Nỗi buồn rồi sẽ qua

12/01/2020 - 09:53

PNO - Hết ngày này đến ngày kia, hết đông rồi tết. Làm sao bây giờ, mà bày đặt ngán với không!

Điện thoại nhấp nháy nửa đêm về sáng, dòng tin nhắn của người bạn gái: “Sắp tết rồi cậu há. Thèm ăn tết ở quê nhà như hồi nhỏ quá!”. Chợt nhớ mới sáng nay, bạn bè họp mặt vừa nói với nhau về việc ai nấy cũng “ngán” tết, lòng dội lên biết bao suy nghĩ.

Không biết khi nào mình ngán tết nhỉ? Ừ, có lẽ khi mình rời khỏi ngôi nhà ấu thơ, đi về một nơi xa lạ không có một chút gì trong ký ức. Hay có lẽ khi bàn tay yếu ớt quen nắm tay cha mẹ bắt đầu gồng gánh chăm chút cho một mái nhà riêng? Có cái gì tựa như tình yêu trên đời vậy nhỉ? Khi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, với từng ấy trách nhiệm cần vun vén là cảm giác cứ ngộp thở, nặng nề và ngán ngẩm đến nỗi phải thốt lên: giá như mình cứ mãi yêu thôi. 

Lẽ nào ta có thể đứng lại trước thời gian? Thảng thốt nghĩ, ký ức đẹp, lẽ nào hiện tại không thể đẹp?

Ừ, thì những cái tết ngày xa xưa đẹp vì ta cứ xúng xính mang ra mang vào vuốt ve không biết chán mấy bộ quần áo mới. Ta lấp ló háo hức ngóng trên bàn trà ở nhà trên. Nghe tiếng gọi ra mừng tuổi, nhận những tờ tiền lì xì mới cứng còn thơm mùi giấy là miệng cứ toe toét cả ngày. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Những ngày tết ta được ăn cơ man nào là những món ngày thường không bao giờ thấy. Những cái tết ta thoải mái chơi, không một tiếng rầy la. Những cái tết cả nhà ai nấy cũng rạng rỡ với mong mỏi cả năm hanh thông thuận lợi. 

Rồi thì ta lớn. 

Những cái tết cũng theo ta mang màu sắc khác. Màu của trách nhiệm, của âu lo. Của những ngày đường sá bỗng nhiên hối hả ngổn ngang hơn ngày thường vốn đã lắm ngổn ngang hối hả. Của những ngày moi móc từng góc tủ, từng cái ly, cái chén, cái nồi, cả năm nằm im lìm đâu đó, mệt nhoài thở thôi đã nhọc nhằn. Của những đêm lòe xòe đếm đi đếm lại số tiền ít ỏi, toan tính biếu cha mẹ hai bên, quần áo mới cho con, lì xì, quà tặng…

Ngần ấy nỗi bận bịu, có khi nào là hạnh phúc không? 

Lẽ nào chúng ta như một kẻ giàu có, cứ phung phí tiền bạc, để khi khánh kiệt rồi ngồi nhặt nhạnh từng xu, mơ về một thời quá vãng? Lẽ nào khi ta đã đi đâu đó xa hẳn, ở cái nơi không hề có khái niệm về nén nhang nghi ngút cong queo trên bàn thờ gia tiên, mâm ngũ quả đêm giao thừa lại nghe nhoi nhói nơi thềm ngực trái một nỗi thiết tha muốn trở về? Lẽ nào đợi khi mắt ta đã mỏi chân đã nhừ, con có đời của con, cháu có cuộc sống của cháu, thèm nấu nồi cơm to to, làm thêm vài món ăn, miệng liên tục càm ràm sao cái áo để chỗ này, đôi dép lại để chỗ kia, cũng không còn cơ hội nữa, lúc đó lại đau đáu nhớ về những cái tết bận rộn?

Mới đầu tháng Chạp, đã thấy mẹ lăm lăm cây chổi lông gà và chiếc khăn mềm tẩn mẩn trên phòng thờ, ngày hai, ba lượt. Bạn ngồi bên đây nhìn khuôn mặt rạng rỡ của mẹ, không nén được câu hỏi: “Mẹ, bao nhiêu năm, tết nào cũng cứ lau chùi, từng ấy thứ lu bu, mẹ có thấy ngán không?”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mắt không rời khỏi những vòng tròn hoa văn đều đặn xếp ngay ngắn thành một đường thẳng dưới chân chiếc tủ thờ bóng loáng theo thời gian, mẹ trả lời không nhìn bạn: “Ngán gì đâu con, thì hết ngày này đến ngày kia, hết đông rồi tết. Làm sao bây giờ, mà bày đặt ngán với không?”.

Bạn giật mình. Cả ngày mấy từ “làm sao bây giờ” của mẹ cứ chập chờn trong đầu. Ừ, làm sao bây giờ nhỉ? Thời gian vẫn là 24 giờ một ngày, một năm vẫn là 12 tháng. Hết nắng rồi mưa, hết đông sang xuân, con người ai cũng hết nhỏ rồi lớn, hết vui rồi buồn… Làm sao cưỡng lại? Có cái gì là lạ, có cái gì là ngán đâu? Vậy ngán ở chỗ nào nhỉ? Do chính những suy nghĩ của mình mà ra hết phải không? Bạn lẩn thẩn nghĩ, hóa ra biết bao cơ sự trên đời cũng chỉ đơn giản có vậy, nó như thế nào là do mình mà thôi.

Mình làm sao biết được người ta sẽ đối với mình ra sao? Mình tốt với người ta. Mình tận tâm hết lòng hết dạ với người ta. Mình yêu thương người ta, chú trọng cảm xúc của người ta, chăm sóc người ta. Có ai nói rằng người ta rồi cũng sẽ đối lại y như vậy với mình? 

Ai học được chữ ngờ, nhất là ngờ trước lòng người trong tình yêu, trong hôn nhân? Và cho dù mọi sự có đổi thay đi chăng nữa thì có gì vượt khỏi cái quy luật đến và đi trong đời đâu? Mọi sự cứ an nhiên “bày đặt ngán với không ngán”. Thương làm sao cách nói của mẹ, cũng như của chị bạn, những người đi qua bão giông.

Bạn còn nhớ mình thấp thỏm ở sân bay hàng giờ liền ngóng chuyến bay của chị. Chị em ruột rà mà hơn cả ngàn ngày rồi không gặp. Chỉ có những ánh mắt, cử chỉ, giọng nói bằng xương bằng thịt mới may ra thể hiện đúng nỗi lòng con người, qua màn hình điện thoại hay máy tính làm sao mà thấu hết? Nên biết bao háo hức và cả những ngổn ngang lo lắng rối bời cứ bám lấy bạn cơ chừng muốn ngạt thở, khi nghe chị vừa ly hôn, về Việt Nam đón tết.

Bạn tự hỏi mình, chị trông sẽ ra sao? Chắc sẽ buồn lắm, có thể sẽ gầy rộc xanh xao, mắt trũng sâu sau nhiều đêm mất ngủ. Cuộc hôn nhân dài hơn hai mươi năm, đã vượt thói quen có nhau thường tình, thành một phần máu thịt rồi. Đâu phải như một cái nhà cũ, một cái xe cũ muốn là bỏ đi như chưa từng tồn tại? 

Rồi ở tuổi ngấp nghé 50, một sự khởi đầu có lẽ chưa muộn nhưng liệu người ta có thể còn muốn bắt đầu khi những tổn thương đã quá nhiều, quá sâu? Đàn bà mà nói, những vết thương trong trái tim của họ vĩnh viễn không bao giờ liền sẹo, chỉ là lãng quên để bước tiếp và sẽ nhức nhối bất cứ lúc nào khi trái gió trở trời, phải không? Bạn miên man nghĩ như vậy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Và bạn mường tượng trong đầu trước những câu để an ủi động viên chị mình như đã từng làm thế với bạn bè. Bạn chuẩn bị sẵn đôi tay để có thể ôm chị thật chặt thật ấm. Bạn hứa mình sẽ không mau nước mắt như bình thường để chị được vui… 

Thế nhưng, sau gần 24 tiếng bay, chị vẫn rạng rỡ từ nụ cười đến ánh mắt. Bạn chưa kịp cười chị đã cười toe như ngày còn nhảy dây, chơi lò cò. Bạn chưa kịp ôm chị đã ôm ghì chặt đến ngạt thở… Ngồi cùng nhau trong quán, chị múc từng muỗng sinh tố, thật từ tốn nhẹ nhàng, cho vào miệng cũng nhẹ nhàng từ tốn: “Chị sẽ dành một tháng đi khắp Việt Nam”. 

Nỗi ngỡ ngàng trào ra trong mắt bạn không che giấu được, khiến chị cười giòn giã. Chị vỗ vỗ nhẹ lên bàn tay để trên bàn của bạn như dỗ dành trẻ con: “Gì vậy cô! Chị ổn. Chị còn trẻ. Chị sẽ làm tiếp những điều chị muốn làm mà bấy lâu chưa có dịp. Anh Hai và chị hết yêu thương nhau thôi mà. Cái gì phải đến là sẽ đến và đón nhận thôi em. Này này, hãy xem tình yêu là một miếng trên chiếc bánh ga tô đi em gái. Chị còn 2/3 cái bánh mà cô. Chị ổn. Bày đặt đi!”.

Không dưng bạn nhớ đến những đêm thức trắng, những ngày chân vẫn bước đi mà chênh vênh chao đảo không buồn làm gì dù là uống một ngụm nước; những mặc kệ tất cả chỉ muốn nằm im cho cơ thể rã ra của mình lúc cuộc tình nhiều năm tan vỡ. Không dưng bạn nhớ đến cơn hờn ghen như cái vòi bạch tuộc, quấn lấy cô đồng nghiệp biến cô thành một kẻ mất hết lý trí, suýt tý nữa là phạm tội mà sững sờ. 

Ừ, “bày đặt đi!”. Có ai, có cái gì trên đời này là cả cái bánh ga tô đâu? Có người nào có thể làm tổn thương mình, nhấn chìm mình đâu nếu mình không cho phép? Tổn thương là có thật, mất mát là có thật, như những gì đang đi qua và sẽ đến với mình mỗi ngày là có thật. 

Vậy cứ an nhiên mà sống. Đông về mặc thêm áo ấm. Tết đến mở cửa đón xuân. Niềm vui sẽ đến và nỗi buồn sẽ qua thôi! 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI