Nơi chữ viết của nhân loại được tôn vinh

26/09/2020 - 17:00

PNO - “Tôi tin là mọi người sẽ rất vui và ngạc nhiên trước những công nghệ và phương thức chúng tôi có thể đưa ngôn ngữ vào cuộc sống” - Anna Friedman

Tọa lạc tại khuôn viên Franklin, một trong những ngôi trường công lập đầu tiên ở Washington, Mỹ, sau này trở thành địa danh lịch sử nổi tiếng, bảo tàng ngôn ngữ Planet Word sẽ giúp khách tham quan trải nghiệm nhiều ngôn ngữ theo những cách mới lạ và độc đáo.

1. Trải rộng trên diện tích hơn 15.500m2, bảo tàng có 10 phòng trưng bày mang đến những khám phá thú vị và bất ngờ. Một phòng trưng bày quả cầu khổng lồ có chu vi gần 4m, trang bị 5.000 đèn led là nơi du khách có thể chọn thử sức với trò chơi kết hợp nhiều ngôn ngữ và học một vài từ/cụm từ cụ thể của ngôn ngữ đó.

Khách tham quan cũng có thể trau dồi khả năng thuyết trình trước đám đông thông qua những bài thơ nổi tiếng và màn tái hiện các tiết mục diễn thuyết của các nhân vật huyền thoại như Tổng thống John F. Kennedy, Martin Luther King. Công trình này là sáng tạo của nghệ sĩ đương đại Rafael Lozano-Hemmer.

Trên tầng hai, không gian yên tĩnh bao trùm bức tường dài 7m với hơn 1.000 từ có thể tự động phát sáng sau khi kích hoạt bằng giọng nói, giới thiệu về lịch sử ra đời của ngôn ngữ và cách chúng được đưa vào hệ thống từ vựng tiếng Anh.

Tuy nhiên, thu hút du khách nhất có lẽ là phòng tương tác, nơi du khách có thể vẽ tranh cùng những con chữ bằng cách sử dụng một cây cọ nhỏ để điều chỉnh khung cảnh theo ảo giác.

Ngoài ra, Planet Word còn sở hữu các phòng giải đố, chơi chữ, cửa hàng lưu niệm cùng nhiều lớp học để mọi người có thể đăng ký và trải nghiệm vô vàn điều lý thú, bổ ích từ con chữ. Bên cạnh đó, Planet Word cũng tổ chức nhiều chương trình hội thảo, triển lãm nhằm khơi gợi niềm đam mê ngôn ngữ nơi du khách.

2. “Tôi tin là mọi người sẽ rất vui và ngạc nhiên trước những công nghệ và phương thức chúng tôi có thể đưa ngôn ngữ vào cuộc sống cho du khách trải nghiệm” - bà Anna Friedman, nhà sáng lập và là người tài trợ cho Planet Word - chia sẻ.

Planet Word đã ngốn của Anna Friedman khoảng 25 triệu USD từ việc sửa chữa tòa nhà cho đến đầu tư trang thiết bị. Nhưng với một nơi đầy dấu ấn lịch sử như trường Franklin, cuộc đầu tư của Friedman hoàn toàn xứng đáng.

Ý tưởng thành lập bảo tàng ngôn ngữ nảy sinh khi Anna Friedman đang dạy đọc viết cho một nhóm học sinh. Trước đó, bà từng là biên tập viên và dịch giả. Chữ viết không chỉ là niềm say mê mà còn là những ký tự vẽ nên các câu chuyện kỳ diệu trong mắt Friedman. Vì thế, khi chính quyền thành phố tổ chức đấu giá để cho thuê trường Franklin, Friedman đã tham gia và ý tưởng của bà hoàn toàn thuyết phục được những người cho thuê.

Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Để bảo tàng có thể thành hình và đi vào hoạt động, Friedman đã mời rất nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau làm cố vấn nhằm đảm bảo tính chính xác, đồng thời vẫn mang lại trải nghiệm tuyệt vời nhất, thay vì khô cứng như những bảo tàng thường thấy.

Bảo tàng dự kiến hoạt động vào tháng Mười tới, sau thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19.

Văn Khoa

Planet Word không phải là bảo tàng đầu tiên trên thế giới tôn vinh chữ viết. Paris hiện có bảo tàng ngôn ngữ Mundolingua tập trung vào ngôn ngữ học. Toronto, Chicago…  cũng có những bảo tàng tương tự dành cho ngôn ngữ.

Đây cũng không phải là bảo tàng đầu tiên sử dụng công nghệ cao để tạo nên các trò chơi tương tác nhằm thu hút công chúng. Song, Planet Word là bảo tàng đầu tiên tích hợp công nghệ với ngôn ngữ và trở thành điểm đến mới nhất trong danh sách dài mà du khách nhất định phải ghé qua ở thành phố giàu bảo tàng này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI