Nỗi cô đơn là kẻ thù lớn nhất của người cao tuổi ở Singapore

17/12/2023 - 07:00

PNO - Sức khỏe yếu kém khiến nhiều người lớn tuổi ở Singapore hầu như luôn bị giam cầm trong bốn bức tường của căn hộ.

 

Người lớn tuổi ở Singapore ngày càng cô đơn.
Người lớn tuổi ở Singapore ngày càng cô đơn.

Ông Sarmugam R Rajoo (76 tuổi), cựu nhân viên bảo vệ đã nghỉ hưu cách đây 8 năm do chứng cao huyết áp. Hiện ông đang sống dựa vào chương trình hỗ trợ của chính phủ.

Kể từ khi nghỉ hưu, ông mắc bệnh Parkinson và viêm xương khớp, khiến ông dần mất đi khả năng vận động. Bây giờ, ông luôn phải ngồi xe lăn để đi lại và không dám mạo hiểm đi đâu xa khu vực mình sống.

"Là một người đã ly hôn và không có gia đình, tôi dành phần lớn thời gian để xem tivi trên giường. Tôi sinh ra cô đơn không có anh chị em, và tôi sẽ cô đơn và chết trong cô đơn", ông nói với Insight.

Câu chuyện của ông Sarmugam không mới mẻ ở Singapore, bởi rất nhiều người ở độ tuổi ông cũng đang phải sống trong cảnh cô đơn.

Vào năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sự cô lập với xã hội ảnh hưởng đến khoảng 1/4 người lớn tuổi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, con số này cao hơn ở Singapore, cụ thể là cứ 2 trong 5 người tuổi từ 62 tuổi trở lên ở nước này đều cảm thấy cô đơn.

Nguyên nhân là do khi sức khỏe trở nên yếu hơn, các mối quan hệ xã hội của người lớn tuổi cũng bị thu hẹp, hạn chế. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 càng ảnh hưởng nhiều đến tương tác xã hội ở người cao tuổi.

Trong số những người sống một mình, đàn ông có nguy cơ bị ngắt kết nối xã hội cao gấp đôi so với phụ nữ.

Nghiên cứu cho biết nam giới thường đóng vai trò kiếm tiền, có mạng lưới xã hội nhỏ hơn và ít tương tác xã hội hơn phụ nữ. Quá trình chuyển đổi từ làm việc sang nghỉ hưu càng làm hạn chế mạng lưới xã hội của họ, khiến tình trạng mất kết nối trở nên tồi tệ hơn.

Minh Hương (theo Straitstimes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI