Nồi cơm “siu nhơn”

14/01/2024 - 06:14

PNO - Thật nhanh, cái nồi cơm điện đẹp đẽ bỗng trở thành một món đồ trang trí sành điệu trong những gian bếp “để trưng bày là chính”. Bếp đủ đầy nhưng nhà hiếm khi nổi lửa vì còn được mấy người thèm ăn cơm nữa đâu.

Đó là một cái nồi điện đa năng, vừa có thể nấu cơm, vừa là nồi áp suất, lại kiêm chức năng hấp, hầm mềm. Mang thương hiệu nổi tiếng của Nhật, nó ngốn một khoản “ngân lượng” phải vài triệu đồng để sở hữu. Lúc nghe nhân viên bán hàng giới thiệu, chị khá hào hứng với ý nghĩ: từ nay tha hồ chế biến các món ngon cho cả nhà, chỉ với một nút bấm.

Cảm giác phấn khích ấy kéo dài được hơn tuần rồi “hạ nhiệt”, thậm chí có phần tệ hơn trước khi cái nồi “siu nhơn” ấy xuất hiện trong bếp. Chị nhớ đã hầm được 1 nồi gân bò, 1 bữa chân giò thuốc bắc, 1 lần hấp thử há cảo, hoành thánh đông lạnh. Hết. Tất nhiên, cơm thì ngày nào cũng nấu 1 lần, từ đó cho tới bây giờ. Nhưng mỗi khi mở nắp nồi, nhìn thấy cơm dư từ hôm qua, thậm chí hôm kia còn sót, chị lại thở dài. Chị vừa tiếc của, vừa hoang mang với ý nghĩ: cứ thế này, có khi nhà thôi nấu cơm cho đỡ lãng phí.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

“Cơm thừa gạo thiếu” là cái cụm mà hồi mẹ chồng chị còn sống hay cằn nhằn mỗi khi thấy cơm dư phải đem bỏ. Để bớt áy náy, chị, và sau này là người giúp việc, hay để cơm thừa vào túi ni lông, với lời tự nhủ: sẽ đem treo ngoài hẻm cho người ta nuôi gà. Ai nuôi gà, nuôi ở đâu, nuôi như thế nào giữa phố, chị thực sự chưa lần nào tìm hiểu ngọn ngành, dù chỉ trong suy nghĩ. Chỉ là cảm giác mình đỡ vung vãi hạt ngọc của trời vào thùng rác triền miên ngày tháng mà thôi!

Hồi chị mới kết hôn, nhà chồng chị có cái nồi cơm điện tưởng chừng đã được xài theo kiểu “ba đời nhà tôi” rồi. Cái vỏ bên ngoài ố vàng còn cái nồi nhôm đã trầy trụa ở đáy, mỗi lần cơm chín đều có lớp cháy bám khá dày. Nó được làm việc liên tục, mỗi buổi mỗi vo gạo nhấn nút, cho ra những bữa cơm gia đình tuy phải ngồi dưới sàn nhà ăn nhưng khá đủ mặt, đủ món mặn, canh và thêm rau sống, rau xào. 

Hồi đó, cơm nhà hay được nấu theo dạng đếm đầu người. Ai không thể góp mặt vào giờ cơm thì có bổn phận thông báo, tránh để xong bữa mà dư cơm, là dễ bị “ăn mắng”. Mẹ chồng chị thường dùng đôi đũa cả xới lớp cơm cháy vào chén mình, kèm theo lời vu vơ rằng, trước giờ vẫn thích ăn loại cơm như thế này. Chị ngày đó còn trẻ, có phần cả tin và ngây thơ khi tưởng là thật, quên mất rằng mẹ chồng mình đã già, răng yếu, nên đa phần lý do chỉ là muốn tiết kiệm, sợ con cái chê bai mà bỏ phí…

Đồng nghiệp của chị kể nồi cơm điện bây giờ hiện đại lắm, có thể cắm liên tục trên bếp, cơm không ôi thiu, cũng chẳng tốn điện là bao, luôn có cơm nóng khi cần. Kiểu như tối về trễ hoặc sáng thức dậy vẫn có thể bới 1 chén cơm hôi hổi rồi ăn cho ấm bụng. Đó là lý thuyết, còn thực tế, hẳn cũng giống nhà chị. Là lũ con thì thích ăn vặt ngoài đường bằng các món mới liên tục được cập nhật theo trend (xu hướng) của giới trẻ.

Chiều tối, chồng chị thường đi tiếp khách, đi họp lớp, đi gặp đối tác, đi thư giãn với bạn… và sẵn bữa ăn luôn. Chị thì giờ vừa chán cơm vừa sợ tinh bột, đành quấy quá mấy thứ gọi là “heo-thì”, hạt dinh dưỡng, ăn thô uống sạch này nọ. Nồi cơm trên bếp trở thành vật thừa thãi và vô duyên nhất quả đất bởi cứ khiến thiên hạ phải áy náy khi lâu lâu mở ra…

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Thật nhanh, cái nồi cơm điện đẹp đẽ bỗng trở thành một món đồ trang trí sành điệu trong những gian bếp “để trưng bày là chính” cùng với đủ loại máy hút khói, hút mùi, tủ lạnh 2 cánh to đùng và mớ chén bát chai lọ thủy tinh xinh xắn đúng chuẩn bếp hiện đại. Bếp đủ đầy nhưng nhà hiếm khi nổi lửa vì còn được mấy người thèm ăn cơm nữa đâu. 

Rồi một ngày, ai đó bỗng dưng nhớ về hồi xửa hồi xưa, cơm nấu nồi gang, cháy sém thật dày, khen khét, thế là người ta rủ nhau ra ngoài ăn cơm niêu máy lạnh, tần ngần trước từng phần cơm nho nhỏ nóng hổi như một cách để hồi tưởng thời thổi cơm bằng bếp củi, bếp than, bếp rơm rạ nghi ngút khói ngày nào.

Bởi ai chẳng từng có một quê nhà, bản thân hoặc cha mẹ ông bà từng sống ở nông thôn khốn khó, từng nghe tiếng cơm sôi và mùi cơm vừa chín tới thoảng bay trên mái nhà ấu thơ đông đủ của mình… 

Hoàng My

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI