Nỗi đắng cay của gia đình có mẹ chết, con nhập viện vì cướp

19/02/2017 - 09:35

PNO - Sau khi thắp nén nhang lên bàn thờ bà Huyền và rời tang lễ, tôi vẫn trăn trở lời anh Sỹ: "Đến bao giờ Sài Gòn bình yên, không còn cướp giật nữa?".

Không tìm được địa chỉ chính xác của gia đình nạn nhân trong vụ cướp túi xách khiến mẹ chết, con bị động thai, chúng tôi dò dẫm cho đến khi bắt gặp chiếc cờ tang treo nơi đầu hẻm. 

Ngôi nhà nhỏ nằm khuất sâu trong con hẻm quanh co, từ xa người đến viếng đã nghe lời kinh tiễn người quá cố, da diết. 

Lễ tang của bà Lê Mộng Huyền (46 tuổi, ngụ khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây, quận 12) - người mẹ xấu số trong vụ cướp túi xách làm mẹ chết, con bị động thai - có đông người đến viếng, từ họ hàng thân thuộc đến bạn bè, láng giềng và cả những người chỉ mới biết bà qua bản tin hôm trước. Những người thân của bà nắm chặt tay nhau, mắt hoe đỏ, lặng thinh. 

Noi dang cay cua gia dinh co me chet, con nhap vien vi cuop
Nhiều người đến viếng và tiễn đưa bà Huyền về nơi an nghỉ cuối cùng.

"Nhi ơi, mẹ đau quá"

Thay vợ đáp lễ khách viếng đám tang mẹ, anh Trần Viết Sỹ (24 tuổi, chồng thai phụ Trần Lê Tuyết Nhi) tỏ ra cứng rắn nhưng không giấu nổi đôi mắt đỏ hoe, thâm quầng vì thiếu ngủ. Anh phải lo toan quá nhiều trong những ngày qua. 

Vợ anh - người còn sống sau khi bị kẻ cướp giật túi xách không thành - chưa thể hồi phục vết thương cả về tinh thần lẫn về thể xác, nên không còn sức lực nào để có mặt thường xuyên tại tang lễ của mẹ.

Anh Sỹ cho biết từ hôm xảy ra sự việc, chị Tuyết Nhi không đêm nào ngủ được, cứ chốc chốc lại choàng tỉnh gọi mẹ rồi khóc và lại thiếp đi vì mệt. 

Chị cứ nhớ lại chuyện ngày hôm ấy, sau khi được người dân bế vào lề đường, mẹ chị nói: "Nhi ơi, mẹ đau quá", nhiều lần rồi mới bất tỉnh. Sau đó mẹ con chị được chở đi cấp cứu, mỗi người một nơi. Bà Huyền được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, còn chị Nhi được đưa vào Bệnh viện Hùng Vương. Hai mẹ con cách biệt nhau từ đó.

Noi dang cay cua gia dinh co me chet, con nhap vien vi cuop
Vị trí xảy ra vụ cướp làm người mẹ thiệt mạng, con nhập viện. Ảnh: Google Maps.

Đến khi bà Huyền qua đời, gia đình giấu, không cho chị Nhi biết, sáng hôm sau, khi được xuất viện về nhà, chị bàng hoàng nhận tin, rồi ngất. Từ đó, tâm lý chị thêm bất ổn, Nhi không thể kể rành mạch tình tiết vụ tai nạn mà chỉ nhớ ra từng mảnh ghép đau lòng. 

Nhìn vợ tiều tụy, anh Sỹ không chút yên lòng. Đến lễ tang của mẹ, anh cùng gia đình lo hết mọi chuyện. "Tôi không dám cho vợ ra chào khách mà bảo Nhi phải nằm nghỉ. Những đêm qua, vợ tôi không ngủ được chút nào. Cô ấy vẫn sốc, không tin nổi là mẹ mình đã qua đời", anh Sỹ tâm sự.

Sợ vợ quá đau buồn mà ảnh hưởng đến thai nhi 5 tháng, anh Sỹ để vợ ở nhà, không cho đi theo lễ động quan của mẹ. 

"Đến bao giờ Sài Gòn không còn cướp giật?"

Khách viếng thưa dần, không khí buổi tang lễ lặng xuống, u uẩn. Lúc này, Tuyết Nhi ôm bụng bầu bước ra trước bàn thờ. Chị bước đi nặng nề vì vết thương ở chân.

Noi dang cay cua gia dinh co me chet, con nhap vien vi cuop
Nơi xảy ra vụ việc thương tâm.

Anh Sỹ nhìn bụng bầu vợ, rồi cho biết đó là đứa con đầu tiên của anh chị nhưng không may gặp biến cố lớn. Anh mong đứa bé trong bụng và vợ anh bình an. Anh Sỹ cho hay mẹ vợ của anh đảm đương mọi việc nhà trong gia đình, bố vợ chạy taxi, chị Nhi bán hàng online. Còn anh Sỹ đang bảo vệ luận án tốt nghiệp.

"Mọi chuyện giờ phải tạm gác, tất cả chỉ vì hai tên cướp vô nhân đạo ấy. Phải chăng án phạt trộm cướp bây giờ còn quá nhẹ nên bọn chúng ngày càng lộng hành?", anh đau đáu. 

"Chỉ biết trông chờ vào sự nghiêm khắc của pháp luật và quyết tâm dẹp nạn cướp giật của cơ quan chức năng, chứ những người dân chân yếu, tay mềm làm gì được", anh nói thêm.

Sau khi thắp nén nhang lên bàn thờ bà Huyền và rời tang lễ, tôi vẫn trăn trở lời anh Sỹ: "Đến bao giờ Sài Gòn bình yên, không còn cướp giật nữa?".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI