Nỗi buồn của mớ rau

24/11/2014 - 09:50

PNO - PN - Mọi cái chợ cóc trong thành phố này đều có một góc của những người ở quê ra bán hàng. Không phải dân buôn chuyên nghiệp, họ thường tranh thủ lúc nông nhàn, thu gom những sản vật quanh ngôi làng mình ở, mang ra bán cho người thành...

edf40wrjww2tblPage:Content

Noi buon cua mo rau

Ảnh chỉ có tính minh họa - Nguồn: internet.

Rất dễ để nhận ra họ: gương mặt vẫn còn nguyên nét thật thà, chất phác, giọng địa phương lơ lớ, họ chỉ được ngồi ở những “góc đuổi” (chỗ ngồi tạm, không mất thuế chợ, nhưng có thể bị đuổi và thu hết sạch hàng hóa).

Mẹt hàng của họ thường đủ thứ lặt vặt: vài mớ rau, mấy nải chuối, quả đu đủ, dăm chục trứng gà, có khi thêm cân ốc, cân hến, ít chanh, ớt…

Nhìn những mẹt hàng mỏng teo, tôi thường hình dung buổi chiều tối nhập nhoạng, chị/cô bán hàng ấy đã đôn đáo chạy khắp xóm nhỏ của mình thu gom rau quả; trong khi đó, người chồng đi đến bác thuyền chài ở đầu làng để mua chỗ cua cá ốc ếch bác ta bắt được trong ngày, và những mớ rau bó bằng rơm kia đã theo vợ chồng họ ra Hà Nội từ 4g sáng.

Tôi hay mua hàng của những người ở “góc đuổi”. Mớ rau, nải chuối, chục trứng… tuy xấu mã nhưng có gì đó thật thà và yên tâm hơn dân buôn chuyên nghiệp (trên những sạp gọn gàng, ngọn rau non mơn mởn cứ xanh ngời một màu nguy hiểm, hoa quả đẹp rừng rực kiểu quả táo tẩm thuốc của nàng Bạch Tuyết).

Và tôi cũng nghĩ, biết đâu mình phần nào giúp chị bán hàng ấy về sớm buổi chợ. Những người nông dân bỏ làng đi buôn bán vẫn còn điều gì hồn hậu thân thuộc, họ như người hàng xóm thời thơ bé của những người có gốc gác nhà quê. Tôi cứ tìm kiếm bóng dáng bà Ngôi, mẹ Gia, u Dự… những người đàn bà tần tảo và nghèo khổ đã dạy tôi về rau cỏ, cây cối, ruộng vườn - đâu đó trong những phụ nữ quê mùa mà tôi gặp mỗi sáng đi chợ.

Cuối tuần, mưa rả rích từ đêm trước, thành ra ai đi chợ cũng ngại. Ở “góc đuổi”, có một phụ nữ luống tuổi, đứng co ro dưới mưa với cái mẹt còn chỏng chơ hai mớ rau bí. Thấy tôi đi xe tà tà qua, người phụ nữ nhao ra mời: “Bác mua rau bí đi, 10 ngàn một bó”. Tôi ngần ngừ, người phụ nữ tiếp: “Bác lấy nốt đi, tôi bán rẻ tất cả 15 ngàn”.

“Rau nát giập quá, 10 ngàn nốt thì cháu lấy” - nói vậy thôi chứ tôi nào định mua, vì nghĩ ngồi nhặt đám bí này đã thấy ngán. “Tôi mua ở quê đã sáu ngàn, công gánh ra đây nữa bác ạ”. Chỉ chờ có lý do để từ chối, tôi vặn tay ga sau khi buông một câu nhạt nhẽo: “Cháu không mua đâu, cô bán cho người khác nhé”. Xe chạy trong chợ nên phải luồn lách tránh đường, đi được chừng 10m thì người phụ nữ hớt hải đuổi theo gọi: “Tôi bán vốn cho nhà bác này”. Rau và tiền cùng trao, rồi hai người quay hai hướng đi thẳng.

Đi một đoạn, thấy gì đó không ổn cứ luẩn quẩn trong đầu. Gượm đã, mình vừa làm điều gì thế nhỉ? Tôi vòng xe lại quay “góc đuổi”, không thấy người phụ nữ kia đâu. Hỏi chị bán khoai đứng cạnh, chị này nói: “Bà ấy vội vàng về luôn rồi, ở tận Bình Đà, có sớm cũng phải 1g mới tới nhà, cũng chẳng kịp bữa trưa với chồng con mà hấp hoảng”. Chỉ là tôi thuận mồm thì mặc cả như một thói quen thôi mà, chỉ là người phụ nữ kia cần bán nốt hai mớ rau nẫu giập vì mưa để còn được về ăn cơm với gia đình thôi mà. Nhưng sao lòng tôi buồn rầu và day dứt thế này…

Tôi ngồi nhặt rau bí, lan man nghĩ về những đồng tiền lẻ mình vứt vương vãi trong các ngăn kéo như một thứ giấy vụn, chỉ động đến khi dọn dẹp nhà.

Tôi nghĩ về cốc nước cả trăm ngàn trong những quán cà phê thật đẹp mà mình vẫn ngồi với bạn bè. Nghĩ về những món đồ không một lần đụng tới, mình mua chỉ vì cần vượt qua một cơn chán chường ất ơ nào đó. Nghĩ về bàn tay đen đúa nhựa cây cẩn thận xếp 10 ngàn vào cái túi vải nhỏ thắt bên người, cái túi màu cháo lòng toàn những đồng tiền mệnh giá 1-2 ngàn. Nghĩ về gánh rau bí mà người phụ nữ ấy chở suốt 40km trong mưa, người thì ướt và rau thì giập. Nghĩ về bao người mua trước tôi, họ lắc đầu ngán ngẩm, trả thật rẻ, vì rau xấu quá. Nghĩ về những gánh rau cỏ, chanh ớt, chuối, đu đủ… trĩu nặng trên vai những người đàn bà lam lũ, cả vốn và lãi chắc chỉ hơn trăm ngàn cho một ngày vêu vao ngồi chợ.

Tôi có làm gì sai đâu khi tôi được giáo dục là phụ nữ thì phải thu vén. Có gì sai đâu vì mặc cả là điều tất nhiên phải làm khi đi chợ kia mà. Nhưng vài ngàn lẻ tôi bớt được, liệu có khiến người bán rau cho tôi không dám uống một cốc nước để dịu cơn khát, không dám gọi thêm hai lát thịt trong phần cơm bụi - chỉ để tránh lẹm vào khoản lãi nhỏ nhoi đáng ra phải mang về cuối ngày?

Nhưng có gì sai không, nếu thói quen có thể vô tình biến thành một điều tàn nhẫn? 

QUỲNH HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI