Giờ đây, tuy mỗi gia đình chỉ “từ một đến hai con” nhưng do nhiều yếu tố khách quan về cuộc sống – thời gian thì ít mà công việc thì nhiều, cha mẹ đôi khi không có thời gian chăm lo con cái, hay ngược lại nhiều lúc việc chăm bẵm chu đáo quá, quan tâm quá mức cũng khiến con cái khó chịu ngày càng xe rời cha mẹ.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Thêm sự hiện diện của chiếc điện thoại, việc cha mẹ nói chuyện cùng con ngày càng hiếm. Người ta lại thường thấy cha mẹ con cái ngồi bên nhau mà mạnh ai người nấy “quẹt”!
Chị Hồng có hai đứa con, con gái đầu năm nay 19 tuổi, trầm tính, ít nói. Tánh chị Hồng mau mắn, vui vẻ, nói nhiều bao nhiêu thì ngược lại con gái chị ít nói, trầm tính bấy nhiêu. Đôi lúc chị Hồng buồn lắm, có chuyện gì của phụ nữ cần thổ lộ chị chẳng biết tâm sự cùng ai bởi con gái chị ít mở lòng. Đồng thời chị cũng hiếm khi được nghe con gái tâm sự chuyện gì từ chuyện truờng lớp đến chuyện bạn bè, sở thích, mua sắm…
Trong khi đó, em gái chị Hồng có một cô con gái mau mồm mau miệng, thường biết cách hỏi han và quan tâm đến người xung quanh. Đôi lúc chị Hồng thấy nói chuyện với cháu còn dễ hơn nói chuyện với con. Chị thường than thở: “Nói chuyện với con sao mà khó thế!” Thậm chí, có lần chị Hồng muốn gần gũi với con gái hơn bằng cách rủ cháu đi uống cà phê. Vậy mà, chị bảo: “Vào quán cà phê với bạn bè mình có thể nói rất nhiều chuyện, trong khi đi với con gái, hai mẹ con chẳng có gì để trao đổi; cuối cùng, cả hai cắm mắt vào chiếc điện thoại của mình”. Chị tâm sự.
Khuyến khích con cái mở lòng là một điều không dễ dàng với cha mẹ nhất là rơi trường hợp như chị Hồng. Ngay từ khi con còn nhỏ, nếu cha mẹ không tích cực, dốc lòng, dốc sức làm bạn cùng con thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ ngày càng xa cách khi chúng lớn lên. Ở những gia đình mà mối quan hệ đối thoại thường xuyên đặt ra luôn là một thói quen và là nền tảng vững chắc cho tâm lý trẻ không bị mong manh, sống cô lập.
Có những ông bố, bà mẹ chan hòa với con, cho rằng, ngay từ khi con cái còn nhỏ, làm bạn cùng con có nhiều cách: bày trò chơi với con, khi tắm cho con, cùng nhau xếp quần áo, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa …. là lúc chuyện trò cùng con cái một cách vui vẻ nhất! Đây cũng chính là giai đoạn tạo dựng cho con cái thói quen giao tiếp, chan hoà với mọi người sau này.
Những lỗi lầm cha mẹ thường vấp phải:
- Làm bộ lắng nghe con nói nhưng đầu óc bạn đang làm việc khác: Khi bạn quyết định nói chuyện với con thì hãy chăm chú vào câu chuyện. Trẻ con rất tinh ý, việc phân tâm lúc này sẽ làm con cái dễ chán nản rằng ba/mẹ chẳng quan tâm đến nó (tâm lý của trẻ luôn muốn mình là trung tâm của sự chú ý!).
Trẻ con từ chỗ thất vọng sẽ dẫn đến buồn bực hơn khi thấy ba/mẹ cứ làm bộ lắng nghe mà cứ làm hết việc này đến việc kia. Tệ hại hơn, đôi lúc quá bận rộn, thấy đứa trẻ cứ lấn cấn bên mình, bạn còn quát con và đuổi chúng “đi chỗ khác chơi cho mẹ làm việc!”, đó là lúc bạn đã đánh mất một cơ hội tốt để làm bạn cùng con , trẻ sẽ cho rằng chúng chẳng quan trọng bằng công việc của cha hay mẹ. Điều này rất dễ gặp khi cha hay mẹ ngồi với con mà cứ dán mắt vào điện thoại.
- Ngắt lời con: Không chỉ là với con cái, việc ngắt lời người khác khi họ đang say sưa trình bày là điều không ổn! Đừng “thắng” lại hay làm tắt ngúm niềm hăng say giãi bày tâm sự của con cái. Đó là cách nhanh nhất đẩy mối quan hệ ngày càng xa dần đấy!
- Không hiểu được điều con trẻ nói ra: Khi chuyện trò cùng con, quan trọng là phải hiểu chúng muốn nói gì . Chúng sẽ thất vọng biết bao nhiêu nếu: “có vậy mà mẹ cũng không hiểu”.
- Đừng áp đặt hay vội “kết án” con: Thật là hồ đồ khi chưa chi người cha hay mẹ đã vội kết luận rằng lỗi ở con mà chẳng dựa trên một cơ sở nào cả, chỉ căn cứ bằng hiện tượng. Lúc này việc xin lỗi con là cần thiết. Đừng cho rằng là cha hay mẹ không nên xin lỗi con là sai lầm đấy!
- Hãy coi việc của con trẻ là quan trọng: Đây chính là đầu mối xích lại gần nhau của mối quan hệ cha/mẹ và con cái. Nhớ rằng việc của con trẻ cũng quan trọng như việc của người lớn.
- Đừng nổi giận với con vì bạn không thích những gì con trình bày. Đây là cách nhanh chóng nhất để bạn đóng sập cánh cửa giao lưu với con cái. Cho dù chỉ là những chuyện dông dài vớ vẩn ở trường tỉ như hôm nay cô giáo không công bằng, bạn bên cạnh tự nhiên lấy phấn gạch một đường dài giữa hai chỗ ngồi… cũng phải lắng nghe với điệu bộ thích thú để khuyến khích con cái mở lòng.
Nếu con cái gặp bức xúc, hãy làm nguội cơn tức bực này đã rồi mới phân tích và đưa ra những giải pháp cùng “giải quyết vấn đề”. Đừng gây thêm cho con trẻ nỗi thất vọng khi: “ở trường thì vậy, về nhà đến mẹ cũng chẳng hiểu mình!”.
- Cha mẹ cũng phải học cách hỏi: Đừng liên tục tra vấn con cái bằng những câu hỏi: tại sao, ai biểu… mà hãy hỏi con cái nhẹ nhàng hơn: “rồi sao nữa con?”, “con liệu làm vậy được không?”… Nhưng cũng nên lưu ý, với trẻ nhỏ thì việc hỏi tới là điều thích thú nhưng với thiếu niên đôi khi làm chúng đổ quạu và … im luôn!
- Trẻ con ít chịu nghe lời khi cha mẹ trực tiếp lên lớp chúng, cũng có đôi lúc cần phải nhờ một nhân vật thứ ba (như thầy giáo, bạn bè, người thân) làm cầu nối nữa đấy.
Kim Duy