Cuộc hôn nhân của hai người tâm thần
Câu chuyện lạ lùng này xảy ra trong gia đình ông ông Phan Văn Đực (SN 1935, trú tại ấp Long An, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).
Khi PV tìm tới, ông Đực đang ngồi thẫn thờ ở cửa và chẳng nói được câu gì. Tất cả câu chuyện của gia đình ông được những người anh em của ông chia sẻ với chúng tôi. Theo đó cha mẹ ông Đực sinh được 8 người con, ông Đực là con thứ 5 trong gia đình. Trong số 8 anh chị em thì 7 anh chị em khác đều rất bình thường, duy chỉ có ông Đực ngay từ khi sinh ra đã có vấn đề về thần kinh. Do ngày đó đang trong thời kỳ Pháp thuộc nên gia đình cũng không có điều kiện đưa ông Đực đi chữa trị.
|
Ông Đực ngồi thân thờ ở cửa |
Thời gian đầu, bệnh tình của ông Đực còn nhẹ. Nhưng rồi, khi ngoài 20 tuổi, trong một lần ông Đực lang thang ngoài đường với bộ quần áo bà ba và cái khăn rằn trên đầu, ông bị mấy tên lính Tây đánh cho một trận thừa sống thiếu chết vì chúng tưởng ông là Việt Cộng. Sau lần đó bệnh tình của ông Đực thêm nặng hơn.
Đến tuổi trưởng thành, hàng ngày cha mẹ giao cho ông Đực hai con bò để ông dắt đi quanh làng cho chúng ăn và cũng để ông đỡ mụ mị đầu óc thêm. Trong một lần đi chăn bò, ông Đực tình cờ quen một người phụ nữ cũng mắc bệnh như ông cũng đi chăn bò cùng. Người phụ nữ đó là bà Phạm Thị Tao (người xã bên).
Bà Tao cũng người mắc bệnh từ nhỏ. Lợi dụng việc bà ngu ngơ không biết gì nên đã bị kẻ xấu hãm hiếp. Khi gặp ông Đực bà Tao đã đang mang trong bụng cái thai của kẻ đồi bại kia. Tuy nhiên ông Đực vẫn thương bà Tao và dẫn về nhà xin cha mẹ được cưới bà Tao làm vợ. Khi đó cha mẹ ông Đực đã đồng ý ngay và chấp nhận cả đứa con trong bụng bà Tao dù đó không phải là con ông Đực. Sau đó ông Đực được cha mẹ mang lễ vật sang nhà bà Tao hỏi cưới bà Tao cho ông và được cha mẹ bà Tao tán thành.
Ông Phan Văn Sông (SN 1942, em trai ông Đực), cho biết: “Ngày đó cha mẹ tôi đồng ý cho ông Đực lấy bà Tao bởi vì họ hy vọng rằng hai người sẽ sinh ra được những đứa con lành lặn, tinh khôn. Nếu được như vậy thì sau này lỡ ông bà cụ có qua đời thì cũng yên tâm vì anh trai tôi đã có các con chăm sóc”.
|
Bà Tắc chia sẻ với PV về câu chuyện của gia đình anh chồng |
10 đứa con cùng mắc bệnh tâm thần
Sau khi ông Đực cưới được bà Tao, hai người sống với nhau khá hạnh phúc, đồng thời, bệnh tình của họ cũng có phần thuyên giảm. Tuy nhiên, cha mẹ ông Đực đã không ngờ được rằng, kết quả của cuộc hôn nhân giữa hai người tâm thần là tất cả những đứa trẻ sinh ra cũng đều mắc bệnh giống bố mẹ.
Riêng đứa con của bà Tao mang trong mình lúc cưới ông Đực cũng bị bệnh di truyền từ mẹ nên đã qua đời chỉ ít lâu sau khi chào đời.
Tiếp đó, hai vợ chồng ông Đực sinh thêm 9 đứa con nữa. Nhưng tất cả những đứa con của ông bà đều mắc như bố mẹ chúng, do di truyền. Trong số 9 người con này thì 5 người đã mất sau khi chào đời được một thời gian ngắn. Còn lại 4 người sống sót cho tới ngày hôm nay.
|
Ông Phan Văn Sông chia sẻ với PV |
Cách đây gần chục năm, bà Tao qua đời, ông Đực thì vừa mắc bệnh tâm thần lại già yếu nên được vợ chồng bà Lê Thị Tắc (SN 1948, em dâu thứ 9 của ông Đực) đón về chăm sóc tại nhà mình, cách đó một đoạn. Còn 4 người con của ông Đực, dù đều bị bệnh tâm thần nhưng thể lực vẫn khỏe, vẫn có thể lao động được nên họ tự kiếm sống nuôi nhau.
Trong đó, người con trai lớn của ông Đực tên là Phan Văn Phi (SN 1969) ngoài bị mắc bệnh tâm thần còn bị mờ mắt. Anh này cũng may mắn cưới được vợ nhưng hoàn cảnh của vợ anh cũng không khác bố mẹ anh là mấy. Vợ anh là chị Vũ Thị Đào (SN 1969), do thần kinh cũng không được bình thường nên bị người ta hãm hại đến có thai. Biết vậy nhưng gia đình vẫn tác hợp cho anh Phi và xây dựng cho hai người một căn nhà riêng. May mắn hơn cha là những người con của anh Phi sau khi sinh ra đều được khỏe mạnh bình thường.
Một người con gái của ông Đực tên Phan Thị Náo (SN 1965) nhiều năm nay được một gia đình ở xã bên thuê làm người giúp việc. Hàng ngày chị Náo phụ giúp gia đình họ dọn chuồng lợn, quét dọn nhà cửa và được người ta cho ăn ở chứ không trả lương.
|
Căn nhà của hai người con ông Đực đang sinh sống |
Hai người con còn lại của ông Đực là Phan Thị Nương (SN 1965) và Phan Văn Mừng (SN 1978) sống cùng nhau trong căn nhà cấp 4 do vợ chồng ông Đực để lại. Hàng ngày hai chị em này đi làm thuê làm mướn. Ai thuê gì thì họ làm đó nhưng chủ yếu là những công việc đơn giản như nhổ cỏ, hái trái cây… Ai trả công bao nhiêu thì trả chứ hai người không biết đòi hỏi và cũng không biết đếm tiền.
Họ tiêu tiền dựa vào việc phân biệt mầu sắc của tờ tiền, rằng đồng mầu xanh thì có mệnh giá lớn hơn đồng mầu đỏ. Do người dân địa phương thương tình nên thường gọi hai chị em Mừng đi làm và họ cũng không ai ăn chặn của người tâm thần như thế nên hai chị em này cũng có thể tự kiếm được tiền để nuôi thân. Ngoài ra, 5 cha con ông Đực còn sống dựa vào số tiền trợ cấp của Nhà nước cho đối tượng bị bệnh tâm thần. Mỗi quý bà Tắc lại cầm sổ đi lĩnh giúp cha con ông Đực một lần và được bà cần giữ dùm.
Nói thêm về người con trai út của ông Đực, người thân của gia đình này cho biết, cách đây khoảng hơn chục năm, gia đình đã gán ghép cho Mừng một cô vợ. Người vợ của Mừng cũng mắc bệnh tâm thần nhưng khá hơn anh ta một chút là còn biết mặt đồng tiền. Gia đình cố gán ghép cho họ sống với nhau cũng với mong muốn hai người có thể sinh được những đứa con khỏe mạnh để sau này chúng sẽ phụng dưỡng vợ chồng này khi về già.
Bà Tắc chia sẻ: “Do Mừng và vợ cùng bệnh tật nên gia đình chỉ làm cái lễ đơn giản để thông báo với họ hàng chứ không tổ chức linh đình gì và cũng không cho hai người đi đăng ký kết hôn. Đêm tân hôn, gia đình đẩy Mừng vào buồng với vợ sau đó mọi người ở ngoài rình xem nó và vợ có làm chuyện “chăn gối” được với nhau không nhưng một lúc nó đã đi ra và không “làm ăn” được gì.
Khi mọi người hỏi tại sao không vào ngủ với vợ thì thằng Mừng bảo rằng sợ bị nhột nên chẳng dám động vào người vợ. Có lẽ cũng vì thằng Mừng không biết “làm đàn ông” nên vợ nó chỉ sống với nó được hơn 2 tháng thì chán nản rồi bỏ đi luôn. Từ đó đến nay Mừng sống một mình. Dù Mừng bị bệnh tâm thần nhưng vẫn rất hiền lành, thậm chí một đứa trẻ con cũng có thể sai khiến được anh ta. Chính vì thế mà Mừng luôn bị bắt nạt.
Cuộc đời của gia đình này bao năm qua chìm trong tăm tối, cơ cực. May là những người anh em của ông Đực đều đoàn kết giúp đỡ gia đình ông. “Chúng tôi giờ đã già rồi, có lẽ chỉ cưu mang được ông Đực thôi, còn sau này những người con của ông Đực già yếu không tự kiếm sống được nữa thì có lẽ đành phải nhờ vào con cháu tôi cưu mang họ”- Bà Tắc chia sẻ.
Mạnh Đức