Các chuyên gia, luật sư khốn cùng phải "đổi nghề" để tồn tại trong mùa dịch

16/10/2020 - 13:59

PNO - Từ chuyên gia đến luật sư ở Venezuela đã chuyển sang sản xuất thực phẩm, khẩu trang hoặc bán hàng để tồn tại khi việc cách ly xã hội tại đây vẫn đang nghiêm ngặt. Dịch bệnh tiếp tục làm suy yếu một nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn trong cuộc suy thoái trước đó.

Đối mặt với lạm phát hàng năm trên 3.000% và hầu hết các doanh nghiệp đóng cửa liên quan đến COVID-19 khiến những chuyên gia người Venezuela đã phải tự "đổi nghề" để tồn tại.

“Tôi phải làm gì đó để trang trải chi phí sinh hoạt”, Jose Ibarra, người bắt đầu giao các sản phẩm tẩy rửa đến tận nhà cho biết.

“Với một số khách hàng, tôi thậm chí còn lên lịch bán hàng vì một số họ mua vào ngày có nước”, anh nói, đề cập đến việc phân bổ lượng nước (do thiếu nước trầm trọng) làm ảnh hưởng đến hầu hết người dân Venezuela.

Ở Venezuela, tình hình đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước, nơi đã chứng kiến ​​chín trong số mười gia đình trung lưu rơi vào cảnh nghèo đói trong thập kỷ qua và giảm tầng lớp trung lưu xuống chỉ còn 5,3% dân số, theo Công ty Anova Nghiên cứu chính sách.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang gây áp lực chồng chất lên một nền kinh tế đang lao đao vì quản lý yếu kém và siêu lạm phát. Điều này có nguy cơ làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực.

Alfonso Toro, một nhạc sĩ đã dành nhiều năm để viết nhạc cho quảng cáo truyền hình đang cảm thấy ngành công nghiệp này đã chết. Giờ đây, ông chế tạo mặt nạ có in hình Indominus Rex, một loài khủng long biến đổi gen hư cấu trong bộ phim “Jurassic World” để bán. 

Alonso Toro, một nhạc sĩ đang làm một chiếc mặt nạ đồ chơi cho trẻ em để kiếm thu nhập trong đại dịch COVID-19 ở Caracas, Venezuela - Ảnh: Reuters
Alonso Toro đang làm một chiếc mặt nạ đồ chơi cho trẻ em để kiếm thu nhập trong đại dịch COVID-19 ở Caracas, Venezuela - Ảnh: Reuters

“Tôi nghĩ thời điểm khởi nghiệp đã đến. Cả đời tôi muốn làm đồ chơi, nhưng tôi không có thời gian", ông nói.

Theo Khảo sát Quốc gia về Điều kiện Sống, một nghiên cứu do một số trường đại học Venezuela thực hiện, khoảng 43% hộ gia đình Venezuela đã giảm thu nhập do tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế.

Nhà xã hội học Lissette Gonzalez, giáo sư tại Đại học Công giáo Andres Bello cho biết: “Một số người không rời bỏ công việc của mình, đã tìm kiếm các nguồn thu nhập khác, mặc dù họ phải vượt qua những trở ngại như thiếu xăng, hạn chế giao thông hoặc tìm kiếm tiền mặt. Trong khi nhiều người đã sắp xếp lại bản thân, những người khác lại không thể, và điều đó khiến họ dễ bị tổn thương hơn”.

Ruben Benitez, một luật sư với 13 năm kinh nghiệm, bắt đầu nướng bánh để bán trong các cửa hàng.

“Đối với nhiều chuyên gia, rất khó để làm việc trong lĩnh vực của chúng tôi. Điều đó thật khó khăn cho chúng tôi và tình hình khiến bạn phải tự chăm sóc bản thân”, Benitez nói. “Sinh kế của tôi bây giờ là từ việc bán bánh”, Ruben Benitez nói thêm.

Trong khi đó, Lisbeth Lopez đã đóng cửa một cửa hàng nhỏ bán đồ ngọt trong một trung tâm mua sắm ở Ciudad Guayana, miền Nam Venezuela do bị kiểm dịch. Cô bắt đầu làm và bán carpaccio - món khai vị gồm cá hoặc thịt thái mỏng - từ cá lau, một loại cá có nguồn gốc từ sông Orinoco.

“Nếu bạn có gia đình, bạn không thể để mình rơi vào tình trạng trầm cảm. Bạn phải tự tái tạo lại bản thân”, Lopez, người sử dụng tiền từ việc bán cá chép để trả học phí cho hai đứa con của mình nói.

Cũng giống như Lopez, Julia Vizcaya đã vào bếp để kiếm thêm thu nhập sau thời gian cách ly. Trong khoảng bốn tháng, cô ấy đã làm kem bán. 

Cô là nhân viên của một khách sạn phải đóng cửa do đại dịch và vẫn nhận mức lương tối thiểu hàng tháng, tương đương 2 USD. Julia bán thêm kem trái cây và sữa chua trên mạng xã hội. “Hiện nay, thu nhập của tôi đã ổn hơn", cô chia sẻ.

Thảo Nguyễn (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI