Nỗi buồn... vỡ kế hoạch

19/12/2018 - 06:00

PNO - Từ xưa đến nay, người ta cứ mặc định chuyện sinh con đẻ cái là chuyện của đàn bà. Có muôn kiểu đổ tội cho phụ nữ, một trong số đó là đổ tội khi... vỡ kế hoạch.

Chị Nguyên (Cầu Giấy – Hà Nội) có bầu tập hai ngay khi đứa con đầu mới chỉ được 6 tháng. Cả dòng họ bất ngờ, đồng nghiệp, bạn bè chị bất ngờ. Ngay cả chính bản thân chị cũng sững sờ khi cái que thử thai hiện lên hai vạch. Đứa đầu vẫn đang còn bú mẹ, đứa thứ hai thì đang thành hình. Chị rối bời, bản thân không nghĩ mình lại nhạy đến thế. Bởi trong kỉ niệm sinh nhật anh, chỉ một lần không đề phòng mà chị... dính.

Cứ tưởng chuyện dính bầu là điều khiến chị kinh ngạc nhất, thế nhưng thái độ của chồng và nhà chồng còn khiến chị Nguyên sốc hơn cả. Ngay khi chị đưa que thử thai cho chồng thay cho lời thông báo thì anh đã trợn tròn mắt, nói: “Em tính toán kiểu gì mà để vỡ kế hoạch thế này?”. Chị choáng, hôm ấy chị có tính toán gì đâu, vả lại – người chủ động là anh. Thế mà giờ đây anh nói cứ như chị là người sai toàn tập trong chuyện này.

Rồi khi cái tin chị dính bầu đến tai nhà chồng, tất cả mọi người đều xì xào, bàn tán, mắng mỏ. Mẹ chồng trách chị không thương cháu, ăn ở sao mà đến chuyện kế hoạch cũng không thể kiểm soát. Người khác ác miệng thì nói chắc do chị ham muốn cao, mới 6 tháng mà đã để đến mức dính bầu như vậy. Người thì chép miệng, bảo không kiêng khem, phòng ngừa thì ráng mà chịu. Chị ấm ức, chuyện này đâu phải lỗi ở mỗi mình chị.

Noi buon... vo ke hoach
Có bầu ngay khi con trước còn quá nhỏ là điều không hiếm gặp. Ảnh minh họa

Kể từ khi bầu đứa thứ hai, chị Nguyên không chỉ mệt mỏi về tinh thần mà còn mệt cả thể xác. Mới vừa nghỉ thai sản xong, vừa đi làm trở lại thì chị lại phải nghỉ việc luôn. Cũng đúng, chẳng có công ty nào chịu một người “mắn đẻ” như chị. Chỉ riêng chuyện đồng nghiệp bàn tán, cười nhạo đã khiến chị chán chường. Nghỉ việc rồi, chị ở nhà vừa chăm đứa lớn, vừa lo cho đứa bé trong bụng. Thai kì mệt mỏi, cộng thêm con nhỏ mới chỉ 6 tháng quấy khóc suốt ngày khiến chị stress thật sự. Đã vậy, thi thoảng chồng còn trách cứ: “Cũng do em chứ do ai, đàn bà phụ nữ thì phải biết được chuyện mang bầu, sinh đẻ. Anh có phải là em đâu mà kiểm soát được”. Chị quay mặt vào tường, chảy nước mắt.

Rồi nhà chị Nguyên lục đục hơn cả khi chuyện tiền nong ngày càng eo hẹp. Nuôi một đứa con đã khó khăn, vất vả. Nay lại thêm những lần khám thai, siêu âm, xét nghiệm. Cả việc chị không đi làm cũng mất hẳn một khoản tiền không nhỏ. Gánh nặng kinh tế dồn lên vai anh. Vợ chồng cứ thế hậm hực nhau. Anh thì đổ lỗi cho chị, chị thì tủi thân, ấm ức. Tự nhiên đứa con đến với gia đình không còn là niềm vui mà là áp lực. Nhiều lúc nghĩ đến tâm trạng của mình, của con, chị Nguyên chán chường, chỉ muốn vứt bỏ tất cả.

Noi buon... vo ke hoach
Khi vỡ kế hoạch, trách nhiệm không chỉ thuộc về mình phụ nữ. Ảnh minh họa

Có không ít những gia đình mang nỗi buồn bị vỡ kế hoạch. Có nhà dính bầu ngay khi đứa trước còn rất nhỏ, có nhà thì chưa sẵn sàng đón chào thành viên mới... Một số chọn giải pháp bỏ thai, một số chọn giữ lại nhưng cách nào thì cũng có đủ những vấn đề phát sinh.

Điều đáng buồn nhất với nhiều chị em, là chính người thân đã không thông cảm mà chỉ đổ lỗi. Những người chồng, người thân đã lấy lý do chuyện sinh đẻ là của phụ nữ để làm gánh nặng cho họ. Trong khi thực tế, dù là đàn ông hay đàn bà, ai cũng cần có trách nhiệm với thiên chức.

Những nỗi buồn vỡ kế hoạch sẽ vẫn còn đó nếu đàn ông không nhận ra mình cũng chính là một phần trong câu chuyện ngoài ý muốn này. Những nỗi buồn sẽ còn đó nếu cứ để đàn bà một mình gồng lên chịu đựng. Rõ ràng, phải nên phòng tránh thay vì để lỡ, phải tự mình chủ động cho mình khi chưa sẵn sàng. Và nếu có lỡ, hãy vui vẻ cùng nhau đón nhận con cái như một món quà, một điều bất ngờ đến với gia đình. Bởi con đến với cha mẹ là cái duyên, đừng biến trẻ em thành nỗi áp lực tinh thần của chồng vợ, cũng đừng biến thiên chức thành nỗi buồn.

Vũ Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI