Nỗi buồn đầu năm học

08/09/2018 - 06:00

PNO - khi mà nền giáo dục hiện nay lại gieo rắc sợ hãi, ám ảnh cho các thế hệ, thì hẳn chúng ta và con trẻ còn hoang mang dài lâu…

1. Sau hồi trống khai giảng, sau khi băng-rôn, bong bóng xanh đỏ rợp trời cất đi, cũng là lúc người lớn chúng tôi tổ chức những cuộc họp vợ chồng hòng phân chia lịch đưa đón lũ trẻ. 

Rồi vẫn phải cân não chuyện học thêm học bớt cô giáo trong trường hay thầy bên ngoài, chứ có thoát đâu. Và nếu có những giờ học và địa điểm “vặn lưng” so với công ăn việc làm của cả vợ lẫn chồng thì phải chạy vạy quyền trợ giúp từ ông nội, bà ngoại. Nhưng lắm khi vợ chồng đơn thân, nội ngoại xa xăm thì đành cắn răng cho con đi xe ôm mà lòng thì thấp thỏm lo lắng.

Noi buon dau nam hoc
Học sinh lớp Một hớn hở vào năm học mới - Ảnh: Phùng Huy

Tuy nhiên, nỗi kinh hoàng với bản thân tôi chính là những buổi họp phụ huynh đầu năm. Bàn bạc nhiều vấn đề để tất tần tật quy nạp về chuyện tiền.

Họ - chả biết lãnh đạo ngành giáo dục địa phương, hay cũng có thể là ban giám hiệu nhà trường - thật sự rất giàu trí tưởng tượng. Họ sáng tác ra không biết cơ man nào mà kể những thứ phí, cái bắt buộc, cái vận động phụ huynh đóng góp.

Xin nói thẳng, chúng ta đừng cho các phương tiện truyền thông đại chúng dùng cụm từ mỹ miều “miễn học phí” cho các cấp học nữa. Bởi hàng triệu đồng mà người dân phải nộp cho nhà trường mỗi tháng trong thực tế - từ tiểu học cho đến THCS - không biết phải gọi là gì, thay cho hai chữ “học phí”?

Đó là những khoản thu khổng lồ so với học phí mà cứ mỗi lần họp phụ huynh, chúng tôi lại được vẽ cho xem. Này nhé: tiền cơ sở vật chất, học phí buổi 2, quỹ khuyến học, phục vụ quản lý bán trú, tin học, Anh văn tăng cường, Anh văn bản ngữ, câu lạc bộ, sổ liên lạc điện tử, tiền điện chạy máy lạnh, tiền bảo trì rửa máy lạnh… thậm chí, những thứ tối thiểu nhất cho một đứa trẻ có thể “hít thở” ở trường cũng buộc phụ huynh phải đóng như tiền vệ sinh, nước uống… 

2. Thanh Tịnh có sống lại chắc cũng phải cảm thông cho phiên bản Tôi đi học ở thời đại cái gì cũng “4.0”, trong đó hẳn nhiên có giáo dục. “Hằng năm cứ vào cuối thu… lòng tôi lại hoang mang những kỷ niệm thất kinh của buổi tựu trường”.

Tình cờ, anh bạn tôi bắt được đoạn tin nhắn của con với bạn bè lớp Năm. Thật, chả có gì mà bọn trẻ không biết, thưa người lớn! Bọn trẻ bàn với nhau rằng, học nốt năm nay trường này thôi, sang năm, tuyển sinh đầu cấp vào lớp Sáu, chúng sẽ học ở ngôi trường khác ngon lành hơn.

Chúng ta nghĩ gì, khi một học sinh khoe bố mẹ quen biết nhiều, mọi thứ sẽ ổn. Bạn khác nói nếu không xin vào được trường điểm của quận thì sẽ ra trường quốc tế học. Có em đã hiểu và sử dụng luôn danh từ “chạy trường” trong group chat.

Anh bạn tôi hoang mang hỏi vợ sao không cho con học đúng tuyến cho rồi, liền bị mắng “dở hơi”. Cô lệnh cho chồng, không vào được trường công quốc tế thì cũng phải chạy vào trường điểm top đầu, không thể vào trường làng. Anh bạn rụt vòi tuân lệnh, dù chưa biết đó trường nào, chạy bằng cách nào.

Mọi quốc gia đều phải xây dựng tương lai của mình bằng cách cung cấp một nền giáo dục chính đáng cho thế hệ trẻ. Một nền giáo dục chính đáng hướng tới tình yêu thương, công lý và hòa bình cho người thụ hưởng, cũng như hướng tới sự trưởng thành ý thức về các bổn phận luân lý và xã hội của công dân. 

Xem ra, khi mà nền giáo dục hiện nay lại gieo rắc sợ hãi, ám ảnh cho các thế hệ, thì hẳn chúng ta và con trẻ còn hoang mang dài lâu…

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI