Từng quên mình có cha
Lo xong đám tang cha, H. - em họ tôi - thẫn thờ: “Mấy hôm nay em ráng nhớ về những kỷ niệm với ba, nhưng không tìm thấy gì hết. Chẳng có hình bóng của ba trong em. Tuổi thơ của em là gì vậy?”. Tôi nghe mà xót xa. Điều em “ráng nhớ” là những kỷ niệm đẹp, chứ chuyện buồn thì vô số.
|
Ảnh minh họa |
Từ nhỏ đến bảy tuổi - lúc cha mẹ H. chia tay - em thường xuyên chứng kiến những cơn say xỉn của cha. H. nhớ những lần cha nhậu về, chân bước quàng xiên, miệng quát tháo, tay đập đổ hết mọi thứ trong nhà. H. nhớ những đêm khuya, đôi chân nhỏ bé của mình cùng mẹ chạy qua gò mả để thoát trận đòn của cha, hay những ngày hai mẹ con về ngoại… lánh nạn.
Sau khi chia tay, mẹ dắt H. vào Sài Gòn sinh sống. Đến nay đã hơn hai mươi năm, vất vả rồi cũng qua, cuộc sống hai mẹ con dần ổn định. H. lớn lên bên mẹ, và gần như quên mình có một người cha.
Năm ngoái, người nhà gọi điện báo tin cha bệnh nặng, H. đưa cha vào Sài Gòn điều trị. Nhìn cha yếu đuối như một đứa trẻ, H. thương và chăm sóc ông chu đáo. Khi cha mất, ngoài việc buồn vì mất một người thân, H. còn những cảm giác khác xáo trộn trong lòng.
“Em thấy trống rỗng. Ba chỉ có mặt trong những năm đầu đời của em, và một năm cuối của cuộc đời ông. Em nhớ mình đã từng thèm một cái xoa đầu, thèm một lần được nghe ba la, thèm được nghe ba góp ý nên thi vào trường nào… Em muốn ba cười thanh thản rồi đi, chứ không phải mang niềm day dứt xuống mồ như ông nói trước khi mất”, H. nói giọng xa vắng.
|
Ảnh minh hoạ |
Tương tự H., cha của K. cũng nhậu nhẹt suốt ngày, lúc nào người ông cũng nồng nặc mùi rượu. Nhiều hôm ông xỉn đến mức không đi nổi, té chổng vó ngoài bờ ruộng. Mỗi lần bạn bè hớt hải chạy đến nhà kêu: “K. ơi, ba mày té ngoài kia kìa, ra dìu ổng về đi”, là hôm sau K. xấu hổ không dám đi học.
Lên thành phố học đại học, K. mới thoát cảnh thường xuyên chứng kiến cha say xỉn. Sau này đi làm, mỗi tháng K. đều gửi tiền về cho ông như trách nhiệm phải làm, nhưng số tiền cũng rất hạn chế vì K. sợ ông lại “nướng” vào rượu chè. Đôi khi K. nghĩ, nếu mẹ mất, không biết mình sẽ sống ra sao với cha, rồi rùng mình. Tình cảm dành cho cha ít đến nỗi K. chỉ sợ một ngày mình phải chăm sóc cha như nghĩa vụ của một người con, chứ không phải vì tình yêu dành cho ông.
Nỗi buồn mang tên... cha
Cha của D. - một kế toán trưởng - thì lại đem đến cho gia đình một kiểu buồn khác. Có một người vợ tảo tần và năm đứa con đẹp đẽ giỏi giang, nhưng cha của D. không bao giờ thấy đủ. Ông luôn tìm những niềm vui khác bên ngoài, nay với người đàn bà này, mai với người đàn bà kia. Mỗi khi nghe ai đó xầm xì cha đang “cặp kè” với ai, D. chỉ muốn độn thổ.
Nhưng đó là chuyện tế nhị của người lớn, cô không biết phải mở lời với cha thế nào. Càng ngày, nỗi mặc cảm đó càng lớn dần, D. gần như không còn nhu cầu chia sẻ chuyện gì với ông nữa. Một ngày, D. nghe cha mẹ báo tin chia tay trong hững hờ: “Có gì ngạc nhiên đâu. ba mươi năm là quá dài, còn gì để níu kéo?”.
D. sẽ ít buồn hơn nếu cha cô ngoại tình với người đàn bà khác vì không còn tình cảm với mẹ cô. Đằng này, cô cảm nhận cha cô chẳng yêu ai. Ông tìm đến đàn bà vì bản chất phóng túng của mình. Tình thương dành cho con cái, trách nhiệm với gia đình không đủ để ông kiềm chế bản thân.
|
Ảnh minh họa |
Q. - một nhân viên văn phòng - lại rơi vào tình huống khó xử khác. Gia đình Q. có một quán ăn, thỉnh thoảng cha anh có phụ đi chợ, trông xe cho khách, nhưng đã gần mười năm nay, ông chẳng động tay động chân vào bất cứ việc gì nữa.
Phận làm con, Q. khó thể lên tiếng, nhưng nhìn cha ngày càng “bạc nhược”, anh buồn kinh khủng. Suốt ngày, ông chỉ làm mỗi việc là chơi game, lúc trước còn chơi trên máy tính, bây giờ là smartphone nên ông có thể chơi bất cứ lúc nào, ở đâu, kể cả lúc đang ăn cơm.
Q. thấy ông như một đứa trẻ… lười biếng. Q. muốn cha năng động hơn, không làm ra tiền thì cũng phải biết phụ giúp việc nhà, như giặt giũ quần áo, quét dọn nhà cửa, đi chợ nấu ăn… Nhưng mỗi lần góp ý nhỏ nhẹ với cha là Q. bị ăn mắng ngay lập tức. Ông cay nghiệt: “Tao biết giờ mày làm có tiền, nuôi tao mỗi tháng, nên muốn nói gì thì nói, chẳng còn coi ba mày ra gì”. Rơi vào những tình huống đó, Q. không biết phải làm sao để cha hiểu đúng ý mình.
Anh đổi “chiêu” nhờ mẹ nói giúp, nhưng cũng không ăn thua. Ai chẳng ước ao có một người cha bản lĩnh, cáng đáng mọi chuyện trong gia đình, là chỗ dựa tinh thần cho mình mỗi khi thất bại. Q. không dám mơ ước điều đó, nhưng kể cả mong muốn cha là người tạo niềm vui cho gia đình, anh cũng không có được. Khoảng cách giữa anh và cha cứ lớn dần lên. Và tình cảm của anh dành cho ông thì ngày càng thu nhỏ lại.
Rồi những người cha sẽ già yếu, còn gì buồn hơn nếu người làm con phải chăm sóc cha mình chỉ vì trách nhiệm. Những người con trong các câu chuyện tôi vừa kể đã tâm sự với tôi rằng, họ cố gắng hết mức có thể để cha con xích lại gần nhau, nhưng bất thành. Và, dù đã ngoài ba mươi, họ vẫn thèm có bờ vai của một người cha như ngày còn thơ bé.
Thiếu vắng tình cảm của cha, kiểu gì cuộc đời con cái cũng bị thiếu hụt. Bây giờ, có lẽ không điều gì khiến họ sợ hãi nữa, ngoại trừ bị buộc phải nhìn thẳng vào tình cảm cha con của mình.
An Hiên