Nồi cá rô kho băng đồng về thăm ngoại

07/02/2021 - 05:50

PNO - Hai má con băng qua những đám ruộng trơ gốc rạ, đi trên những con đường làng mấp mô. Về ngoại...

Bà ngoại năm ấy đã móm mém răng thưa. Lưu giữ mãi trong ký ức tôi là một khuôn mặt người già rất hiền và rất đẹp. Sau này nhìn thấy những khuôn mặt người già đầy nếp nhăn, cười hiền lành trong những bức ảnh nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia, tôi hay nghĩ sao giống khuôn mặt bà ngoại quá.

Hai từ "giá như" cứ hiện diện, nhắc tôi về nỗi tiếc nuối thường trực rằng "giá như hồi ấy có máy ảnh", có lẽ chị em tôi cũng đã chụp ảnh cho bà ngoại thật nhiều. 

Mà hồi ấy, cơm còn không đủ ăn mơ sao nổi đến chiếc máy chụp hình. 

Đường làng cũ...
Đường làng cũ...

Hồi ấy, bà ngoại sống cùng hai vợ chồng người con út - là cậu tôi, đứa con trai duy nhất trong nhà. Má tôi bảo nhà ngoại còn cậu Ba nữa, nhưng ông đã mất từ khi còn nhỏ. Còn nhà các dì mỗi gia đình một nơi, lâu lâu con cháu mới về thăm ngoại. Má tôi lúc nào có món gì ngon là cũng để dành cho bà ngoại. Hồi đó mỗi lần theo má về ngoại, tôi cứ hay hiềm tỵ trong lòng. Có lần tôi đã nói ra thành lời: "Ước gì con lớn như... bà ngoại, để được ăn ngon".

Đó là lần theo má băng đồng mang cá rô kho tiêu về thăm ngoại - vào một cái tết nào đó trong xa xôi mà tôi cũng không còn nhớ rõ mình chính xác bao nhiêu tuổi.

Cá rô bắt được trong dịp tát ao cuối năm Những chú cá rô mề đây đẫy trứng. Má thắng nước màu vàng sánh, ướp kỹ gia vị, phi hành tỏi thơm lừng, bắt lửa riu riu... Mùi cá kho ngào ngạt bếp quê. Tôi thèm lắm nhưng má nói phần này để dành cho ngoại. Lâu lâu nhà mới có món ngon, biếu ngoại ăn được lúc nào mừng lúc ấy. Nhà má khi ấy cũng nghèo, chẳng mấy khi có của ngon mà mang về cho ngoại. 

"Hồi ấy thấy con thèm mà thương đứt ruột, nhưng con không ăn lần này thì có thể ăn lần khác. Không có cá rô ngon thì cũng có thể là món ăn khác. Còn bà ngoại già rồi..." - mãi sau này khi nhắc chuyện xưa, má tôi mới lý giải lý do vì sao luôn dành phần ngon cho bà ngoại trước.

Năm ấy, tôi tỵ hiềm với ngoại bằng một cảm xúc hồn nhiên của một đứa trẻ. Đâu biết ngoại đã đến tuổi gần đất xa trời.

Ngoài ba mẹ ta, bà ngoại là người yêu thương ta hơn tất thảy
Ngoài ba mẹ ta, bà ngoại là người yêu thương ta hơn tất thảy. Ảnh minh họa

Hồi đó tôi cũng không biết rằng, có được tình yêu thương, kỷ niệm với bà ngoại là điều may mắn cho mọi đứa trẻ trong cuộc đời. Ai đó đã nói rằng, ngoài ba mẹ, còn có một người yêu thương ta hơn tất thảy, đó chính là bà ngoại. Bà ngoại đã "chịu đựng" tất cả mọi trò tinh nghịch, khóc nhè, làm nũng, ương bướng của cô cháu nhỏ. Cũng là bà ngoại sẵn sàng thức đêm thức hôm pha sữa cho cháu, tận tụy dỗ dành, thay tã, tắm táp, bồng bế...

Vòng tay của bà ngoại lúc nào cũng ấm sực mùi của thương yêu. Má tôi bảo hồi còn bé xíu xiu, hễ giận hờn chuyện gì là tôi về "mách" ngoại, nép sau cánh cửa tấm tức chờ cho được bà ngoại dỗ dành. 

"Về ngoại" là một khái niệm hạnh phúc. Khi tôi nhận ra được điều này thì bà ngoại tôi đã về với cõi chân mây. Những năm tháng về sau, kinh tế gia đình ổn định hơn, má tôi đủ điều kiện mua thịt mua cá ngon cho các con ăn, nhưng chẳng còn một lần nào nữa trong cuộc đời tôi được theo má băng đồng mang nồi cá rô kho về cho bà ngoại. Có về, trên tay đã là bánh mứt và hương hoa, con cháu thắp tưởng nhớ ông bà ngoại trên hai ngôi mộ nằm cạnh nhau giữa cánh đồng...

Những ký ức về tuổi thơ trong đời người thường lộng lẫy. Đẹp như khói chiều vương trên chái bếp quê xưa. Từ những gian bếp bình dị ấy, có biết bao món ăn ngon lành được những người bà, người mẹ chắt chiu, gửi gắm cả yêu thương vào món ăn dành cho con, cháu. 

Những cái tết trong lòng thành phố, nhà cũng có đủ đầy những "thịt mỡ dưa hành bánh chưng xanh", không thiếu các loại mứt, quà bánh, cả những món ăn "thị thành" như cà ri, bò kho, lẩu... Thực đơn mỗi ngày phong phú, nhưng có lẽ, không món ăn nào đủ khiến tôi thấy thương nhớ nhiều như món cá kho thưở quê xưa. 

Nhìn Tết nay mà cứ nhớ Tết xưa...
Nhìn tết nay mà cứ nhớ tết xưa...

Cái ngày theo má băng đồng, đi trên những con đường làng mấp mô về ngoại năm ấy, đứa trẻ đã chẳng thể nào biết được rằng hình ảnh ấy, câu nói hiềm tỵ hồn nhiên ấy rồi sẽ mãi trở thành ký ức chẳng thể nào quên. Đứa trẻ ấy sau này đã được ăn tết thêm mấy mươi lần. Mà những cái tết của tuổi trưởng thành sao cứ mãi rưng rức nhớ hương vị tết của một thời - có mùi vị của nồi cá rô kho tiêu thoang thoảng cùng mùi gió trên đồng năm cũ.

Bây giờ, cứ mỗi lần nhìn thấy những đứa trẻ được theo ba mẹ về thăm ông bà nội ngoại, lại thấy bọn trẻ con ấy thật hạnh phúc biết bao. Chắn chắn sẽ không đứa trẻ nào từng về ngoại với nồi cá rô kho như tôi của ngày xưa, nhưng tin rằng mỗi đứa trẻ đều sẽ dành giữ trong ký ức hồn nhiên của chúng những kỷ niệm rất riêng với ông bà - mà có khi phải đến lúc trưởng thành chúng mới hiểu hết chiều sâu của những yêu thương, của những lần "về nội/ ngoại"...

Bùi Tiểu Quyên

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI