Nồi cháo dậy mùi húng lủi

10/04/2023 - 18:33

PNO - Cháo chín, ông tới trước mặt bà, kêu bà vào ăn sáng bằng một câu tiếng Nùng: “Kin-chúc, kin-chúc”.

 

Ảnh minh họa: Huỳnh Hằng
Ảnh minh họa: Huỳnh Hằng

Ba trồng một chậu húng lủi ở rìa sân. Được mưa tắm táp, nắng vỗ về, từ cội già đanh đám húng bật mầm, vươn mình lớn bổng, mầm nào mầm nấy xanh non mơn mởn. Thi thoảng ngọn gió tinh nghịch đưa hương húng trườn qua cánh mũi khiến tôi chẳng kìm lòng được mà bước đến bên cạnh chậu húng, ngắt một ngọn để hít hà cho thỏa cái mùi thơm nhè nhẹ, nhấm nháp cái vị cay mát cũng dịu nhẹ đã in hằn thật sâu trong ký ức. Để rồi bùi ngùi nhớ về những ngày xưa…

Ngày ấy tôi còn là đứa trẻ vô lo vô nghĩ, sớm chiều chạy lon ton quanh chân ông bà. Ông bà tôi đã lớn tuổi và hình như càng lớn tuổi thì “phạm vi hoạt động” của ông bà càng thu hẹp lại. Bà chỉ loanh quanh từ nhà ra cổng, còn ông đi xa nhất cũng chỉ đến nhà văn hóa xóm. Nơi chốn yêu thích của ông bà bấy giờ là nhà bếp, là khoảng sân nhỏ và 2 chiếc giường đơn cũ kỹ.

Mỗi sớm, khi trời có nắng, bà sẽ nương theo chiếc gậy gỗ ông đẽo gọt nhẵn nhụi mà từ từ đi ra bờ sân. Chọn một chỗ bằng phẳng sát luống húng lủi ông trồng, bà đặt chiếc ghế gỗ con con rồi ngồi gọn lỏn trên ghế, vừa chăm chú ngắm nghía đám húng lủi vừa khoan khoái tận hưởng những cái ôm ấm áp của nắng sớm. Còn ông thì cặm cụi nhóm bếp lửa hồng, bắc nồi cháo trắng tinh. Cháo chín, ông tới trước mặt bà, kêu bà vào ăn sáng bằng một câu tiếng Nùng: “Kin-chúc, kin-chúc”.

Bà nặng tai nên ngước lên nhìn ông, ý hỏi “ông nói cái gì?”. Ông phải lặp lại câu “kin-chúc” mấy lần thì bà mới gật đầu và đi vào trong bếp.

2 bàn tay nhọ nhem của ông cẩn thận bứt mấy ngọn húng non rồi đem rửa thật sạch. Đôi vợ chồng già ngồi tụm lại bên chiếc bàn ăn “tự chế” bằng cái mâm đặt trên cái xô nhựa. Trên mâm là 2 tô cháo trắng bốc hơi nghi ngút, 1 hũ bột nêm, chén nước mắm, cái âu sành đựng mỡ heo béo ngậy, nắm rau húng lóng lánh nước và 2 cái muỗng.

Ông xúc một chút mỡ và nêm mắm, bột nêm vào tô của bà, không quên hỏi “cháo đã vừa vặn chưa?”. Nếu còn bị mặn hoặc lạt, ông sẽ giúp bà nêm nếm lại. Tô của bà ổn rồi ông mới nêm tới tô của ông. Thành phần và quy trình cũng tương tự vậy, chỉ khác là ông bỏ thêm nắm rau húng cho dậy mùi. Đấy là những ngày tạnh ráo hoặc nắng đẹp.

Còn ngày ướt mưa, trơn trượt, ông sẽ bưng cháo lên tận giường cho bà rồi gọi bà dậy ăn bằng những câu quen thuộc. Đợi bà ăn xong ông sẽ lên lấy tô và đem đi rửa.

Thi thoảng bữa sáng được đổi món sang bánh cuốn, bánh giò, ông vẫn tình nguyện làm “người phục vụ cần mẫn nhất”.

Hồi bé nhìn mãi thành quen, cứ ngỡ những hành động ân cần ấy là lẽ đương nhiên.

Sau này lớn lên, mỗi khi nhớ lại, tôi mới thấy ông thật dịu dàng, tình cảm và tôi thấy thật vui cho bà, vì dù chẳng có cuộc sống giàu sang sung túc nhưng bà đã được sống bình an, hạnh phúc trong tình yêu thương.

Thời gian đã mang ông bà tôi đi về nơi xa lắm và mỗi khi da diết nhớ ông bà, tôi lại bật bếp nấu một nồi cháo trắng. Nồi cháo gạo tẻ sẽ được điểm thêm chút gạo nếp cho dẻo và sánh quyện. Tô cháo nhuyễn nóng hôi hổi hòa trộn cùng mỡ heo béo ngậy thơm phức và bột nêm đậm vị đã hết ý, lại thêm vào rau húng lủi thơm mát thái nhỏ nữa thì quả là ngon tuyệt cú mèo.

Cái vị ngon mộc mạc, đơn sơ ấy chẳng những thỏa mãn khứu giác và vị giác mà còn vỗ về trái tim tôi bằng những ký ức thật ngọt ngào. 

Hồ Điệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI