Nỗi cô đơn của người trưởng thành: Lắng nghe cô đơn rồi bước tiếp

20/05/2021 - 17:58

PNO - Nếu vén tấm màn bí mật phía sau những người trưởng thành, sẽ thấy rất nhiều những nỗi cô đơn xếp chồng lên nhau...

Thất nghiệp vì dịch COVID-19 hóa ra lại hay, vì tôi có nhiều thời gian hơn để nói chuyện với bạn bè của mình. Và điều trùng hợp là ngay cả khi Đen Vâu còn chưa ra mắt bài hát “Trốn tìm” và “nói về nỗi cô đơn của người trưởng thành là khi đi trốn không ai đi tìm” thì tôi cũng đã thấy rất nhiều người cô đơn xung quanh mình.

H. năm nay 26 tuổi. Bố mẹ, hàng xóm, bạn bè xung quanh H. đều từ bóng gió đến nói thẳng, ai cũng bảo “lấy chồng đi, kén chọn vừa thôi”. H. không kén chọn, chỉ là có một sự thật chưa thể nói ra: Em thuộc thế giới thứ 3. Em có thể yêu con trai và yêu cả con gái.

Khi H. chưa thử yêu một người con trai nào thì em đã mang một vết thương từ mối tình với cô bạn cùng lớp cấp 3. Cô gái ấy cũng có tình cảm với em, nhưng không đủ dũng cảm để đối mặt với giới tính thật của mình. H. bơ vơ và dằn vặt, không biết phải sống tiếp thế nào. Nỗi cô đơn bủa vây, H. chọn cách lảng tránh.

 

Ảnh cắt từ MV của bài hát Trốn tìm - Đen Vâu.
Ảnh cắt từ MV của bài hát "Trốn tìm" - Đen Vâu

Nhìn vào cuộc sống của chị bạn tôi, ai cũng ngỡ chị hạnh phúc khi có một người chồng hiền lành và 2 đứa con ngoan ngoãn. Mấy ai biết rằng, đêm về là chị lại không nén được tiếng thở dài. Chồng chị hiền đến nhu nhược và thụ động. Mọi chuyện trong nhà anh chẳng bao giờ để tâm, lo lắng. Từ chuyện quần áo để đâu đến việc làm sao để tháng sau kiếm đủ tiền học cho con, tất cả chị đều phải tính toán, cáng đáng từ A đến Z.

Chị cũng luôn cảm thấy không được yêu thương khi chồng vô tâm, cứ đặt lưng xuống giường là ngáy. Chưa bao giờ chị nhận được một bó hoa, một lời nói ngọt ngào từ chồng. “Chị đã nghĩ cái ngưỡng chịu đựng của mình chỉ đến vậy thôi, nhưng không nghĩ là càng ngày lại càng kéo dài ra. Bây giờ, chị cảm thấy chai sạn rồi”, chị mỏi mệt thổ lộ.

Không riêng gì H., không riêng gì chị bạn tôi, còn có rất, rất nhiều người đang sống với nỗi cô đơn nhưng vẫn phải cố tỏ ra là mình ổn. Và dẫu mang nhiều tổn thương, họ cũng phải cố gồng mà chịu đựng, chỉ bởi rằng mình-là-người-đã-trưởng-thành.

Có người lớn lên với quá nhiều kỳ vọng từ bố mẹ, rằng “phải giỏi, phải ngoan thì mới được yêu”, luôn ở trong sự kìm cặp khuôn mẫu nên đến khi mỏi mệt hay thất bại cũng âm thầm chịu đựng mà không dám kêu than. 

Có người vì chứng kiến những trận cãi vã của bố mẹ, từng ám ảnh chuyện ly hôn hay từng cho rằng một gia đình bình thường là phải chứa đựng tất cả những điều kinh khủng đó, để rồi chấp nhận cô đơn. Không cô đơn làm sao được, khi mà mỗi lần bị chồng bạo hành, gọi điện về cho mẹ bảo muốn ly hôn thì nhận được lời khuyên: “Cố đi con, chứ ly hôn người ta lại cười cho”. Và rồi, chỉ biết ôm lấy niềm cô đơn ấy một mình trong nỗi bơ vơ chẳng-có-lấy-một-nơi-để-trở-về.

 

Phía sau những người trưởng thành là những nỗi cô đơn...
Phía sau những người trưởng thành là những nỗi cô đơn...

Lại có người, khi muốn tìm đến bạn bè để trút bầu tâm sự lại phải nghe vô vàn lời khuyên, giáo huấn, chỉ trích hay mỉa mai: "Hôm trước vừa khoe hạnh phúc lắm mà?". Để rồi chỉ còn biết chọn cách đóng chặt mọi cánh cửa bên ngoài lại, thu mình lại trong thế giới riêng. 

Phía sau những người trưởng thành là biết bao nỗi cô đơn, cô đơn trong công việc, trong mối quan hệ, trong nghĩa vụ và trách nhiệm, trong hình ảnh (có vẻ như) hạnh phúc, trong hào quang hay cô đơn trong chính việc muốn yêu thương bản thân hơn một chút cũng không đủ dũng cảm… 

Không ai có thể đòi hỏi người khác lắng nghe nỗi cô đơn của mình hay bảo vệ mình khỏi những tổn thương. Vậy nên, khi mỏi mệt quá, hãy dừng lại lắng nghe nỗi cô đơn của mình rồi sau đó bước tiếp trên con đường trưởng thành, để biết rằng, dù trong sâu thẳm vẫn còn những nỗi cô đơn, nhưng nếu muốn, người ta vẫn có thể hạnh phúc. 

Linh Nguyễn (Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI