Nơi có thể lắng nghe từng nhịp thở

04/09/2018 - 06:00

PNO - Mùa thu là một trong những thời điểm đẹp nhất ở Tây Tạng và cũng đẹp nhất cho khách du lịch khi đến thăm nơi đây.

Thủ phủ Lhasa là điểm dừng chân đầu tiên và cuối cùng của bất cứ hành trình nào đến và đi từ Tây Tạng, nơi duy nhất của vùng tự trị này có sân bay quốc tế. Lhasa cũng là nơi có rất nhiều điểm tham quan nổi tiếng mà trong đó có hai nơi bạn nhất định phải đến: tu viện cổ Sera và Ganden.

Noi co the lang nghe tung nhip tho
Đại tu viện Sera có tuổi đời ngót nghét 700 năm

Ngắm, nghe các nhà sư “tranh cãi” ở Sera

Sera được xem là đại tu viện vì đây là một trong ba tu viện lớn nhất của Tây Tạng, cách cung điện Potala chừng 3km, có tuổi đời ngót nghét 700 năm. Sera nằm trên triền một dãy núi đá. Tu viện có con đường vào dài thật dài với hai hàng cây xanh mảnh mai trông thật thơ. 

Sera có năm khu chính. Nếu có thời gian, bạn hãy đi giáp vòng, còn nếu thời gian quá ít, hãy đến nơi thu hút đông đảo du khách nhất. Đó là khu vườn của tu viện, thường được gọi là vườn tranh biện hay tranh luận. Chỉ cần đến gần một nơi văng vẳng tiếng rì rào của những người đang trò chuyện với nhau giữa không gian rất yên tĩnh của tu viện, là biết đã tới khu vườn nổi tiếng ấy.

Noi co the lang nghe tung nhip tho
Vườn tranh biện ở tu viện Sera luôn thu hút đông đảo khách thập phương

Khu vườn mở cửa từ 15g đến 17g mỗi ngày. Đây cũng là lý do vì sao du khách hay tập trung đến tu viện tham quan vào buổi chiều để được nhìn ngắm những màu áo đỏ trước tòa nhà phủ gam trầm và vàng, trên nền sỏi trắng và cây xanh. Khi các nhà sư người đứng, người ngồi, người nghe, kẻ say sưa nói, người trầm tư, kẻ ghi chép, kẻ đọc sách hoặc tranh thủ ra góc vườn ngồi cạnh gốc cây tụng thành tiếng một cuốn kinh nào đó. Các nhà sư ở đây có lẽ cũng đã quá quen với các cặp mắt tò mò của du khách, nên chẳng bận tâm.

Một khu vườn xinh xắn được chia làm hai, rải đầy sỏi và đây là phạm vị riêng dành cho các sư. Khách không được bước vào mà chỉ có thể đứng xem trên lối đi quanh vườn. Tôi chẳng hiểu họ đang nói gì nhưng ngắm những cử chỉ của đôi tay, nét mặt, cũng có thể mường tượng ra họ đang hăng say tranh luận với nhau bằng tất cả khả năng biện luận của mình. Khu vườn đông đúc, lại có nhiều tiếng người nhưng không ồn ào, mà những âm thanh ấy nghe rất dễ chịu. Cũng “lời qua tiếng lại” mà sao chẳng thấy căng thẳng, trái lại nó còn làm hoàn chỉnh một bức tranh độc đáo của tu viện Sera. Thì ý nghĩa của việc này là tranh luận để đồng thuận, cũng là cách để trau dồi, hiểu sâu hơn về giáo lý nhà Phật, để đi đường xa trong tu học. 

Ganden, điểm cuối của con đường đẹp như tranh

Noi co the lang nghe tung nhip tho
Vẻ đẹp bình yên nơi tu viện Ganden

Nếu Sera ở ngay trong thành phố Lhasa luôn đông đảo khách tham quan thì Ganden nằm khá xa trung tâm, cách Lhasa 45km, lại vắng vẻ hơn. Quãng đường đi dài như thế là cách để bạn có dịp vãn cảnh đẹp bên ngoài thủ phủ Lhasa. Hẳn bạn sẽ nhớ mãi trải nghiệm đặc biệt khi đi trên con đường dài mềm mại uốn quanh không biết bao nhiêu vòng từ chân núi lên đến tu viện. 

Tu viện Ganden do đại sư Tsongkhapa - Tông Khách Ba, nhà cải cách lừng danh của Phật giáo Tây Tạng - sáng lập vào năm 1409. Ganden là một trong những đại tu viện Phật giáo đầu tiên và lớn nhất ở Tây Tạng. Tu viện nằm nơi lưng chừng núi, ở độ cao 4.300m, trông biệt lập với thế giới bên ngoài, nhìn xuống thung lũng là con đường mà tôi vừa phải đi qua với 17 khúc cua gấp khúc. Con đường độc đáo này được ca tụng đẹp như tranh và là một trong những điểm thú vị thu hút khách đến Ganden. Bạn có thể hình dung con đường như một dải lụa dài bất tận, trải từ chân núi lên đến gần đỉnh thì dừng, là tới tu viện. 

Noi co the lang nghe tung nhip tho
Ở nơi thanh vắng này, bạn sẽ thấy lòng nhẹ tênh

Ba điểm tham quan chính của tu viện Ganden là: Serdung - nơi có ngôi mộ của Tsongkhapa, các hội quán Tsokchen và Ngam Cho Khang Chapel - nơi Tông Khách Ba từng thuyết giảng cho các học trò. Ganden như tôi đang ngắm nhìn được trùng tu cách đây 36 năm vì tu viện này bị tàn phá nặng nề thời cách mạng văn hóa.  

Hằng năm, đây là nơi diễn ra Đại pháp hội cúng dường chư Phật - một trong những hoạt động lễ hội vĩ đại nhất của Phật giáo Tây Tạng; là lúc tu viện thu hút hàng ngàn du khách và các đệ tử đến hành hương, thăm viếng. Còn bây giờ, đường vắng, tu viện cũng thưa khách tham quan, cho tôi cảm giác nơi đây thực sự là chốn tu hành. Tất cả đều thinh lặng, chỉ nghe tiếng gió bên tai.

Thay vì hối hả đi cho hết một vòng như ở các tu viện khác, ở Ganden, tôi đi thật chậm và dừng thật lâu. Đứng trước tu viện nhìn xuống thung lũng, thấp thoáng bóng dáng những cụm làng nhỏ dựa lưng vào vách núi, xa xa là những con sông nhỏ, những rặng núi đá ngả màu vàng đất và những rặng núi tuyết trắng xóa, những con bò Yak lững thững gặm cỏ như điểm xuyết cho bức tranh sơn thủy ở mái nhà thế giới thêm trữ tình.  Sau một hành trình khá dài, trên dãy núi thanh vắng ấy, tôi có dịp lắng lại, nghe từng nhịp thở của mình, bỗng thấy lòng nhẹ tênh.

Đi thật xa, đôi khi chỉ cần có cảm giác như vậy, cũng đủ.

Đi Tây Tạng dễ hay khó?

Khó mà dễ. Để đến được Tây Tạng, bạn phải có giấy phép, nên trường hợp tự đi sẽ khó khăn hơn. Ngôn ngữ và giấy phép vào Tây Tạng thực sự là một rào cản lớn. Nên cách tốt nhất là mua tour.

Trong nước, đơn vị lữ hành tổ chức tour Tây Tạng không nhiều, bạn cần phải lưu ý một chút kẻo ham rẻ sẽ đi nhầm những tour… shopping. Bạn nên đi theo tour du lịch chính thức của các hãng lữ hành uy tín Saigon Tourist, Vietravel hoặc hãng chuyên về những tour độc lạ, có thế mạnh về tour Tây Tạng như Offtrack travel. Theo mức giá trung bình của thị trường hiện nay, một tour Tây Tạng chín ngày chín đêm có giá khoảng 48,6 triệu đồng/người.  

Tây Tạng lạnh quanh năm, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh nhau khá nhiều nên cần chuẩn bị đồ ấm cũng như tham khảo các thông tin về tình trạng say độ cao trước khi đi.

Mùa nào đi hợp lý nhất? Từ tháng Năm đến tháng Chín hằng năm. Nhanh lên nhé, mùa đẹp nhất của Tây Tạng sắp hết rồi.

Bài và ảnh:  Lê Minh Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI