Nỗi buồn phòng khách

23/05/2016 - 18:30

PNO - Giao tiếp bằng công nghệ có thể là một xu hướng tích cực của xã hội nói chung. Nhưng, trong gia đình, thông tin chỉ là những cái cớ lạnh lùng...

1. Ở căn phòng phía bên này ban công, tôi gõ vào khung chat trên facebook: “Vặn nhỏ nhạc xuống”. Từ phòng bên kia, tiếng nhạc nhỏ dần, rồi mất hút. Bước qua dòm vào ô cửa sổ, thấy đứa em trai đeo tai nghe vào, mắt lim dim. Mấy câu bâng quơ định nói với nó, tôi lại “cất” đi. Tôi quay về phòng, gõ những lời đó vào khung chat cho... êm chuyện.

Tôi về nhà sau 8g tối, cửa phòng em trai đã khép. Cần gửi em tưới giùm mấy chậu cây trong lúc mình vắng nhà bởi chuyến công tác vào sáng sớm hôm sau, tôi gõ cửa. Một, hai lần, cửa không mở. Tôi quay lại sau năm phút, gõ cửa. Cửa đóng im ỉm. Thấy đèn vẫn sáng, tin chắc thằng em đang trong phòng, và vẫn còn thức, tôi tiếp tục gọi nó bằng... điện thoại. Tiếng đứa em lập tức vang lên từ trong phòng, và trong điện thoại: “Gì vậy chế?”, “Ờ tại em đeo phôn, mà sao chế không nhắn em cho rồi, còn gõ cửa làm chi rồi lại xoắn lên!”, “Dạ, chuyện nhỏ! Chào thân ái và quyết thắng!”. Cơn liến thoắng của nó vừa dứt, tôi gào lên: “Mày có mở cửa cho chị dòm mặt một cái không?”. Cánh cửa mở toang. Nó ló đầu ra, cười hề hề. Tôi trề môi, nguýt một cái thiệt dài, rồi về phòng.

Noi buon phong khach
Ảnh minh họa

Nhà trên thành phố chỉ có hai chị em. Tôi đi làm, thằng nhỏ đi học. Bốn năm học trên thành phố là bốn năm nó rời ba mẹ để bước vào vòng tay tôi. Có được công việc tốt, tôi lo liệu mọi chi phí của em trai. Mỗi học kỳ em học mấy tín chỉ, mỗi tháng em có phát sinh gì trong chi tiêu, ba mẹ đều phải hỏi thăm qua tôi. Nhưng mỗi ngày thông tin tôi có thể cung cấp cho ba mẹ một nghèo nàn. Ngoài những lần hiếm hoi chạm mặt nhau bên... cái tủ lạnh khi cả hai cùng ra kiếm đồ ăn khuya, tôi hầu như không gặp thằng em trai. Lúc tôi thức dậy, nó đã đến trường. Tôi về nhà, dù sớm hay muộn, nó cũng đã an vị trong phòng, cắm mặt vào máy tính, học hành, chát chít. Tôi cũng ăn vội bữa tối rồi về phòng sau một ngày mệt nhoài.

Ngày hôm sau, hôm sau nữa, cũng vậy. Cuối tuần, hai chị em lại có bao cuộc vui bên ngoài. Rồi ai cũng trở về nhà khi đã quá mệt, chẳng còn năng lượng để chuyện trò nữa. Những lúc đi làm quên mang chìa khóa mà điện thoại lại hết pin, trở về nhà, tôi chắc chắn phải... ngồi hóng ngoài cửa, cứ dăm phút lại bấm chuông hú họa xem có may mắn gặp lúc cu cậu tháo tai nghe ra mà nghe thấy tiếng chuông cửa.

Trong cuộc “đoàn tụ” sau những lần như thế, thằng nhỏ lại trách: “Sao chế không gọi điện?”. Và nếu để điện thoại hết pin, thì tôi đương nhiên là có lỗi trong cuộc đối thoại bất thành vừa qua. Bằng cách ấy, chiếc điện thoại đã trở thành phương tiện giao tiếp duy nhất trong căn hộ bé nhỏ của chúng tôi. Có thể nói, thực tại giao tiếp của chị em tôi là một “mô hình giao tiếp gia đình” tương lai, khi các thành viên đều trưởng thành trong thời đại công nghệ - điện thoại, internet. Thế còn, trong hiện tại, khi những “thần dân công nghệ” chỉ chiếm hơn nửa gia đình, còn thế hệ ông bà, cha mẹ vẫn trung thành với kiểu giao tiếp cũ, thì sao?

2. Về quê trong đợt nghỉ lễ dài ngày, Phương Linh - bạn tôi bàng hoàng nhận ra những khoảng không chới với mình đã vô tình tạo ra trong lòng mẹ. Trong một lần cùng ngồi xem ti vi, mẹ cô - một phụ nữ đã ngoài 60 rón rén lấy cái điện thoại trong túi, đưa cho con gái: “Con coi xóa giúp mẹ chức năng nhắn tin trong điện thoại đi”.

Trong lúc con gái còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì mẹ nhìn đi chỗ khác, nói giọng vừa như phân trần, vừa như trách móc: “Biết vậy mẹ chẳng học nhắn tin làm gì. Bây ở tuốt trển, ngày xưa, mỗi tuần mẹ còn được nghe giọng bây hai lần, từ hồi bây bày mẹ nhắn tin, có gì cần bây cứ nhắn qua quýt, cả tháng mới gọi về một lần. Còn con Út, mỗi lần đi ra ngoài không thèm kiếm mẹ mà chào, cứ nhắn tin báo cáo, rồi đi mất. Thôi mẹ không cần nhắn nhe gì đâu, lạc hậu chút cũng được!”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI