Để trẻ không bị kết quả thi “nhấn chìm”

Nỗi buồn lo thi cử có thể trở thành bệnh lý tâm thần

13/07/2024 - 10:49

PNO - Làm bạn với con đã tốt, nhưng cha mẹ luôn phải nhìn rộng, toàn diện và là người dẫn đường vững vàng, tin cậy của con.

Bác sĩ  chuyên khoa 2 Vũ Kim Hoàn trao đổi với phụ huynh trong việc phối hợp điều trị cho bệnh nhân là học sinh mắc chứng trầm cảm  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Kim Hoàn trao đổi với phụ huynh trong việc phối hợp điều trị cho bệnh nhân là học sinh mắc chứng trầm cảm - Ảnh do nhân vật cung cấp

Việc học hành, thi cử luôn kèm theo nhiều loại stress (căng thẳng), có loại stress tốt, có nhiều loại stress xấu, hại. Với học sinh, sinh viên, đối diện với kết quả không như mong muốn của kỳ thi là một trong những yếu tố gây stress cấp, thường tồn tại khoảng 1-2 tuần sẽ qua đi. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng dễ dàng vượt qua. Yếu tố gây stress này có thể tác động lên hệ thống thần kinh, hệ thống tâm thần, hệ thống bảo vệ, đề kháng của cơ thể và dĩ nhiên sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề trục trặc, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc, chẳng hạn rối loạn lo âu, trầm cảm, tự sát…

Báo chí đăng tải không ít vụ tự sát đau lòng của học sinh, sinh viên liên quan đến việc học hành, thi cử, nhất là liên quan đến kết quả thi. Ngay cả khi các em học hành nghiêm túc, không phải kết quả học tập luôn như ý. Tôi từng có bạn bị rối loạn tâm thần sau 2-3 năm thi trượt y khoa. Trong quá trình công tác, tôi đã tiếp xúc nhiều ca học sinh phải đánh đổi sức khỏe tâm thần của mình khi chạy theo kỳ vọng của gia đình.

Không ít trường hợp cha mẹ không hề gây áp lực điểm số, buộc phải vào “ngành hot”, trường chuyên, lớp chọn, học sinh cũng có thể tự gây áp lực cho bản thân. Các em căng thẳng ngay từ khi âm thầm xây dựng mục tiêu đến chinh phục mục tiêu, hồi hộp ngóng chờ kết quả và bị kết quả “nhấn chìm”, mãi “nuốt không trôi” một điểm số, mỗi ngày thêm lún sâu vào vũng lầy của nỗi buồn, tuyệt vọng, tự ti.

Sự thấu hiểu, đồng hành của phụ huynh với con là vô cùng quan trọng. Dù không có chuyên môn y khoa, phụ huynh cũng có thể nhận biết, phát hiện được những xáo trộn tâm lý, những rối loạn tâm thần ở con nếu để ý, quan sát. Từ đó, nên khuyên nhủ, an ủi, động viên kịp thời hoặc đưa con gặp chuyên viên tâm lý lâm sàng hay khám, điều trị với bác sĩ tâm thần.

Một số dấu hiệu nhận diện con không ổn về sức khỏe tâm thần như: có sự thay đổi khác lạ về tính tình, cách cư xử, tương tác, thể hiện trong lối sống hằng ngày (vốn rất sôi nổi, hoạt bát lại trở nên trầm lặng, ít nói, thu mình…); khí sắc buồn, uể oải; mất hứng thú cả với những hoạt động mà trước đây con rất yêu thích; tập trung kém (ai gọi không nghe, như có cái gì đó đang đè nặng trong đầu khiến con luôn phải bận tâm, suy nghĩ)…

Ngày xưa, mô hình tam - tứ đại đồng đường phổ biến; ngày nay, đời sống khá giả hơn, gia đình có ít con nên con cái thường có phòng riêng, không gian sinh hoạt tương đối biệt lập. Đó là lý do gia đình khó quan sát, nắm bắt những biểu hiện khác lạ ở con, bỏ qua giai đoạn con chỉ mới bối rối, lo lắng, buồn chán - là giai đoạn còn có thể điều chỉnh, tác động hiệu quả và triệt để. Khi tình trạng khởi phát và bùng lên một cách mãnh liệt phụ huynh mới phát hiện thì con đã có vấn đề về tâm thần hoặc có hành vi hủy hoại cơ thể, tự sát.

Phụ huynh cũng thường xem nhẹ các thay đổi ở con và cho rằng cái tuổi dở dở ương ương thì tính khí mưa nắng thất thường là tất nhiên, đến khi trưởng thành, tự khắc sẽ ổn. Từ đó mà cha mẹ không quan tâm, hỏi han, không biết con đã rơi vào tình trạng rối loạn lo âu hay trầm cảm, thậm chí loạn thần, không biết con đang bị vây hãm bởi một nỗi tuyệt vọng, cô đơn, mặc cảm tội lỗi (thi rớt, phụ công ơn cha mẹ), con nghĩ mình không còn giá trị, mình đến đây là ngõ cụt, thôi thì chết quách cho xong.

Tham gia mạng xã hội cũng có thể tác động đến hành vi tiêu cực ở con, nhất là những hội nhóm chán đời, rủ nhau tự sát.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những ứng xử tích cực của phụ huynh bắt đầu từ sự thấu hiểu và bình tâm đón nhận kết quả học hành, thi cử của con. Phụ huynh không so sánh, không nhắc đi nhắc lại, tinh tế khi trả lời với người ngoài về kết quả của con.

Cha mẹ động viên con bình tâm, nghỉ ngơi một thời gian rồi xây dựng tiếp mục tiêu và tạo động lực cho con hoàn thành mục tiêu mới. Hãy nói với con rằng, không phải một kỳ thi là chấm dứt tất cả, rằng cuộc đời rất dài và nhiều cơ hội vẫn chờ con ở phía trước. Nếu con co cụm, khép kín, ngại tiếp xúc, phụ huynh nên tìm cách tiếp cận, hỏi han, giúp con giải tỏa. Có thể tìm cớ chạy qua phòng con, đưa cho con trái cây, giả vờ chạy qua giúp con xếp quần áo hoặc mua cho con thứ gì con thích, rủ con đi dạo chơi, xem phim, thể thao, giúp con thư giãn, tìm niềm vui… Hãy nhắc nhở con bảo đảm giờ giấc sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ điều độ; cho con tham gia các bài kiểm tra về sức khỏe tâm thần và kịp thời tìm đến chuyên gia để tư vấn, can thiệp, điều trị.

Điều cực kỳ quan trọng là bữa cơm gia đình - không gian gắn kết lẫn nhau, nâng đỡ tinh thần cho con và các thành viên, cũng là dịp để cha mẹ “bắt mạch” sức khỏe, tinh thần của con, kịp thời nắm bắt, gợi ý cho con thổ lộ nỗi buồn lo. Làm bạn với con đã tốt, nhưng cha mẹ luôn phải nhìn rộng, toàn diện và là người dẫn đường vững vàng, tin cậy của con.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Kim Hoàn

- Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TPHCM

Tô Diệu Hiền (ghi)

THANG ĐO PHQ-9 TỰ ĐÁNH GIÁ TRẦM CẢM

Bạn có thể vào các trang mạng uy tín, tự làm bài đánh giá trầm cảm bằng thang đo PHQ-9 (do tiến sĩ R.L. Spitzer, J.B.W. Williams và K. Kroenke phát triển). Với 4 mức độ (hầu như không, một vài ngày, hơn một nửa số thời gian, gần như mỗi ngày), người tham gia đánh giá sẽ trả lời 9 câu hỏi:

- Ít hứng thú hoặc không có niềm vui thích làm việc gì.
- Cảm thấy chán nản kiệt sức, chán nản hay tuyệt vọng.
- Khó ngủ, ngủ không lâu hoặc ngủ quá nhiều.
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng.
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều.
- Cảm thấy bản thân tồi tệ, cho rằng mình là người thất bại hoặc thất vọng về bản thân và gia đình.
- Khó tập trung vào một việc gì đó, ví dụ như đọc báo hay xem ti vi.
- Di chuyển hoặc nói năng quá chậm chạp khiến người khác chú ý hoặc ngược lại - quá lo lắng, bồn chồn nên đi lại quá nhiều.
- Nghĩ rằng mình chết đi sẽ tốt hơn hoặc làm đau hay tổn thương cơ thể.

Tùy số điểm thuộc khung nào, bạn sẽ ở trạng thái bình thường, ở mức trầm cảm tối thiểu (có thể tự điều chỉnh bản thân và các mối quan hệ, lối sống, sinh hoạt); nếu ở mức trầm cảm nhẹ, trầm cảm trung bình, trầm cảm nặng thì cần tìm đến nhà chuyên môn can thiệp, điều trị.

Hoài Nhân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI