Nồi cháo gà ăn kèm bánh tráng nướng của ba

30/08/2020 - 16:14

PNO - Ba nuôi gà nhưng ba không ăn gà vì "thương và tội tụi nó", nhưng mỗi lần chị gái từ thành phố về, ba đều tự tay bắt, làm và nấu một nồi cháo để "bồi bổ" cho con gái.

Năm 1980, ba mang cả nhà đi kinh tế mới ở Lâm Đồng. Nhà không quá dư dả nhưng con trai con gái, đứa nào ba cũng bắt đi học. "Học để biết chữ cho sướng thân", ba nói. Nhưng trường xa, trường gần, sách vở thiếu thốn, dần các anh chị lớn bỏ học. Người đi học nghề, người đi buôn, chỉ còn chị thứ 7 miệt mài đèn sách.

Trường cấp 1, cấp 2 gần nhà. Đến cấp 3, chị xuống trường huyện, cùng 9 chị khác, thuê một căn nhà ở. Mỗi tháng, ba mẹ cho chị 100.000 đồng và 8 ký gạo. Một trăm ngàn ấy, tiền nhà 20.000 đồng còn lại tiền ăn, tiền xe đi về.

Hết cấp 3, chị lên Sài Gòn học. Trường xa, đường còn xa hơn. Mỗi năm chị chỉ về thăm nhà hai chuyến dịp hè và Tết. Ở nhà, mỗi lần nhớ chị ba lại đi ra, đi vào, bảo: "Thương con Bảy, một mình vất vả ở Sài Gòn".

Ba má đều là người Quảng Ngãi nên khi ăn gỏi và cháo gà nhất định phải có bánh tráng nướng.
Ba má đều là người Quảng Ngãi nên khi ăn gỏi và cháo gà nhất định phải có bánh tráng nướng.

Vườn rộng hơn hai hecta nên ba nuôi nhiều gà lắm. Ba nuôi nhưng không ăn, ba bảo: "thương tụi nó, tụi nó tin mình, ăn thóc cả trên tay mình, làm thịt sao nỡ". Ba không nỡ làm thịt, không nỡ ăn nhưng khi nào chị Bảy về, nếu ở nhà được cả tháng dịp hè, cứ cách một ngày, ba lại làm thịt gà, nấu cháo cho chị. Nếu thời gian ngắn hơn thì coi như mỗi ngày một con. "Ăn cho có sức khỏe. Ở đó một mình, ăn uống gì đâu".

Ba mẹ đều là người Quảng Ngãi, ăn uống theo kiểu dân dã nhất nên món gà có mặt nhiều nhất trên mâm khi chị Bảy về là gỏi và cháo gà. Gà làm sạch, luộc chín, xé nhỏ. Hành tây xắt mỏng theo hình tròn, ngâm với ít chanh và muối để nhả bớt độ cay. Rau thơm lặt, rửa sạch để ráo. Má có hai loại sốt trộn gà. Một là muối tiêu chanh ớt, hai là nước mắm chanh, ớt, tỏi. Mỗi loại nước sốt của má, sẽ tạo ra một hương vị khác nhau cho món gỏi nhưng đều bắt mắt và thu hút. 

hftd
Bữa ăn sẽ chỉ bắt đầu khi có sự tham gia của bánh tráng nướng.
lk
Trẻ con ít ăn rau nhưng trong món gỏi gà thì ngược lại, rau luôn hết trước thịt.

 Cháo và gỏi gà thanh, ăn sáng cũng được, ăn tối cũng xong nên không chỉ chị Bảy mà mấy đứa em nhỏ cũng rất mê. Và khi nào có hai món ăn này, trên mâm cũng có bánh tráng nướng. Bánh tráng nướng dùng để xúc gỏi gà, khi ăn, thịt gà ta săn chắc, hành tây cay cay, rau thơm thanh nồng, gia vị chua, cay, mặn, ngọt kết hợp thêm độ giòn của bánh tráng, thơm thơm của mè, "cực bắt mồi". Cái lạ là nếu trong các món gỏi khác, phần rau luôn bị đám con "hắt hủi", thì với gỏi gà, phần rau luôn được ưu ái hết trước. Có khi, sau vài đợt gắp, trong đĩa chỉ toàn gà. Những lúc ấy má lại tủm tỉm: "Sao, tăng thêm rau bao nhiêu lần, cái đầu tiên hết vẫn là rau?".

Ngoài gỏi, bánh tráng nướng ăn cùng cháo cũng "hao mồi" không kém. Những hạt cháo mềm, nước cháo thơm ngọt, má bỏ thêm vài cọng rau thơm, ít hành. Cả đám, đứa bẻ bánh tráng ""xúc" cháo, đứa bẻ vụn bánh vào chén, tưới cháo lên, đứa xì xụp húp chén cháo nóng rẩy, thỉnh thoảng ngơi nghỉ với bánh tráng. 

Giờ chị Bảy đã có gia đình riêng. Mỗi năm, đến ngày giỗ ba, chị đều về quê, làm mâm cơm, trong đó nhất định phải có đĩa gỏi, tô cháo ăn cùng cả nhà. Thỉnh thoảng, khi chị nấu cháo hay làm gỏi, tôi thấy ánh mắt chị như đang nhìn về một nơi rất xa. Chắc chị nhớ ba, nhớ người đàn ông dễ nổi nóng nhưng cũng hay cười, người không nỡ ăn thịt gà vì "thương tụi nó", nhưng với con cái thì thương hơn nữa.

Uyên Lâm  

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • nguyễn phương 31-08-2020 05:00:37

    Lần đi Phan Thiết tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy ăn cháo gà có kèm bánh tráng nướng ,tưởng là đặc sản ở Phan Thiết té ra là từ Quảng Ngãi .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI