Địa ngục tăm tối
Carrie Bailee từ nhỏ sống với bố mẹ nuôi ở một thị trấn nhỏ của Canada. Tuổi thơ cô phải chứng kiến cảnh bố bạo hành, giáng những trận đòn thừa sống thiếu chết lên mẹ cô.
Ở nhà, bố là người có quyền làm tất cả những gì ông ấy muốn. Lần đầu tiên ông ta có những hành động man rợ với Carrie là khi cô 4 tuổi. Ông bắt cô cởi hết quần áo, lôi cô vào buồng tắm và dùng bàn chải chà lên vùng kín của con. Những hành vi bất nhân ngày càng tăng thêm, trở thành nỗi ám ảnh và xấu hổ suốt tuổi thơ của cô bé.
|
Carrie Bailee và mẹ nuôi ngày cô còn chưa chịu bạo hành - Ảnh: Illawarra Mercury |
Năm Carrie 7 tuổi, bố mẹ cô ly hôn, cô được tòa xử ở với mẹ. Những tưởng chuỗi ngày ám ảnh sẽ mất đi nhưng không ngờ, những điều kinh khủng nhất bắt đầu từ đây. Cứ mỗi hai tuần, Carrie phải sang thăm và ngủ lại nhà bố. Ông nhân cơ hội này đã dày vò cô đến mức cô chỉ có thể nói đó là những điều khủng khiếp mà không ai có thể tưởng tượng nổi.
Năm Carrie 8 tuổi, bố cô trong một lần lên cơn say đã lôi cô bé vào phòng, hãm hiếp con gái nuôi. Trải nghiệm đau đớn với cô là nỗi nhục không thể nào nói với ai. Cô bé nằm trên chiếc giường bê bết máu, gắng gượng đứng dậy và nhủ thầm với bản thân “Phải sống!”.
Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi vài năm sau đó, người bố nuôi bắt đầu giao con gái cho một vài người đàn ông khác. Thỉnh thoảng lúc nửa đêm, ông ta đánh thức Carrie và tống cô vào xe hơi của người lạ. Hoặc có lúc Carrie bị lôi ra công viên. Ông ta thừa nhận với Carrie có nhận tiền cho những lần cô phải bán dâm chóng vánh qua đêm.
|
Carrie Bailee của hiện tại - Ảnh: Twitter |
Carrie nhớ lại, cô đã cố gồng mình chuẩn bị chịu đau mỗi lần bị hành hạ thể xác. Cô chỉ biết trút vào dòng nhật ký và đổ tất cả tội lỗi cho mình. Cô còn phải chứng kiến bố nuôi lạm dụng cả chú chó cưng của gia đình. Carrie không kể gì với mẹ vì cô biết bà chẳng thể nào làm gì để bảo vệ con mình.
Năm 14 tuổi, Carrie bị bố dí ống kẹp tóc nóng vào ngực. Đây là giọt nước tràn ly buộc cô nói ra sự thật với chuyên viên tâm lý Sheila ở khu vực cô sinh sống.
Sheila báo cảnh sát và báo với mẹ Carrie. Cô bé sau đó được đưa vào trung tâm hỗ trợ tâm lý nhưng sau đó cô bỏ trốn, thậm chí tự tử hụt một lần.
|
Carrie Bailee là người truyền cảm hứng và nghị lực cho những nạn nhân ấu dâm - Ảnh: SMH |
Những ngày sau đó là chuỗi ngày sống nương nhờ ở một trung tâm dành cho trẻ vị thành niên vô gia cư. Rồi Carrie rơi vào tay tên ma cô buôn người Terrence. Cô tiếp tục bị hành hạ cho đến năm 19 tuổi mới thoát khỏi địa ngục cuộc đời nhờ một người bạn giúp cô trốn chạy. Năm 1996, tròn 21 tuổi, Carrie quyết định sang Úc. Carrie không có giấy tờ hợp pháp ở Úc nên đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.
Một nhân viên làm tại trung tâm dành cho người tị nạn biết được quá khứ đau buồn của Carrie nên đã liên hệ, nhờ chính quyền hỗ trợ. Chuyên gia tâm lý Helen Driscoll, một trong những chuyên gia trị liệu tâm lý tốt nhất ở Úc đã bảo lãnh cho cô. Cô được ở lại Úc để quên đi quá khứ.
Sống với sứ mệnh cho đi
Carrie không nghĩ có ngày mình sẽ phơi bày tất cả sự thật ra ánh sáng. Khi ở Úc, cô lần lượt biết tin bố mẹ nuôi đã qua đời. Với Carrie, lúc ấy cô có cảm giác trút nhẹ gánh nặng tâm lý nhưng tận sâu trong tâm hồn cô vẫn còn nỗi đau không nguôi.
Năm 2012, cô vô tình biết được câu chuyện thương tâm nữ nạn nhân Jill Meagher bị hãm hiếp, giết chết ở Melbourne (Úc) và sau đó là vụ cưỡng bức tập thể nạn nhân Jyoti Singh Pandey trên xe buýt ở Ấn Độ. Cô quyết định mình phải biến nỗi đau thành động lực để lan tỏa nghị lực sống và chống lại bóng đen của bạo lực tình dục.
|
Tự truyện “Bay lên với đôi cánh tả tơi” - Ảnh: SMH |
Chuyên gia tâm lý hỗ trợ Carrie khuyên cô không nên quay lại Canada, quê hương nơi cô phải trải qua quá khứ đau buồn vì nó sẽ khiến cô sống lại những chuỗi ngày kinh hoàng. Carrie nhất quyết trở về.
Trong quyển tự truyện “Bay lên với đôi cánh tả tơi” (Flying on Broken Wings) xuất bản năm 2014, cô viết: “Cả thế giới không cần biết tất cả mọi chuyện. Tôi xin lỗi nếu cuộc đời mình khiến mọi người sợ hãi hoặc những câu chữ có thể gây tổn thương tâm lý cho mọi người. Tôi cố gắng chuyển tải thông điệp để mọi người hiểu được thời khắc đứa trẻ bị xâm hại, cuộc sống của đứa trẻ ấy vĩnh viễn thay đổi”.
|
Carrie hiện là đại sứ của dự án Cánh cổng cho nữ giới trẻ ở Mebourne - Ảnh: Stuff |
Quyển tự truyện cũng có phần đề cập đến nguyên nhân bố cô có những hành vi biến thái. Đó là vì thuở nhỏ, ông từng bị một số linh mục xâm phạm tình dục. Carrie từng nghĩ bố cô làm điều tồi tệ với cô vì cô là đứa trẻ đáng ghét nhưng không phải vậy, bố cô căm ghét chính bản thân ông.
Carrie hiện là đại sứ của dự án Cánh cổng cho nữ giới trẻ ở Mebourne. Tổ chức này chuyên tham vấn và hỗ trợ trẻ em gái sống trong hoàn cảnh có nhiều nguy cơ bị xâm hại tình dục. Carrie cho biết mình mang ơn rất nhiều người đã xuất hiện kịp lúc và cô mong mình sẽ là ánh sáng cho những ai cần đến cô.
Carrie đang sống hạnh phúc với tổ ấm nhỏ với cùng hai con đáng yêu. Cô chia sẻ tâm nguyện: “Tôi muốn những nạn nhân ấu dâm, nạn nhân của xâm phạm tình dục liên lạc với tôi. Tôi muốn họ yêu bản thân và hãy ngừng trách mình, ngừng xấu hổ về những chuyện đã qua. Một khi vượt qua được cảm giác mình là nạn nhân, bạn sẽ bừng sáng và biết cách cách sống có ích cho cuộc đời này”.
DI LÂM (Theo Sydney Morning Herald, Stuff)