“Niềm cô đơn của những người trưởng thành/ Là khi muốn trốn nhưng không ai tìm/ Nhiều khi ta muốn ta được bé lại/ Để khi đi trốn có người đi tìm”, trong các ý kiến gửi đến báo Phụ Nữ Online, nhiều người chia sẻ rằng câu hát trên khiến họ rơi nước mắt, dù nghe đi nghe lại nhiều lần.
Nỗi cô đơn của người trưởng thành muôn vẻ. Không chỉ thèm trở về tuổi thơ ngây bên mẹ cha, mà còn những cảm giác chênh vênh, đơn độc khi vào đời, khi đối mặt với thất bại, khi mất tình yêu, khi đổ vỡ gia đình, khi suy sụp niềm tin, khi lạc lõng giữa đám đông...
Chúng tôi tạo góc chia sẻ nho nhỏ để chúng ta tặng nhau cái nhìn, quan niệm, cảm thức về muôn kiếp nhân sinh, về nắng mưa cuộc đời và đặc biệt là về nỗi cô đơn...
Mời bạn tham gia và gửi bài về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn theo quy định.
|
Khi nghe bài hát Trốn tìm của nghệ sĩ Đen Vâu, tôi nghĩ đến cuốn sách Nỗi cô đơn của các số nguyên tố của nhà văn người Ý Paolo Giordano.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi con người ta thực sự cô đơn? Rất có thể là sẽ giống như mô hình "cặp số nguyên tố sinh đôi" trong số học mà Paolo Giordano dựa vào để xây dựng câu chuyện đẹp và buồn.
Alice và Mattia, hai nhân vật chính của quyển sách, mỗi người một nỗi đau riêng mang trong mình, mãi mãi là các số nguyên tố dù cho mọi nỗ lực tìm cách thoát khỏi quy luật.
|
Quyển sách Nỗi cô đơn của các số nguyên tố. Ảnh: Nhã Nam |
Nghệ sĩ Đen Vâu đã kể một câu chuyện tình gần như thế, để rồi hai đứa bé ngày xưa khi lớn lên đã chẳng còn chơi trốn tìm. “Là khi muốn trốn nhưng không ai tìm/ Nhiều khi ta muốn ta được bé lại/ Để khi đi trốn có người đi tìm”, giai điệu nhẹ nhàng và lời hát sâu lắng đã khiến người nghe lắng lòng lại.
Tôi nghĩ tôi đã biết đến cô đơn từ khi 16 tuổi. Ba mất, mẹ có chồng khác, tôi cô đơn khi chưa kịp trưởng thành. Mẹ tôi vì vất vả kiếm tiền và quan tâm đến dượng nên bà cũng không để ý đến cô con gái vừa tuổi dậy thì.
Có những chuyện, mẹ tôi không hiểu tôi, lại thường la mắng, người ta hay nói như thế là khắc khẩu. Mỗi khi bị la, tôi buồn và chạy đến nhà anh bạn. Anh là bác sĩ, người cấp cứu ba tôi, sau này tình cờ gặp nhau ở tiệm Internet nên chúng tôi làm quen.
Anh như một người bạn lớn của tôi. Anh có một căn phòng nho nhỏ, mỗi khi buồn tôi hay ghé qua đó, có sẵn cả chìa khoá nếu anh đi trực.
Một hôm, mẹ lại trách mắng tôi, vì chuyện gì thì bây giờ cũng không nhớ được, tôi chạy qua phòng anh, nằm khóc một hồi rồi ngủ quên. Khi tỉnh dậy tôi thấy anh ở ngoài phòng khách. Anh nấu cho gói mì với lá đinh lăng, tôi ăn xong, anh chở về để "nói đỡ" với mẹ cho tôi.
Mẹ tôi không học nhiều, bà nghỉ học khi chưa hết cấp I, chỉ vừa đủ biết chữ để ký tên. Khoảng cách học vấn cũng có thể là một khoảng cách hiện hữu giữa tôi và mẹ. Tôi hiểu rằng, mẹ tôi cũng có những nỗi cô đơn khi không hiểu hết tâm tình của đứa con gái.
Năm lớp 12, tôi muốn học trở thành nhà báo, mẹ tôi phản đối vì bà không hiểu báo chí nghĩa là gì, nó có kiếm được cơm không? Trước ngã rẽ đó, tôi không biết thổ lộ cùng ai. Nói bạn sợ bạn cười vì học lực của tôi không giỏi. Nói với cô giáo thì cũng không dám, tôi lại kể với anh bạn bác sĩ. Anh lắng nghe, rồi nói: "Em có thể thi hết sức mình, chính anh cũng thi trường y không chỉ một lần là đậu".
Với tôi, tận giờ, anh vẫn là người bạn thân quý, trong số ít người tôi có thể chia sẻ nỗi cô đơn.
|
"Cô đơn" cũng là cụm từ dễ tìm được nhiều kết quả nhất - Ảnh minh họa. |
Dường như, với tôi nỗi cô đơn chỉ được giải toả khi tôi ở một mình. Sau này, có chồng rồi cũng vậy, tôi thích được ở một mình vì chỉ khi đó tôi mới thực sự thoải mái.
Cuối cùng, cuộc hôn nhân đó cũng kết thúc đúng như lời bài hát của Đen Vâu, bởi khi tôi bồng con ra đi, chồng tôi không có ý định tìm. Mọi sự kết thúc khi sự biến mất của người này không là mất mát, khoảng trống đối với người kia. Chúng tôi ly hôn khi tôi ở tuổi rất trẻ.
Đôi khi tôi nghĩ, cô đơn là bản chất của con người, ngay khi người ta lớn lên, chín chắn thì bản chất đó dần bộc lộ, như hai con số nguyên tố, có những số đi thành cặp, nghĩa là rất gần nhau, nhưng dù có gần đến đâu thì cũng phải cách nhau một số chẵn.
Khi người ta trưởng thành, với nhiều áp lực trên vai, có nhiều nỗi niềm khó chia sẻ với người khác dù là vợ hay chồng, hay người yêu đi chăng nữa. Những nỗi niềm khó giãi bày, dần dần như các số chẵn, là bức tường vô hình ngăn cách.
Và thật may mắn nếu ta còn có những người bạn để vợi bớt phần nào những suy tư, những vướng bận, để nỗi cô đơn không biến thành trầm cảm, biến thành con chó đen (một cách nói về bệnh trầm cảm) nuốt chửng lấy chính ta.
Nhưng cô đơn không đáng sợ, nhờ cô đơn mà tôi trưởng thành, nhờ những đêm trằn trọc với những nỗi niềm không biết ngỏ cùng ai đã giúp tôi có được câu trả lời cho những câu hỏi của mình mà không bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác.
Thế nên, tôi nghĩ, cô đơn cũng giống như một loại gia vị của cuộc sống, nêm nhiều thì mặn, mà thiếu thì cũng thành nhạt nhẽo...
Kim Ngọc (Q.8, TP.HCM)