Nói chuyện với con tuổi teen - khó hay dễ?

26/05/2015 - 06:34

PNO - PN - Khi con chúng ta bước vào tuổi vị thành niên, bỗng nhiên con như người lạ trong nhà. Lúc thì con ồn ào thái quá, lúc thì lặng câm như bị nuốt mất lưỡi. Đã vậy con hay giận hay hờn, cha mẹ chỉ nhắc nhở vài câu là đụng chạm tự ái, là bình bịch đi vào phòng, đóng sầm cửa lại, bỏ cơm tối hay giả đau giả ốm… Thậm chí, một chút rầy la là con bỏ nhà đi bụi. Cha mẹ luôn phải đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, muốn khuyên răn điều gì con cũng cãi ngang cãi bướng và làm ngược lại tất cả. Nói chuyện với con thật khó. Vì vậy muốn nói chuyện với con để con nghe, chúng ta cần có nhiều thời gian quan tâm tới đời sống tinh thần của con, hiểu con và biết cách lắng nghe con.

edf40wrjww2tblPage:Content

Noi chuyen voi con tuoi teen - kho hay de?

Thời gian cho con

Muốn làm bạn cùng con, chắc chắn một điều là các bậc cha mẹ phải dành thật nhiều thời gian cho con, từ khi con mới bập bẹ tập nói cho đến khi con bước vào lứa tuổi vị thành niên. Chúng ta không thể lấy lý do kinh tế ra để biện minh cho việc bỏ rơi con. Chúng ta không thể giao con cho bà nội, bà ngoại hay cô dì chăm sóc. Chính người mẹ, người cha, ngoài giờ làm việc trong cơ quan phải dành thời gian cho con ăn, tắm cho con và chơi cùng con.

Thời gian của cha mẹ chính là tuổi thơ của con... Những ngày cuối tuần, cha mẹ cần dẫn con đi thảo cầm viên, chở con đến khu vui chơi của trẻ em, đi siêu thị hay đi dạo phố. Những ngày hè, cha mẹ cùng con về thăm làng quê, hay cùng con đi dã ngoại, đi tắm biển, đi leo núi… Khi cha mẹ biết dành thời gian cho con, chơi cùng con, cha mẹ đã trở thành người bạn của con, cùng tuân theo những luật chung, nguyên tắc chung của trò chơi, cùng bình đẳng và cùng chia sẻ.

Từ sự bình đẳng này, cha mẹ cũng hiểu được cái nhìn, cách suy nghĩ và cảm xúc của con. Từ cha mẹ, con thu được nhiều kinh nghiệm quí giá về ứng xử, về kiến thức, về thế giới xung quanh. Đây cũng là những kỷ niệm sâu sắc của con để khi con lớn lên có sức đề kháng với cái xấu, hồi phục nhanh chóng khi vấp ngã.

Trong thời gian gần gũi và chơi cùng con, cha mẹ sẽ nhận biết con luôn bộc lộ cá tính và khả năng tư duy qua trò chơi. Cũng nhờ chơi cùng con, cha mẹ và con cái sẽ gắn bó mật thiết. Cha mẹ sẽ có thể hiểu con theo từng độ tuổi, nâng đỡ con khi cần thiết. Thậm chí, thông qua các trò chơi, cha mẹ ngầm đưa ra những tình huống, những nhiệm vụ, những thông điệp và định hướng con một cách khéo léo.

Việc dành thời gian chăm sóc và chơi đùa cùng con chính là bạn đã trao cho con yêu thông điệp “Cha mẹ yêu thương và quý trọng con thật nhiều”. Con của bạn chắc chắn sẽ hiểu được giá trị bản thân, giá trị gia đình. Khi con lớn lên, cha mẹ trở thành người bạn lớn, con sẽ không ngần ngại chia sẻ những chuyện riêng tư nhất. Tôi có một chị bạn làm giám đốc một doanh nghiệp, là người có cái nhìn “hiện đại” trong việc nuôi dạy con. Khi chị sinh con gái đầu, mặc cho gia đình chồng phản đối, chị cương quyết trao quyền giám đốc lại cho em trai rồi trực tiếp chăm sóc con nhỏ suốt ba năm đầu đời.

Chị bảo: “Những năm đầu đời, não bộ một đứa trẻ phát triển tốt, nhất là về mặt ngôn ngữ. Mình là mẹ, mình sẽ dạy con tốt nhất. Và khi có thời gian cho con mình sẽ hiểu con hơn tất cả mọi người”. Sau ba năm chăm con, chị trở lại cương vị giám đốc nhưng em trai vẫn làm trợ lý. Nhờ đó, chị đã tiếp tục dành rất nhiều thời gian vui chơi cùng con, quan trọng nhất là gia đình chị luôn có bữa cơm tối bên nhau. Chị luôn sắp xếp để cuối tuần cả gia đình cùng đi picnic.

Cứ mỗi mùa hè luôn có chuyến đi du lịch để cha mẹ con cái gần gũi và có những trải nghiệm thú vị bên nhau. Buổi tối, chị tắt máy vi tính, pha tách trà ra ban-công ngồi nói chuyện với con. Hai mẹ con thường trò chuyện về sách, về phim ảnh, về tôn giáo, thời sự và âm nhạc… rất “dân chủ”. Chị không bao giờ áp đặt ý kiến mình lên con mà luôn lắng nghe những gì con bày tỏ với tất cả yêu thương, chia sẻ của một người bạn lớn.

Khi con chị bước vào tuổi teen, nó thường thích chạy thật nhanh về nhà để kể cho mẹ nghe về bạn bè, thầy cô, trường lớp. Cả những khi con gặp khó khăn trong học tập, những chuyện giận hờn nho nhỏ giữa bạn bè với nhau, cả những lá thư tình vụng dại đầu tiên của tuổi họ trò… con đều kể cho mẹ nghe. Chị tâm sự: “Những năm tháng đầu đời mình đã là người bạn lớn của con nên khi con bước vào tuổi vị thành niên mình và con trò chuyện rất dễ dàng và thân tình. Mình hiểu và tôn trọng con, con thì thích chia sẻ với mẹ, tin tưởng mẹ hoàn toàn…”.

Tin tưởng, tôn trọng và lắng nghe

Khi đã là người bạn lớn của con, là người được con chọn để tâm sự, trao đổi thì người làm cha mẹ cần tôn trọng, tin tưởng và lắng nghe con.

Noi chuyen voi con tuoi teen - kho hay de?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cha mẹ không nên vì sợ mất con mà kiểm soát con. Chúng ta không nên xúc phạm, chê bai bạn bè con, can thiệp vào quyền riêng tư của con như xem trộm nhật ký, lén kiểm tra tin nhắn, điện thoại, túi xách, kiểm tra facebook và các chương trình video con đã xem… Chúng ta nên đứng ở vai trò hướng dẫn, nêu vấn đề cho con lựa chọn khi nào con gặp khó khăn trong cuộc sống và có nhu cầu tư vấn từ cha mẹ.

Càng kiểm tra, kiểm soát, con sẽ càng xem cha mẹ giống “cảnh sát” hơn là người bạn. Con sẽ cảm thấy tổn thương và coi sự kiểm soát ấy như một sự xúc phạm lòng tin mà con từng trao cho cha mẹ. Con càng che giấu, khép chặt cửa phòng, trở về với không gian riêng tư và câm lặng. Sự đối thoại giữa con và cha mẹ xem như chấm dứt và khó nối lại được.

Tôi nhớ có lần con gái tôi xin đi “phượt” ở Vũng Tàu với đám bạn cùng lớp, sáng đi chiều về. Con gái tôi lúc ấy đã là sinh viên đại học năm hai. Tôi gật ngay, còn hướng dẫn con mua hải sản sao cho tươi ngon, cách nhóm một bếp than nơi nhiều gió, cách ướp hải sản sao cho ngọt giòn…

Hai mẹ con trò chuyện thân thiết thì cháu mở room chat cho tôi xem: Nhóm 12 đứa mà chỉ có con tôi và một đứa nữa dám nói thật với mẹ, còn 10 đứa kia đều nói dối để đi chơi do cha mẹ không tin tưởng con và hay cấm đoán này nọ. Cuối cùng thì chúng cũng đạt được mục đích của mình dù phải nói dối. Không tin con, hay kiểm soát con, cuối cùng kết quả nhận lại là con dần vuột khỏi tầm tay, không xem cha mẹ là nơi gửi gắm tâm sự và niềm tin nữa.

Là người bạn lớn của con, cha mẹ không nên chê bai rồi so sánh con với người khác. Cha mẹ cần tin tưởng lắng nghe con, tạo điều kiện cho con sống hạnh phúc, cho con thực hiện ước mơ. Cha mẹ đừng vùi dập suy nghĩ, sở thích, ước mơ của con và bắt con sống theo ước mơ, mong muốn của mình. Khi con thất bại, cha mẹ chỉ cần khuyến khích con đứng dậy sau vấp ngã, khuyến khích con tiếp tục con đường mà con lựa chọn.

Sự chống đối của con cái ở lứa tuổi vị thành niên đối với cha mẹ xuất phát từ tâm lý cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, xem mình là trẻ con, kiểm soát và ngăn cấm mình nhiều mặt theo cái nhìn chủ quan của người lớn. Nếu cha mẹ biết dành nhiều thời gian cho con, biết cách làm bạn với con, lắng nghe con bằng thái độ tôn trọng thì con cái sẽ vứt bỏ tâm lý chống đối để có thể chia sẻ với cha mẹ những lo lắng, những vui buồn, những mơ ước, những hy vọng của tuổi mới lớn. Khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái khi ấy không còn là vấn đề gì lớn lao nữa.

 BẢO NHI

Teen “nói xấu” mẹ

Khánh An (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Tân Phú, TP.HCM):

Gần đây con thấy mình dễ buồn, dễ chán nản, lo lắng và hay mắc cỡ hơn hồi lớp 4. Khi con kêu buồn chán thì ba mẹ hay cười, bảo chẳng có lý do cũng buồn. Dần dần con không còn muốn nói chuyện với người lớn nữa. Chuyện gì nói ra cũng có thể bị cả nhà cười nhạo. Thế mà lúc nghe cô giáo hay bạn bè nói gì về con, mẹ lại “làm việc” với con vì không chịu “báo cáo” gì cho mẹ. Mẹ cứ quên là lúc con nói đâu ai thèm nghe.

Con cũng thấy ba mẹ đối xử với con như với em bé. Chuyện lớn như chuyển dọn nhà về ở với nội, đi hướng đạo sinh hay nghỉ hè ở đâu, ba mẹ chỉ bàn với nhau và con luôn là người biết sau cùng. Mùa hè của con, con phải được quyền chọn làm gì chứ. Cả năm phải học, hè lại bắt con tới lớp vệ tinh để học bán trú cả ngày. Chán lắm. Con thèm nằm nhà đọc sách, xem ti vi, thỏa thích suốt những tháng hè mà không ai hiểu.

Nguyễn Thu Khanh (16 tuổi, ngụ P.Tăng Nhơn Phú, Q.9, TP.HCM):

Con lớn rồi mà xin ba mẹ cho một cái điện thoại và ở phòng riêng cũng không được. Mẹ cũng thật vô lý khi bắt con cho mẹ biết mật khẩu email và facebook. Vậy nên con có muốn khoe váy đầm mới hay “còm” chuyện bạn bè cũng chẳng dám viết cái gì thật lòng.

Mẹ muốn con làm một chị Hai mẫu mực trong mắt em Sơri, nhưng con chán làm con ngoan trò giỏi lắm rồi. Những rắc rối trong tình cảm của con với bạn bè, con chỉ chia sẻ được với cô Phương - bạn thân của mẹ vì chỉ có cô nói với con là hồi nhỏ cô cũng y chang con bây giờ. Nhiều lúc con ước cô Phương là mẹ của mình.

Thanh Minh (ngụ đường Hồ Đắc Di, Q.Tân Phú, TP.HCM):

Con thích ba hơn mẹ vì ba dễ tính, không bắt bẻ, luôn lắng nghe con. Ba hay đứng ra giải quyết mâu thuẫn giúp con, nhất là khi con bị mẹ la mắng. Con thấy bạn bè ai cũng có chuyện giận ba hết, nhưng con hiếm khi nào giận ba. Ba hay nói con giống như một người bạn của ba và con có thể "xử" bạn nếu ba sai hẹn hay đi nhậu về khuya.

Ba cũng luôn cho con bàn bạc mọi chuyện của gia đình vì ba nói con thông minh, hay có sáng kiến. Ngược lại, mẹ lúc nào cũng làm lớn những chuyện chẳng có gì như "sao tự nhiên lại ho suốt đêm thế", "cái chân bước đi kiểu gì vậy trời", "đi picnic cho nắng vỡ đầu à?" Trong mắt mẹ con là đứa hư hỏng, con nói gì mẹ cũng cho là "cãi".

Hồng Hạnh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI