Nội công, ngoại kích - thị trường nghệ thuật Việt đang chuyển động

11/06/2017 - 11:30

PNO - Chuyện tranh Việt “triệu đô” đã không còn là “giấc mơ hoang” khi mới đây, tác phẩm Family life (Đời sống gia đình) của Lê Phổ được nhà Sotheby’s ở Hồng Kông bán với giá gần 1,2 triệu USD

Những tín hiệu mới có vẻ như đang “đẩy” thị trường nghệ thuật Việt chuyển động...

Sau tranh Lê Phổ - họa sĩ Việt hiện “ăn khách” nhất ở nước ngoài - đạt con số kỷ lục trên, giá những tác phẩm hội họa Việt Nam cũng khởi sắc hẳn lên. 

Trong phiên đấu giá hôm 28/5 tại nhà Christie’s Hong Kong, bức sơn mài Miền trung du của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung đã bán được gần 600.000 USD. 

Trước đó, cuối năm 2014, sức hấp dẫn của tranh Việt đã mở ra với thế giới khi bức Nhìn từ trên đỉnh đồi của Lê Phổ chạm đến cái giá 840.000 USD. Trước đó một năm, bức Người bán gạo của Nguyễn Phan Chánh bán được 340.000 USD. 

Noi cong, ngoai kich - thi truong nghe thuat Viet dang chuyen dong

Hai tác phẩm sắp đặt kích cỡ lớn trong triển lãm Tỏa của VCCA

Ngày 8/6/2017, tại phiên đấu giá Impressionist & Modern Art của nhà Sotheby’s ở New York, hai tác phẩm của các họa sĩ xuất thân từ Trường mỹ thuật Đông Dương lại đang hứa hẹn đạt được giá gấp nhiều lần khởi điểm. 

Tuy nhiên, đáng buồn là cuộc chơi giá trị của hội họa Việt Nam trên thị trường vẫn chủ yếu thuộc về người nước ngoài, cả người bán lẫn người mua; dù theo nhà sưu tập Nguyễn Minh, các “đại gia” Việt đã bắt đầu xuất hiện lác đác trong các phiên đấu giá quốc tế, để tranh đua với những nhà sưu tập nước ngoài. 

Để thật sự hình thành được một thị trường nghệ thuật rõ ràng, bên cạnh “ngoại kích” không thể thiếu “nội công”. Thời gian qua, các triển lãm, các gallery vẫn hoạt động đều đặn, nhưng thị trường nghệ thuật nội địa vẫn cứ đìu hiu; chỉ gần đây là “xôn xao” hơn đôi chút, nhờ sự xuất hiện của vài nhà đấu giá trong nước như Lý Thị Auction, Chọn Auction, Lạc Việt… dù các buổi đấu giá còn thiếu chuyên nghiệp. Riêng với nghệ thuật đương đại, sự dè dặt đã giảm nhiều với những triển lãm, dự án táo bạo hơn. 

Một sự kiện đáng chú ý là việc ra đời của Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA (Hà Nội), có không gian lên tới 4.000m2 của Vincom Megamall. Trung tâm có chức năng sưu tầm, bảo tồn các tác phẩm kinh điển và tiêu biểu cho từng giai đoạn của mỹ thuật Việt Nam; triển lãm, giới thiệu tác phẩm; hỗ trợ nghệ sĩ tài năng; kết nối với cộng đồng nghệ thuật quốc tế; tham gia các hoạt động kinh doanh nghệ thuật và thúc đẩy thị trường nghệ thuật nội địa phát triển… 

Noi cong, ngoai kich - thi truong nghe thuat Viet dang chuyen dong
 

VCCA hoạt động theo chu kỳ bốn mùa, mỗi mùa ba tháng, khởi đầu là triển lãm Tỏa - The Foliage (từ 6/6 - 6/8/2017) đang thu hút không ít khách thưởng lãm. Triển lãm trưng bày những tác phẩm nghệ thuật đủ kích cỡ, loại hình, từ điêu khắc, hội họa đến video-art, sắp đặt… của 19 nghệ sĩ trong và ngoài nước. Sự xuất hiện của VCCA, nói như họa sĩ Thành Chương, là “giấc mơ đã thành hiện thực”. 

Trước đó, đã có một tín hiệu đáng quan tâm là lần đầu tiên dự án nghệ thuật đương đại Global Eye, nhằm mục tiêu tìm kiếm tài năng nghệ thuật tại các thị trường nghệ thuật mới nổi ở châu Á được triển khai ở Việt Nam.

Dự án đã khởi động từ tháng 6/2016, nhận được 180 hồ sơ và đã chọn giới thiệu trong cuốn Vietnam Eye 56 nghệ sĩ đương đại. 1.500 bản sách được NXB Skira in tại Venice (Italia) đã ra mắt hôm 4/11 tại Hà Nội, với triển lãm cùng tên, giới thiệu tác phẩm của 19 nghệ sĩ đương đại đã thành danh và các nghệ sĩ mới nổi của Việt Nam. 

Đã đến lúc nghệ thuật Việt cần được kết nối, bảo chứng, kể cả được “làm giá” để thật sự khởi sắc. 

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI