Nỗi buồn của những người mẹ

28/08/2014 - 16:16

PNO - PN - Ngày 19/8/2014, Tòa án nhân dân H.Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) đã tuyên phạt Nguyễn Văn Quẹo, 26 tuổi, ngụ tại ấp Sa Nghe, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh 5 năm tù giam về tội “giao cấu với trẻ em”, buộc bồi thường...

edf40wrjww2tblPage:Content

Con hư, mẹ vẫn nói “ngoan”

Theo cáo trạng, tháng 3/2014, Nguyễn Văn Quẹo làm quen với một nữ sinh lớp 8 tên Lê Thúy D. Ngày 10/4/2014, Quẹo rủ em D. bỏ nhà đi chơi, sau đó đưa về xưởng thuốc lá Tuấn Dung, xã Cẩm Giang, Gò Dầu, Tây Ninh ép làm công việc lựa thuốc lá. Tại đây, trong sáu ngày Quẹo đã quan hệ tình dục với D. sáu lần. Ngày 16/4/2014, một người hàng xóm của chị Tuyết, mẹ em D., đi bán vé số phát hiện D. trong xưởng thuốc lá đã báo cho anh chị đến đón con về. Ngày 17/4/2014, nhận được đơn tố cáo của gia đình cháu D., công an Gò Dầu đã bắt giữ Nguyễn Văn Quẹo. Tại cơ quan công an, Quẹo thú nhận tội quan hệ tình dục với D. và gây gổ, hành hung cậu ruột khi không được ngủ cùng D. tại nhà.

Được thẩm phán phiên tòa và luật sư giải thích về tâm lý trẻ mới lớn và trách nhiệm của cha mẹ với con, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyết và Lê Hồng Chiến ngồi buồn rầu nhìn nhau. Thì ra trách nhiệm trước hết là do mình không quan tâm tới con gái nên để con bị kẻ xấu lợi dụng. Lê Thúy D. sinh năm 2000, lúc bị xâm hại tình dục cháu mới 13 tuổi 9 tháng. Là một học sinh giỏi nhiều năm, lại là lớp trưởng, ở nhà ngoan ngoãn siêng năng, bỗng nhiên D. theo người yêu đi chơi một tuần và bị dụ dỗ làm “chuyện người lớn”. Hàng ngày, chị Tuyết và chồng đều đi làm sớm. Chị bán quần áo ở chợ, lu bu tất bật. Anh làm nghề hớt tóc. Kinh tế gia đình khá giả, nhưng có mỗi cô con gái xinh đẹp thì họ thiếu quan tâm giáo dục, không gần gũi bảo ban con về kỹ năng sống. Khi thẩm phán hỏi: “Con gái chị có ngoan không?”. Chị trả lời: “Có!”. “Ngoan sao lại bỏ nhà đi theo bồ?”. Chị Tuyết không biết trả lời sao. Sau phiên tòa này, vợ chồng chị đã “thắng cuộc”. Nhưng nỗi đau thân thể con gái bị làm nhục, sự tổn thương tâm hồn của một nữ sinh còn ảnh hưởng mãi về sau. Liệu anh chị có quán xuyến, giáo dục con gái để không phạm phải sai lầm lần thứ hai?

Noi buon cua nhung nguoi me

Nguyễn Văn Quẹo trở về trại giam với mức án 5 năm tù giam

Con thú hoang

Mẹ của bị cáo Nguyễn Văn Quẹo là chị Phạm Thị Niển, 47 tuổi. Người phụ nữ nông dân quanh năm suốt tháng dãi dầu mưa nắng, đến nỗi đứa con riêng của mình phải mù chữ. Chị là người đầu tiên phản đối con trai không được xâm hại cháu D., khi Quẹo đưa bạn gái về nhà và ngủ qua đêm. Nhưng đứa con ngỗ nghịch không nghe lời mẹ, còn gây gổ với cha dượng, đánh cậu ruột bị thương. Chị Niển tình nguyện làm chứng trong vụ án do con trai mình là tội phạm, nhưng đến phút cuối, chị đã lánh mặt. Người mẹ ấy đã làm gì để dạy dỗ con trai? Tại tòa, Nguyễn Văn Quẹo trả lời “không nhớ tên cha đẻ”. Chồng trước của chị Niển bỏ đi khi Quẹo lên ba tuổi. Sống với cha dượng và mẹ, Quẹo không được đi học, lêu lổng từ nhỏ, lớn lên chỉ mải ăn nhậu, thiếu tiền rồi đi trộm cắp. Quẹo từng có hai tiền án, tiền sự về tội “trộm cắp tài sản”, vừa mới mãn hạn chín tháng tù giam ngày 26/1/2013, được một năm sau thì tái phạm, vào tù lần hai. Nếu cha mẹ của cháu D. kinh tế khá giả, thương yêu con gái, thì trái lại, nhà Quẹo rất nghèo. Từ nhỏ, Quẹo đã bị bỏ lơ như con thú hoang. Chị Niển chỉ biết cắm đầu đi làm kiếm gạo nuôi chồng con. Biết cha ghẻ, con vợ không hợp nhau, nhưng là người đứng giữa, chị cũng chẳng biết tính sao. Bị bắt tạm giam từ ngày 17/4/2014 đến ngày ra tòa, Quẹo mong được gặp, được nhận chút quà của mẹ, để rồi thất vọng, luôn giơ tay quẹt nước mắt trước vành móng ngựa.

Luật sư Nguyễn Thị Sơn Trang, người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân D. trước tòa, cũng ray rứt trước hoàn cảnh của bị cáo. “Nếu người mẹ biết thương con trai, chắc sẽ không có ngày hôm nay”. Luật sư tỏ ra lo lắng: “Những vết thương tâm hồn của bé gái đang tuổi cắp sách đến trường liệu có lành được hay không? Nỗi ám ảnh vì bị xâm hại đến thân thể, danh dự, nhân phẩm… còn ảnh hưởng đến tương lai khi cháu đến tuổi làm vợ, làm mẹ”.

Tâm sự riêng với phóng viên, D. nói: “Con rất mắc cỡ, lo sợ. Các cô chú đừng để bạn bè, nhà trường của con biết, để con còn có thể đi học. Con rất buồn vì đã ham chơi, cả tin, lẽ ra con phải chạy trốn, nhưng thấy Quẹo dọa giết cả nhà nên con sợ”.

Còn rất nhiều nỗi buồn từ những người dự khán phiên tòa, khi tuổi thơ đã bị đánh cắp ngay chính trong gia đình.

 PHƯƠNG QUÝ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI