Nỗi buồn và nước mắt của người tị nạn Ukraine

07/03/2022 - 08:43

PNO - Chỉ trong mười ngày, hơn 1,4 triệu người đã phải rời khỏi Ukraine để sang các nước châu Âu tị nạn, mở ra sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo lớn nhất trong nhiều thập niên tại lục địa già.

Khi dòng người Ukraine di chuyển trong đói lạnh, đau buồn, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã phản ứng bằng cách nhất trí cấp thị thực tự động, tạm thời có thời hạn một năm (và có thể gia hạn thêm hai năm) cho tất cả người dân Ukraine, giúp họ không phải chờ đợi thủ tục tị nạn. 

“Chúng ta có thể ứng phó”

Tại nhà ga trung tâm của Berlin (Đức), hàng trăm tình nguyện viên phân phát bánh mì, đồ uống nóng, tã lót, đồ chơi, áo khoác ấm và chung tay giúp đỡ hàng ngàn người tị nạn Ukraine đến đây hằng ngày. Nhiều tình nguyện viên như April (20 tuổi) đeo những miếng dán tự làm cho biết họ nói ngôn ngữ nào. Một trong bốn ngôn ngữ mà April thông thạo là tiếng Ukraine - đó là tiếng mẹ đẻ của cô. Cô chọn tên April khi đến Đức từ Ukraine một năm trước, vì người dân địa phương không thể phát âm tên cô trong tiếng Ukraine. April nói rằng cô đã không thể đưa gia đình rời quê hương Dnipro, miền Đông Ukraine và cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng. “Điều ít nhất tôi có thể làm là giúp đỡ mọi người. Đối với tôi, quan trọng là những người tị nạn Ukraine cảm thấy được chào đón ở đây, đặc biệt là trẻ em”, April nói.

Một người phụ nữ trên một đoàn tàu tại sân ga ở Kiev, Ukraine đang nhìn về phía người thân - ẢNH: AP
Một người phụ nữ trên một đoàn tàu tại sân ga ở Kiev, Ukraine đang nhìn về phía người thân - Ảnh: AP

Kati (36 tuổi) - một bà mẹ 4 con đến từ Berlin - cầm một tấm biển nói rằng cô ấy có thể cung cấp một phòng cho gia đình 4 người. Kati chia sẻ: “Hình ảnh những đứa trẻ trong hầm trú bom và hầm trú ẩn làm tôi tan nát cõi lòng. Ông bà của tôi là những người tị nạn trong chiến tranh thế giới thứ hai và tôi chưa bao giờ quên câu chuyện của họ”.

Một tình nguyện viên 29 tuổi tên Georgia cho biết những cảnh này gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015 - 2016, khi hàng trăm ngàn người từ Syria và các nước khác chạy sang Đức. Khi đó, nhiều sáng kiến địa phương được thực hiện, đặc biệt dựa trên phương châm của Thủ tướng Đức lúc bấy giờ là bà Angela Merkel: “Wir schaffen das!” (tạm dịch “Chúng ta có thể ứng phó!”). 

Georgia nói thêm: “Sự hỗn loạn ở đây thực chất được kiểm soát rất tốt. Nơi này là một siêu cơ sở, tất cả được điều phối trên ứng dụng nhắn tin Telegram”. Khi Iman Abdikarim tham gia một nhóm Telegram để giúp đỡ những người tị nạn Ukraine vào đầu tháng Ba, nhóm chỉ có 17 thành viên với những ý tưởng mơ hồ về những gì họ có thể làm. Nhưng chỉ vài ngày sau, Iman đã bận rộn hướng dẫn một đám đông hỗn loạn bên trong nhà ga chính của Berlin. Các nhóm Telegram hiện có đến gần 8.000 tình nguyện viên và là trung tâm trong các nỗ lực cung cấp chỗ ở, thực phẩm và quần áo tạm thời cho người tị nạn.

Người tị nạn Ukraine xuống tàu tại ga xe lửa chính của Berlin. (Ảnh: AP)
Người tị nạn Ukraine xuống tàu tại ga xe lửa chính của Berlin. (Ảnh: AP)

“Chúng tôi không có gì cả!”

Đối với cậu bé Bogdan 7 tuổi, lần đầu tiên đi tàu hỏa đáng lẽ phải là một trải nghiệm đầy phấn khích và ngạc nhiên. Thay vào đó, cậu bé phải chạy trốn cùng mẹ chỉ với vài bộ quần áo trên lưng họ. Valerya Totskaya (27 tuổi) và Bogdan đã lên chuyến tàu sơ tán hôm 1/3 từ quê nhà, với giấy tờ, một số thực phẩm, đồ lót và những thứ họ đang mặc - đó là tình cảnh chung của vô số gia đình phải tìm kiếm đường ra khỏi Ukraine. 

Valerya cho biết: “Có một dòng sông người. Trên tàu rất nóng. Một số người cố nhốt mình trong các khoang riêng, nhưng người soát vé nói mọi người phải ngồi 4 người trên mỗi giường, vì vậy mỗi khoang có 16 người. Một số ngủ trên hành lý của họ dọc lối đi. Tất nhiên mọi thứ rất kinh khủng”. Hai mẹ con Valerya đã đi tổng cộng khoảng 1.200km, đầu tiên bằng đường sắt đến Lviv từ Zaporizhzhia. Sau đó, họ đi xe buýt đến Uzhhorod, nơi một người hỗ trợ dùng xe tải nhỏ đưa họ đến biên giới, và cũng là nơi Bogdan bị cảm lạnh, gia đình đã không ngủ trong hai ngày. Valerya kể: “Con trai tôi đã khóc đòi về nhà. Nhưng tôi chỉ có thể nói rằng điều đó là không thể…”.

Hầu hết những người tị nạn là phụ nữ và trẻ em, những người đã phải bỏ chồng, cha, anh em và con trai của họ ở lại. Lena Nesterova nhớ lại khoảnh khắc mà số phận của cô đã thay đổi: 5g34 sáng 24/2, khi những vụ nổ đầu tiên vang lên ở thủ đô Kiev. Cô cho biết thêm, trong sự sợ hãi, cô đã dắt con gái, thú cưng, mang theo các giấy tờ cần thiết và rời khỏi nhà chỉ với bộ quần áo trên lưng. “Chúng tôi đã bỏ lại mọi thứ. Chúng tôi không có quần áo, không có gì. Và chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó”, Nesterova nói.

Một phụ nữ khác, Iryna Bogavchuk bắt đầu hành trình đến Romania từ Chernivtsi, băng qua dãy núi Carpathian ở miền Nam Ukraine. Thay vì đồ đạc, thứ có thể khiến cô ấy chậm lại, Bogavchuk mang theo chiếc máy ảnh Polaroids để ghi lại ký ức này. Bên trong túi của cô là những khoảnh khắc hạnh phúc hơn: ảnh kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười của con gái và một bức ảnh với chồng của cô, người phải ở lại Ukraine. Từng lời tan thành nước mắt, cô bộc bạch: “Tôi rất nhớ anh ấy”. 

Ngọc Hạ (theo Guardian, ABC, Reuters, NPR, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI