Làng máy tính ở Lagos (Nigeria) là khu chợ công nghệ lớn nhất châu Phi, nơi có nhiều trung tâm mua sắm và quầy hàng bình dân bán - sửa chữa vô số thiết bị điện tử.
Kola Alawada - 21 tuổi, một sinh viên - đang có mặt tại đây với chiếc điện thoại Android cũ bị nứt màn hình. Alawada có hẹn với James - 35 tuổi, một người mua bán điện thoại cũ - để mua chiếc iPhone 12 Pro cũ với giá 600.000 naira (353 USD) - gấp 8 lần mức lương tối thiểu ở Nigeria. “Ở trường, khi muốn tán tỉnh một cô gái, tôi mượn iPhone 14 Pro Max của bạn tôi vì nếu thấy tôi dùng điện thoại Android, cô ấy sẽ nghĩ tôi không có tiền” - Alawada cho biết.
Giá 1 chiếc điện thoại mới vẫn đắt hơn mức hầu hết người dân lao động Nigeria có thể chi trả. Giá chiếc iPhone 16 mới ra mắt là hơn 3 triệu naira (hơn 1.800 USD), trong khi mức lương tối thiểu hằng tháng ở Nigeria là 44 USD.
|
Một người thợ đang làm việc trong cửa hàng của mình tại làng máy tính - Ảnh: AKINTUNDE AKINLEYE (EPA-EFE) |
James kiểm tra chiếc Android của Alawada và lắc đầu. Anh nói: “Sẽ chẳng ai mua cái này với giá tốt đâu. Điện thoại Android không có giá trị sử dụng lại”. Anh ta đưa lại điện thoại, khuôn mặt của Alawada thoáng xịu xuống.
Điện thoại không chỉ bao gồm các chức năng
Cuộc cạnh tranh giữa iPhone và Android đã diễn ra trên toàn cầu trong 17 năm, với Android chiếm khoảng 70% thị trường và iPhone nắm giữ 28%. Sự phân chia thị trường đó cũng tồn tại ở Nigeria. Thế nhưng, đối với nhiều người dùng thế hệ Millennials và thế hệ Z, điện thoại không chỉ bao gồm những chức năng.
Những người Nigeria trẻ tuổi cho biết tính độc quyền và hệ điều hành của iPhone mang lại cho chiếc điện thoại uy tín vượt trội. Theo họ, các ứng dụng phổ biến với thế hệ Z, như Snapchat và Instagram, hoạt động tốt hơn trên iPhone. Tính năng AirDrop cũng giúp dễ dàng chia sẻ tệp giữa những chiếc điện thoại iPhone.
Vẫn quyết tâm sở hữu 1 chiếc iPhone, Alawada cùng James dạo quanh làng máy tính, len lỏi qua 7 con phố, nơi có các tòa nhà thấp tầng, những ngôi nhà gỗ được cải tạo và nhiều ki-ốt xung quanh. Cuối cùng, họ cũng đến được một cửa hàng đông đúc của Solomon Dosumu.
Dosumu (37 tuổi) chuyên sửa chữa điện thoại và rõ ràng thích iPhone hơn. James cho biết sản phẩm sửa chữa của Dosumu rất tỉ mỉ, nhìn bằng mắt thường sẽ thấy thực sự hoàn hảo.
Trong cửa hàng, khách hàng ngồi ở khu vực chờ; một người nói với James rằng Dosumu đã đi lấy màn hình thay thế cho iPhone 11 Pro và 14 Pro Max. Alawada chờ đợi một cách sốt ruột. Bên ngoài cửa hàng có một tấm áp phích quảng cáo đặt hàng trước iPhone 16 với mức giá 3 triệu naira mà hầu như không người dân nào có thể sở hữu.
iPhone năm nay là chiếc đắt nhất trong dòng sản phẩm chủ lực, đặc biệt tại các nước châu Phi như Nigeria, nơi áp dụng mức thuế nhập khẩu cao để khuyến khích các nhà sản xuất địa phương và tăng doanh thu.
Nơi thu hẹp khoảng cách giữa sự sang trọng và giá cả phải chăng
Nhu cầu về iPhone cũ đã thúc đẩy một thị trường không chính thức, nơi những người như Dosumu thổi luồng sinh khí mới vào những chiếc điện thoại đã qua sử dụng, sửa chữa chúng để bán lại.
Ở những nơi như làng máy tính, các cửa hàng như Dosumu thu hẹp khoảng cách giữa sự sang trọng và giá cả phải chăng.
Nhiều chiếc điện thoại được vận chuyển từ Trung Quốc với số lượng lớn, thường có lỗi nhỏ - không có Face ID, mặt kính sau bị nứt - và được giao đến thợ sửa chữa như Dosumu ở Nigeria. Sau khi sửa xong, chúng được bán lại. Một số là sản phẩm hoàn toàn mới được trao đổi bởi những người muốn nâng cấp điện thoại. Cũng có một vài trường hợp hiếm hoi là điện thoại bị đánh cắp được bán lại.
Dosumu đã quay lại cửa hàng. Là “kỹ sư của kỹ sư”, Dosumu quen với việc hỗ trợ các kỹ thuật viên khác. Cách đây nhiều năm, anh bắt đầu học việc nghề sửa điện thoại thông minh sau khi bỏ công việc ở trạm xăng để tìm kiếm một công việc ổn định hơn. Đó là khoảng thời gian iPhone đầu tiên ra mắt.
Khi Dosumu bắt đầu sự nghiệp vào năm 2009, iPhone 3GS phần lớn bị bỏ qua ở Nigeria, thậm chí iPhone 4 còn ít được quan tâm hơn vào năm sau. BlackBerry đang thống trị thị trường lúc bấy giờ.
Để trở nên thạo nghề, Dosumu đã vượt qua những thử thách. “Màn hình là thứ dễ nhất. Những sửa chữa phức tạp hơn - như Face ID Truedepth của iPhone hoặc thay pin - đã khiến tôi mất nhiều thời gian, tiền bạc…” - anh nói.
“Khi bạn thay thế các bộ phận, iPhone sẽ hiển thị thông báo “bộ phận không xác định” và một số tính năng, như tình trạng pin, sẽ ngừng hoạt động. Để khắc phục, tôi đã phải đầu tư vào các công cụ chuyên dụng” - Dosumu giải thích.
Nhờ nhu cầu về iPhone đã qua sử dụng và đã sửa chữa, Dosumu có thể tự nuôi sống bản thân, chu cấp cho gia đình và trả tiền thuê nhà.
Hàng ngũ người dùng iPhone được chọn lọc
Dosumu luôn tôn trọng tính bảo mật của khách hàng và chỉ giao dịch phần cứng. “Tôi không hack” - Dosumu nhấn mạnh và nói rằng điện thoại bị dính iCloud gần như không thể mở khóa và thường được bán để lấy linh kiện.
|
Làng máy tính ở Nigeria - Ảnh: TILÈWA KAZEEM (Al Jazeera) |
Khi ai đó mang đến cho anh một chiếc điện thoại bị khóa, anh không tìm hiểu nguồn gốc của những thiết bị này, thay vào đó coi chúng là nguồn tài nguyên để sửa chữa trong tương lai. “Có rất nhiều chiếc điện thoại như vậy trong cửa hàng của tôi. Đôi khi, tôi dùng chúng để đào tạo học viên” - anh cho biết.
Dosumu hỏi Alawada: “Điện thoại của anh có vấn đề gì vậy? Chỉ hư màn hình thôi sao?”. Dosumu gọi một người học việc đi kiểm tra màn hình thay thế.
Người học việc gửi tin nhắn cho Dosumu thông báo rằng có màn hình thay thế cho Android. “Tôi sẽ thu lại điện thoại của anh. Tôi thấy anh để mắt đến chiếc điện thoại iPhone màu xanh kể từ khi đến đây” - Dosumu vừa nói với Alawada, vừa rút chìa khóa ra mở tủ kính.
Dosumu đưa chiếc iPhone cho Alawada. Alawada kiểm tra mọi thứ - camera, pin, màn hình - và không thấy có gì bất thường.
Alawada và Dosumu hoàn tất thỏa thuận. Chàng trai trẻ cuối cùng đã gia nhập vào hàng ngũ người dùng iPhone được chọn lọc ở châu Phi.
Vẫn giữ giấc mơ iPhone
Alawada rời khỏi cửa hàng của Dosumu với chiếc iPhone đã qua sử dụng cùng bộ sạc Dosumu tặng kèm - nằm gọn trong túi. Anh ghé qua quầy phụ kiện, hy vọng mua được một chiếc ốp điện thoại trong suốt anh đã thấy trước đó, mà không để ý nhiều đến khu chợ nhộn nhịp và những người va vào anh.
|
Ốp điện thoại được bày bán tại làng máy tính - Ảnh AKINTUNDE AKINLEYE (EPA-EFE) |
Chẳng mấy chốc, Alawada thấy mình như lạc vào “mê cung” ở khu chợ. Anh đã quên hỏi James đường đi và không muốn làm phiền anh ta lúc này. Khi Alawada với lấy điện thoại, anh nhận ra nó đã mất. Tay anh run rẩy khi lục tìm trong túi, đồng thời nhìn xuống đất và đám đông xung quanh. Sau đó, cơn hoảng loạn ập đến.
Alawada ngã xuống đất. Một vài người qua đường nhìn anh nhưng hầu hết đều lờ đi vì có lẽ họ biết chuyện gì đã xảy ra. Mặt tối của tội phạm ở làng máy tính, từng là tin đồn với anh, đã trở thành hiện thực.
“Tại sao anh lại làm phiền đồn cảnh sát của chúng tôi?” - Bello - một viên cảnh sát - hỏi. Trong cơn hoảng loạn, Alawada không nhận ra mình đang ở trước đồn cảnh sát. “Anh đã lừa đảo oyinbo (người nước ngoài), dùng tiền của họ để mua một chiếc iPhone và giờ anh khóc vì bị lừa?” - viên cảnh sát cáo buộc.
“Thưa ngài, tôi không phải là một thằng yahoo. Tôi là sinh viên” - Alawada sử dụng tiếng lóng địa phương để chỉ những kẻ lừa đảo.
“Sinh viên?” - Bello chế giễu. “Anh lấy đâu ra tiền để mua iPhone?”.
Alawada không thể giải thích được cách mình gom góp tiền như thế nào và Bello dường như không quan tâm điều đó. Đối với Bello, một thanh niên có iPhone đồng nghĩa với việc hắn ta đã lừa đảo.
Bello bảo Alawada vào đồn để viết một bản tường trình nhưng anh và những người đang ngồi đó - tất cả đều là nạn nhân tương tự trường hợp của Alawada - biết rằng điều này là vô nghĩa.
Giờ đây, chán nản và choáng váng vì mất mát, Alawada tự nhủ sẽ thận trọng hơn trước. Dù vậy, anh vẫn giữ giấc mơ iPhone. “Tôi sẽ sở hữu một chiếc iPhone nhưng tôi sẽ không quá háo hức để có nó bằng mọi giá” - anh nói.
Hà Thụy