Nỗi đau cách ly và biện pháp ‘đóng cửa’ vùng dịch

10/02/2020 - 14:03

PNO - Có nên dùng “biện pháp mạnh” với Vĩnh Phúc, có nên “đóng cửa” cả tỉnh, hay ít nhất là “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với huyện Bình Xuyên của tỉnh này, như Trung Quốc làm với Vũ Hán? Đó là băn khoăn qua nay của những người lo lắng cho sự lây lan dịch virus corona mới (2019-nCoV) tại Việt Nam.

Kỳ thị vu vơ

Sáng sớm nay, trên một diễn đàn xe cộ, một thành viên kể ông bà ở Hà Nội không nhận đứa cháu ở Vĩnh Phúc, khi cháu muốn về thăm ông bà. Rồi người đi chiếc xe máy biển số 88 (biển số kiểm soát xe của tỉnh Vĩnh Phúc) ghé các nhà hàng quán ăn đều bị từ chối. 

Không dang vòng tay đón cháu về nhà, dù cháu chưa hề có "yếu tố dịch" có ác độc quá hay không? Kỳ thị một chiếc xe có biển số vùng dịch, dù anh ta có thể không chạy từ nơi có người nhiễm virus bệnh, có nhẫn tâm quá không?

Hẳn bạn sẽ thấy ngay hai luồng suy nghĩ chạy qua não. Nếu bộ phân tích não trái nói rằng, cẩn tắc vô áy náy, nên đóng cửa vùng dịch, tránh sự di chuyển sang các vùng khác mới mong cô lập được dịch, thì liền đó, vùng xúc cảm của não phải lại chùng xuống vì xót xa: nếu đặt mình vào hoàn cảnh người trong cuộc, nếu mình hoàn toàn khoẻ mạnh mà phải dừng hết các hoạt động thì sẽ ra sao?

3 người trốn khỏi khu cách ly sẽ tăng nguy cơ đối với cộng đồng ra sao? Chúng ta sẽ xử lý câu chuyện cách ly - phòng chống dịch bệnh như thế nào?
3 người trốn khỏi khu cách ly sẽ tăng nguy cơ đối với cộng đồng ra sao? Chúng ta sẽ xử lý câu chuyện cách ly - phòng chống dịch bệnh như thế nào?

Huyện Bình Xuyên của tỉnh Vĩnh Phúc thật sự đã được xem là vùng không an toàn khi có người trong nhóm công nhân đi tập huấn tại Vũ Hán về nước bị nhiễm virus corona. Và từ một công nhân về từ Vũ Hán, người thân và hàng xóm cũng đã bị lây nhiễm. 

Người nhiễm virus corona trong thời gian ủ bệnh vẫn sinh hoạt bình thường. Em học sinh vẫn đi học, người phụ nữ lớn tuổi vẫn đi chùa. Ngày tết, những người trẻ có thể đi uống trà sữa, đi hát karaoke... Thật đáng ngại khi người hàng xóm chỉ sang nhà chúc tết cũng lây bệnh. Các biện pháp thống kê khảo sát đối tượng nguy cơ tiếp xúc với người bệnh hiện tại chỉ dựa trên sự thành thật của bệnh nhân, nhưng còn những nhớ nhớ quên quên?  Nào ai có thể biết chính xác những người dương tính với 2019- nCoV trước khi vào bệnh viện đã đi đâu, làm gì, tiếp xúc với những ai? Rồi những người từng tiếp xúc đó lại tiếp xúc với ai nữa? Sự gia tăng nguy cơ theo cấp số nhân sẽ rất kinh khủng, nếu không ai trong số họ có biện pháp bảo vệ.

Rõ ràng, khi sự bất an lan nhanh, thì việc kỳ thị vu vơ, vô căn cứ là khó tránh.

Nỗi đau cưỡng chế cách ly

Những ngày này, các clip chính quyền địa phương ở Vũ Hán cưỡng chế người nhiễm dịch, hoặc nghi nhiễm dịch ra khỏi nhà xuất hiện trên nhiều kênh. Những tiếng la hét, sự vùng vẫy chống trả người thi hành công vụ nghe thật đáng sợ. Nó là tiếng khóc bản năng khi người ta cảm thấy mình sắp bị bứt ra khỏi nơi trú ẩn cuối cùng là ngôi nhà. Đi đâu? Tới khu cách ly hay tới bệnh viện để điều trị mà kết quả cuối cùng có thể là nhà xác? Mà cho dù bóng ma dịch bệnh có phủ lên thân thể, thì người châu Á mà, họ vẫn còn suy nghĩ, chết ở đâu cho bằng chết tại nhà mình.

Di chuyển một con người về mặt địa lý không giống di chuyển một đồ vật vô tri. Bệnh viện quận 3 TPHCM xây dựng rất nhanh 40 giường bệnh cho khu cách ly phục vụ dịch virus corona. Với nệm mới trắng tinh, thiết bị sinh hoạt cơ bản là đầy đủ, nhưng 18 người đang bị cách ly của quận 3 cũng không muốn tới đây. Họ gồm 10 du khách Trung Quốc và 8 nhân viên ở khách sạn Triều Hân (nơi có du khách Việt Kiều Mỹ nhiễm virus corona trú ngụ), đã cam đoan và tuân thủ các yêu cầu cách ly nghiêm ngặt của cơ quan chức năng để được tự cách ly tại khách sạn.

Phòng dành cho người cách ly do nghi nhiễm virus corona ở Bệnh viện quận 3
Phòng dành cho người cách ly do nghi nhiễm virus corona ở Bệnh viện quận 3

Các chuyên gia y tế, các nhà tâm lý học, các bác sĩ điều trị từng nói rất nhiều: với bệnh tật, tinh thần quyết định sự thắng thua không kém gì thuốc chữa. Với dịch bệnh, sự lo âu, hoang mang tàn phá cuộc sống không kém gì chính bản thân cơn bệnh. Tâm lý con người khi chưa có biểu hiện bệnh tật hiển nhiên là muốn tự chăm sóc tại nhà, hay ít ra là nơi giống nhất với căn nhà - như khách sạn Triều Hân chẳng hạn. Cộng dồn đó, là các hình ảnh, clip thông tin từ một vài khu cách ly người Việt về từ Trung Quốc. Có khu cách ly nọ, người ta đưa hình ảnh sinh hoạt chung, nằm chung đệm, vẫn thể dục, hát hò, chơi bài cùng nhau... Ai biết trong số ấy, đâu là người bệnh, đâu là người lành và ai sẽ lây sang ai?

Cân nhắc biện pháp mạnh với Vĩnh Phúc

Ngày 8/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, qua chuyến đi khảo sát tại các cơ sở cách ly người từ vùng dịch ở Trung Quốc về, ông nhận thấy ở khu cách ly sử dụng giường tầng và giường kê rất sát nhau. Ông nói: "Nếu ông giường trên ho có thể văng xuống giường dưới hoặc giường bên cạnh, vì vậy, nên đảm bảo khoảng cách giữa các giường trong khu cách ly là 2m". Đấy là tiêu chí tối thiểu cho giường nằm, mà còn chưa ổn. Ai sẽ đảm bảo những người cách ly không lây nhiễm chéo khi mà họ còn phải vệ sinh, sinh hoạt, chứ không thể nằm bất động 24/24. Trong khi số nhân viên y tế hỗ trợ so với số người bị cách ly còn quá ít.

Khó lòng mà trách người đang bị cách ly, hay người trong vùng dịch, bởi cách ly là một thuật ngữ hoàn toàn mới với đa số người dân. Nên có tình trạng người bị cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú vẫn tiếp xúc với người khác. Thứ trưởng Sơn cũng cho biết, quy định hiện nay cho phép cưỡng chế những người bị cách ly nếu vẫn ra khỏi khu cách ly và Bộ Y tế đang cân nhắc các biện pháp mạnh hơn nữa với vùng dịch như Vĩnh Phúc.

Đau lòng đấy, nhưng câu chuyện phân vùng, cách ly và “đóng cửa”, sẽ phải bàn và quyết thật nhanh.

Hoàng Hương (TPHCM)

*Bài viết mang quan điểm của cá nhân tác giả

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI