Nỗi đau bắt nạt học đường: Đừng thờ ơ với “cyberbullying"

13/04/2021 - 06:11

PNO - Các câu chuyện về trẻ vị thành niên bị bắt nạt đến mức tự tử cho thấy “bắt nạt trên mạng” (cyberbullying) đã trở thành vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.

Theo một nghiên cứu với sự tham gia của 736 học sinh cấp II và cấp III ở Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương, 24% học sinh là nạn nhân của ít nhất một dạng bắt nạt trên mạng nào đó. Các nạn nhân hiếm khi chia sẻ về việc bị bắt nạt. Các em thường né tránh vấn đề dù nhận thức được mức độ nghiêm trọng, coi đó không đơn thuần là chuyện bình thường.

Hành vi bắt nạt có thể là đăng tin đồn, tiết lộ thông tin cá nhân, đe dọa, nhận xét liên quan đến hình thể hay giới tính, dùng ngôn từ kích động thù địch… Bắt nạt trên mạng cũng ác nghiệt như bắt nạt ngoài đời thực, thậm chí còn khó “trị” hơn. So với các hình thức bắt nạt khác, tính chất “luôn thường trực” và lan truyền nhanh của mạng xã hội có thể làm trầm trọng thêm vấn đề.

Một nghiên cứu gần đây của Canada cho thấy, tác hại của bắt nạt trên mạng đối với trẻ có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bắt nạt trên mạng có liên quan đến một số vấn đề về phát triển xã hội, cảm xúc và kết quả học tập của trẻ. Những người trẻ có liên quan đến tệ nạn này, dù là người bắt nạt hay nạn nhân cũng có nhiều khả năng nghĩ đến cái chết và tìm cách tự sát. 

Không giống với các vụ bắt nạt mặt đối mặt ngoài đời thực, nạn nhân của “cyberbullying” có thể bị tra trấn 24/7, từng giây từng phút qua các công cụ trực tuyến. Các nạn nhân của “cyberbullying” có nguy cơ muốn tự tử cao hơn gấp hai lần, đặc biệt là khi những người ngoài cuộc thụ động chứng kiến sự đau khổ của họ và không làm gì.

Theo các nhà nghiên cứu xã hội, cha mẹ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa tệ nạn này. Các chuyên gia cũng đề xuất một số cách thiết thực để giảm thiểu mối nguy đang rình rập con trẻ.

Trước hết, phụ huynh cần chấp nhận “cuộc đời trên mạng xã hội của con”. Vì sao? Người lớn có thể phân biệt rõ giữa đời thực và sống ảo nhưng trẻ vị thành niên hiếm khi phân ranh giới rõ ràng - “offline” và “online” là một và giống nhau. Ngày nay, trẻ giao tiếp xã hội qua kênh trực tuyến nhiều hơn vì cơ hội giao tiếp ngoài đời thực bị hạn chế so với trước đây.

Nếu phụ huynh đưa ra những ý kiến kiểu như “chả ai thèm để ý xem con ăn sáng với cái gì đâu” hoặc “con xóa tài khoản Facebook ngay đi” thì gần như chắc chắn trẻ sẽ trợn tròn mắt.

Nếu trẻ bị bắt nạt trên mạng thì việc tước đoạt phương tiện tiếp cận công nghệ của trẻ có thể càng đẩy vấn đề xấu thêm và khiến trẻ càng muốn che giấu, không chịu nói với người lớn khi có những tình huống xấu xảy ra trong tương lai. 

Kế đến, cha mẹ cần đặt ra những nguyên tắc tương tác trực tuyến cho con. Chấp nhận để con sử dụng phương tiện công nghệ không có nghĩa là bỏ mặc con muốn làm gì thì làm. Phụ huynh cũng cần giới hạn thời gian sử dụng phương tiện công nghệ của trẻ vì càng ở quá lâu trên mạng thì khả năng gặp rắc rối càng cao. 

Cần giám sát các hoạt động trực tuyến của con, trong thời đại số. Việc này cũng quan trọng như giám sát những hoạt động ngoài đời thực. Nếu phụ huynh thường hỏi con xem chúng sắp đi đâu, đi với ai và khi nào về thì tại sao lại không hỏi “con thường vào trang web nào?”, “con nói chuyện với ai trên đó?”, “con làm gì trên mạng?”. 

Cũng đừng quên nhắc con những nguyên tắc cơ bản về bảo mật, chẳng hạn như không bao giờ chia sẻ mật khẩu với bất cứ ai, dù là bạn thân. Nếu có chuyện khiến trẻ sợ hãi hoặc bị tổn thương cảm xúc thì nên cho cha mẹ biết ngay lập tức. 

Nếu có thể, hãy lưu lại bằng chứng, phòng trường hợp cần đến chúng để giải quyết vấn đề. Nhắc nhở con đối xử với người khác như cách con muốn được đối xử. Và nếu như chuyện bắt nạt xảy ra, đừng vội đáp trả. Đây chính là điều mà kẻ bắt nạt muốn. Nếu kẻ đó thấy rằng, con bạn đang khó chịu thì có thể sẽ hành hạ trẻ nhiều hơn. Nhắc con hít thở sâu, tránh xa điện thoại, máy tính nếu cần và phớt lờ những lời quấy rối. Bước tiếp theo có thể nên là chặn kẻ bắt nạt liên lạc lại với trẻ bằng cách sử dụng các tùy chọn và cài đặt quyền riêng tư. 

Theo kết quả từ cuộc khảo sát ý kiến do UNICEF và đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về bạo lực đối với trẻ em vừa công bố, 1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia cho biết họ từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, 1/5 trong số đó xác nhận đã từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực.

Cũng theo khảo sát này, 21% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát nói họ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng và hầu hết (75%) đều không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp họ nếu bị bắt nạt.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI