung thư vú chỉ là một trong những vấn đề khiến phụ nữ ở Pakistan không được giúp đỡ. Nhiều phụ nữ - và chồng của họ - miễn cưỡng để một bác sĩ phẫu thuật nam kiểm tra, vì nó liên quan đến phần nhạy cảm của cơ thể. Nhưng bà cũng dẫn ra những lý do khác. “Trong một xã hội gia trưởng như Pakistan, sức khỏe của phụ nữ thường bị hạ thấp trong chương trình nghị sự. Nhiều người phụ thuộc vào các thành viên nam đưa họ đi điều trị, thường là ở các thành phố lớn”, bác sĩ Majeed nói.

Ngoài ra, còn phải kể đến yếu tố kinh tế. Nếu người phụ nữ cần được điều trị và phải đi đến một thành phố lớn, cả gia đình có thể phải đi cùng cô ấy. Những người đàn ông sẽ phải nghỉ làm để đi cùng thân nhân nữ, đồng nghĩa với việc chi phí sẽ tăng thêm. Điều đó đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ trong những gia đình nghèo ở khu vực nông thôn.

Pink Ribbon được thành lập cách đây 15 năm nhưng chỉ gần đây mới phá vỡ điều cấm kỵ để nói về ung thư vú một cách cởi mở. Chiến dịch mới nhất của họ tập trung vào các cô gái trẻ. Theo Pink Ribbon và các chuyên gia ung thư hàng đầu khác, số cô gái trẻ bị ung thư vú đang tăng, trong đó có các bệnh nhân vị thành niên. Chế độ ăn uống kém, hôn nhân cận huyết và thiếu sự chăm sóc của chuyên gia là những nguyên nhân khả dĩ. 

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI