Con đường dẫn đến gánh bánh canh nhỏ xíu của dì Năm đã bị chặn bằng một hàng rào. Con đường đó người ta vừa phong toả, thôi thì chuyện cũng…. “thường” mùa dịch.
Trên mạng có một câu nói vui: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, y tế phường chưa đến để giăng dây”, mà nghĩ thực ra nó không vui xíu nào.
|
Những người lao động nghèo vui vẻ bên tô bánh canh nghi ngút khói, giờ không biết đã đi về đâu… |
Đầu tiên tôi nhớ cái tô bánh canh chả cá của dì. Giữa Sài Gòn mà dì bán bánh canh chỉ có 15 ngàn một tô. Cái thích nhất là tô đựng bánh canh của dì là tô sành chứ không phải là tô nhựa như mấy quán vỉa hè khác. Tô của dì bán lúc nào cũng nhiều. Dì hay cười nói: bán cho người lao động mà con!
Chỗ bán của dì bây giờ là nơi mấy anh trong khu phố ngồi gác. Con đường dì bán có ca nhiễm COVID-19 nên bị phong toả. Cái hình ảnh náo nhiệt ồn ào sôi động của cả một khu chợ bỗng chốc bị thay bằng hình ảnh buồn thiu của một khu bị cách ly. Nỗi buồn đó chắc không chỉ dành cho người bán mà còn dành cho người mua, những người lao động nghèo vui vẻ bên tô bánh canh nghi ngút khói, giờ không biết đã đi về đâu…
Tôi nghĩ đến dì và nhiều người lao động nghèo tứ xứ đến Sài Gòn sinh sống bằng nghề buôn gánh bán bưng. Họ đã tạo ra một không khí rất riêng của Sài Gòn và vùng đất này cũng đã cưu mang họ. Và giờ, vì đại dịch như tai nạn trên trời giáng xuống, cả họ và Sài Gòn đều đang chịu nhiều xây xước.
Tôi nhận được tin nhắn nhờ mua giúp ít cam của cô bán trái cây quen đầu chợ, nhờ mua cả ít tôm cho cô hàng kế bên vì 2 hàng quán này tôi đều là khách quen nhiều năm.
Tin cấm chợ tự phát được công bố vào cuối ngày, khi mà các tiểu thương đã chuẩn bị hàng hoá cho buổi chợ ngày mai, thế nên, họ phải dùng hết mọi mối quan hệ đế cứu vãn mớ hàng không được ra sạp.
Là một người lớn lên từ gánh hàng rong của mẹ, tôi hiểu nỗi vất vả nặng trĩu đó và sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi họ không được ra chợ, không được buôn bán, vì đây là việc mưu sinh duy nhất của họ.
Dù rằng những phần quà từ những người tốt bụng, của chính quyền, có thể đã đến tay họ nhưng còn bao nhiêu việc cần đến tiền, nào là tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền gửi về quê cho người nhà con cái…. Thực sự là một gánh nặng hữu hình chứ không phải mơ hồ như con virus vô hình kia.
Tất nhiên là tôi mua giúp, cố gắng mua nhiều nhất có thể bởi đằng nào cũng đỡ việc đi chợ trong vài ngày. Nhưng cũng băn khoăn vì không biết họ có bán kịp hết không, rồi ngày mai, ngày kia không họp chợ thì những gia đình ấy sẽ sinh sống thế nào…
|
Một bữa cơm được nấu từ gian hàng 0 đồng của cư dân trong chung cư bị phong toả. |
Khó khăn là vậy mà ai cũng cố gắng vì việc chung, bởi chỉ khi nào dịch bệnh được khống chế, cuộc sống bình thường được quay về thì những khu chợ mới có thể lại nhộn nhịp như trước đây.
Không thể tránh khỏi những lo lắng với đôi mắt nhiều muộn phiền của những người lao động trong những ngày gần đây, nhưng trong dịch bệnh như thế chỉ có thể động viên nhau, tích cực rằng chúng ta vẫn ổn, ít nhất vẫn còn người, mà còn người là còn tất cả.
Nhìn những phần quà, những địa điểm chia sẻ phần ăn cho người nghèo được chia sẻ ngày càng nhiều, ta có thể an tâm một phần nào là những khó khăn nhất thời sẽ không làm khó được, nhất là khi người Sài Gòn đầy ắp tình thương và bao dung với nhau như thế này.
Đoàn Kim Ngọc