Nỗi buồn sau ngày giỗ Tổ sân khấu

30/09/2020 - 16:59

PNO - Cuộc "đấu tố", miệt thị một nghệ sĩ đàn anh trong nghề được "khởi xướng" ngay trong ngày giỗ Tổ khiến những ai yêu mến sân khấu đều chạnh buồn.

Ngày giỗ Tổ sân khấu trong tình hình sân khấu đang gặp muôn vàn khó khăn hẳn sẽ đẹp hơn, ý nghĩa hơn trong mắt công chúng, nếu không có một cuộc đấu tố, miệt thị một nghệ sĩ đàn anh trong nghề được "khởi xướng" trên trang cá nhân của một nhân vật cũng khá nổi tiếng ở sân khấu.

Sự việc bắt đầu từ cuộc tranh luận để bảo vệ thí sinh giữa huấn luyện viên và giám khảo một cuộc thi được phát trên sóng truyền hình đêm trước ngày giỗ Tổ. Tên một nghệ sĩ nổi tiếng được huấn luyện viên đưa ra chứng minh cho lập luận của mình. Trên dòng tranh luận đó, vị giám khảo thuộc "thế hệ vàng" đã có ý phản biện để bảo vệ quan điểm.

Tranh luận này dấy lên những ý trái chiều. Nhưng với nhiều khán giả xem trực tiếp chương trình. Cách bảo vệ quan điểm của vị giám khảo kia không sai, nếu đặt trong bối cảnh của cuộc thi. Tiếc rằng, câu chuyện này đã được bóc tách ra, để trở thành đề tài trên mạng xã hội. Đáng buồn hơn khi câu chuyện được “phân tích” trên trang cá nhân của một người cũng làm sân khấu, biến nơi đây thành một diễn đàn công khai chỉ trích thậm chí lăng mạ vị giám khảo.

Kính trên nhường dưới, tương thân tương ái là một trong những lời dạy của Tổ nghiệp để lại cho những người làm sân khấu
Kính trên nhường dưới, tương thân tương ái là một trong những lời dạy của Tổ nghiệp để lại cho những người làm sân khấu

Không dừng lại ở đó, bài trả lời phỏng vấn của vị giám khảo trên một tờ báo về sự việc gây xôn xao cũng được dẫn về trang cá nhân để tiếp tục phân tích, phán xét.

Ở bài viết này, xin miễn bàn về sự đúng sai của câu chuyện đang được tranh luận, mà chỉ nhìn về cách những người làm nghệ thuật đang ứng xử với nhau và với mạng xã hội.

Nhiều người đặt câu hỏi, “chủ face” kia nếu không đồng tình với phát biểu của vị giám khảo, sao không đối thoại trực tiếp mà bày biện lên trang cá nhân của mình, rồi mặc kệ những lời bình phẩm, trong đó có cả những bình phẩm mang tính hạ thấp danh dự của một đồng nghiệp thuộc bậc đàn anh trong nghề?

Chưa kể, nghệ sĩ này trong suốt cuộc đời làm nghề vẫn được nhiều thế hệ nghệ sĩ và công chúng yêu mến vì tài năng và bản tính hiền lành, ít va chạm, không nhiều tai tiếng. Một hình ảnh như vậy, lẽ ra phải được chính những người làm nghề trân quý, giữ gìn và xem là niềm tự hào khi nghệ sĩ vốn vẫn hay bị dư luận nhìn bằng ánh mắt khắt khe. Lạ thay, một chi tiết trong tổng thể lại được đặt ra chốn công cộng để mọi người bình luận và tự do phán xét. 

Cả người chỉ trích và bị chỉ trích đều là người của sân khấu cải lương và đều có vị trí nhất định ở vai trò của mình, không thể nói họ xa lạ với nhau để không thể trao đổi trực diện về những bất đồng trong điểm.

Trước ngày giỗ Tổ sân khấu, những gì công chúng được đọc trên các phương tiện truyền thông luôn là chia sẻ của các nghệ sĩ về những bài học về đạo đức của nghệ sĩ trong nghề nghiệp và trong cuộc sống; tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của những người nghệ sĩ; là sự tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới và phải luôn biết giữ gìn hình ảnh của mình trước công chúng. Nhưng ngay trong ngày giỗ Tổ, họ đã được nghe, được thấy những điều ngược lại.

Việc giới showbiz lôi nhau lên trang cá nhân để “đám đông" hoặc fan ném đá, xỉ vả không mới. Trong đời sống showbiz, tận dụng mạng xã hội để gây chú ý, tạo scandal, hạ bệ lẫn nhau… không phải là điều gì quá xa lạ. Công chúng tỉnh táo chỉ lướt qua và xem đó như những trò lố của những diễn viên trẻ kém tài, nhiều tật.

Nhưng khi việc dùng mạng xã hội để hạ danh dự của người khác diễn ra trên trang cá nhân của những người ít nhiều đã có "tên" lẫn có "tuổi" thì lại là chuyện khác. Nó khiến công chúng “sốc” và có cái nhìn lệch lạc về đời sống của nghệ sĩ, vốn đã phải chịu rất nhiều điều tiếng từ dư luận.

Cách đây chưa lâu, mạng xã hội cũng từng dậy sóng với “chiến dịch” hạ danh dự một nữ nghệ sĩ nổi tiếng của một đạo diễn cũng nổi tiếng không kém. Và cũng như lần này, nữ nghệ sĩ  bị xúc phạm không hề lên tiếng, mặc cho người “gây chiến” thu hút mọi “nguồn lực” để tấn công trên mạng xã hội.

Người hâm mộ hoa mắt, hoang mang với cuộc chiến từ một phía. Công chúng chẳng đủ thời gian để theo dõi từ A-Z để phân biệt rốt ráo người đúng kẻ sai, mà chỉ cảm thấy ngán ngẩm với những người luôn tuyên truyền điều hay, lẽ phải, những điều tốt đẹp trên sân khấu, nhưng lại phơi bày những điều ngược lại trong tính cách, lối ứng xử.

Những nghệ sĩ lớn tuổi, thuộc bậc cha chú, dày dạn trải nghiệm còn dùng mạng xã hội để tấn công thế hệ đi trước mình, thì họ dạy gì cho lớp trẻ đi sau? Có lẽ đã đến lúc những người làm văn hóa nên xem lại văn hóa dùng mạng xã hội của mình. Những người làm nghệ thuật, với trọng trách mang lại cái hay, cái đẹp cho cuộc sống bằng những tác phẩm nghệ thuật, trước hết hãy cố gắng xây dựng trang cá nhân của mình thành nơi truyền đi những thông điệp tích cực cho xã hội, thay cho những cuộc phán xét, hạ bệ đồng nghiệp, những thị phi trong nghề... Những câu chuyện vốn chỉ nên để ở "hậu trường". 

Phúc Minh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(7)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI