Nồi chè đậu đỏ sâu của mẹ

04/08/2022 - 22:16

PNO - Với tôi, nồi chè sâu của mẹ là ký ức đẹp đẽ có cả nước mắt, giọt mồ hôi dưới cái nắng, từng cơn mưa, những đêm thức khuya, dậy sớm...

 

Tôi lớn lên từ vùng nông thôn, quanh năm đồng ruộng hết mùa lúa lại sang thời trồng đậu. Nói về các loại đậu thì gia đình tôi chắc cũng thuộc hàng siêng trồng loại nông sản này trong xóm làm nông. Đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen, đậu phộng (lạc). Dù canh tác nhiều loại đậu khác nhau, ký ức của tôi về đậu đỏ vẫn luôn đẹp đẽ nhất.

Mãi đến giờ tôi vẫn không quên được hình ảnh ba tôi với đôi trâu đi trước, cái cày đi sau. Sau lưng ba, mẹ tôi bê từng thúng đậu đỏ giống để rải trồng theo luống. Chỉ chừng 3 - 5 ngày, mầm đậu nhú lên và bám rễ vào đất. Từ thời điểm này, hàng ngày ba hoặc mẹ tôi phải thường xuyên ra đồng theo dõi sự phát triển của mầm cây. Độ nửa tháng là có thể đánh giá được cây đậu đỏ lên đều không. Nếu không đều thì phải bứng cây đậu con từ chỗ dày dặm (trồng) vào chỗ thưa, sao cho đều nhau.

Tôi nhớ mình đã hỏi mẹ, tại sao phải mất công như vậy vì trước sau gì cây cũng lớn lên rồi tới ngày thu hoạch. Mẹ tôi giải thích, việc này gọi là “dặm lại”, mục đích để ruộng đậu được đẹp, chất lượng thu hoạch cao. Cây đậu được tỉa dặm đúng khoảng cách sẽ dễ dàng chăm sóc và phát triển nhanh. Trường hợp có sâu rầy, các lá đậu không bị xoắn cuốn vào nhau, sâu không dễ thành ổ mà ảnh hưởng đến chất lượng cả ruộng đậu.

Đậu đỏ còn có một đặc điểm khác: cây phát triển tốt, vươn đọt dài, nếu không ngắt thì kết quả thu hoạch giảm. Cây sẽ tập trung nuôi đọt, không nuôi hoa và trái. Việc ngắt đọt bỏ bớt sẽ làm “tức” cây. Chúng sẽ đâm hoa, ra trái tốt hơn.

Gia đình nghèo, mỗi mùa thu hoạch đậu đỏ xong, ba mẹ tôi lại mang bán những hạt đậu đẹp, nguyên vẹn để có tiền cho chị em tôi ăn học. Những hạt sâu ăn một phần, không nguyên vẹn, mẹ tôi mang nấu chè cho cả nhà. Điều vui nhất của chị em tôi là được thưởng thức món chè này của mẹ sau gần hai tháng chờ đợi.

Tôi không thể nào quên, hình ảnh mẹ mang từng thau đậu đỏ sâu đi xay nhuyễn bằng chiếc cối đá của nội để lại. Mẹ ngâm một lúc rồi vớt bỏ vỏ, giữ lại mớ ruột đậu trắng phau. Mẹ đặt nồi chè lên bếp rồi nấu với đường tán - một loại đường đen dạng viên rẻ tiền và thơm lừng mật mía.

Sau một giờ, chị em tôi có được món chè đậu đỏ nóng hổi. Ăn chè đậu đỏ sâu của mẹ, thỉnh thoảng lại nghe cái rụp, thì ra đó là những hạt đậu bị sượng lẫn vào. Nghe rụp trong miệng là chị em chúng tôi chọc nhau cười tóa lên vui vẻ. Vui vì được ăn chè ngon mẹ nấu.

Chúng tôi còn gọi món chè sâu này là “chè trần ai” (khổ cực vất vả mới có). Có hôm, món chè đậu đỏ lại thành món chúng tôi ăn bữa sáng. Với trẻ con ở quê như chúng tôi, được ăn như thế là hạnh phúc lắm, thay vì ăn cơm nguội.

Món chè đậu đỏ sâu gắn với tuổi thơ của tôi đến hết trung học. Tôi xa nhà, đi học và lập nghiệp ở Sài Gòn. Ba mẹ tôi cũng đỡ vất vả hơn, những mùa đậu đỏ giờ đã là ký ức - ký ức của những năm tháng khổ nghèo nhưng đầy ắp yêu thương.

Giờ đây, giữa cuộc sống nhộn nhịp, tôi vẫn còn mê món chè đậu đỏ. Tất nhiên, chè đậu đỏ giờ tôi ăn ngon hơn, trang trí đẹp hơn, đa vị hơn; nhưng sâu trong tâm trí tôi, chúng không thể sánh bằng nồi chè ấm áp với biết bao sự kỳ công có từng hạt đậu, dù không tròn trịa mà mẹ nấu ngày ấy.

Trương Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI