Nơi bắt đầu và thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 vẫn là ẩn số!

12/03/2021 - 06:05

PNO - Ngày 11/3 đánh dấu cột mốc một năm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là “đại dịch toàn cầu”. Dù vậy, câu hỏi về nguồn gốc và thời điểm kết thúc của dịch bệnh này vẫn chưa có câu trả lời.

Theo định nghĩa, đại dịch là một căn bệnh lây truyền phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới và ảnh hưởng đến một số lượng lớn người dân. Do vậy, WHO bị cáo buộc là thiếu chủ động, đợi đến ngày 11/3/2020 mới chính thức tuyên bố đại dịch toàn cầu. Vào thời điểm đó, đã có 118.000 trường hợp nhiễm COVID-19 được báo cáo ở 114 quốc gia, với 4.291 người tử vong, và phần nhiều trong số đó nằm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Lúc ấy, nước Mỹ chỉ mới ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm và 31 trường hợp tử vong.

Một năm sau đại dịch toàn cầu, tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp một số khu vực đạt trạng thái bình thường, chẳng hạn như ở bang Texas, Mỹ. Dù vậy, cuộc chiến chống COVID-19 vẫn đang tiếp tục trên khắp thế giới Ảnh: Dallas Morning News
Một năm sau đại dịch toàn cầu, tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp một số khu vực đạt trạng thái bình thường, chẳng hạn như ở bang Texas, Mỹ. Dù vậy, cuộc chiến chống COVID-19 vẫn đang tiếp tục trên khắp thế giới Ảnh: Dallas Morning News

Sau thông báo của WHO, nhiều quốc gia đóng cửa trường học, cơ sở kinh doanh không thiết yếu, thậm chí cả những địa điểm tôn giáo và công viên. Các bệnh viện bắt đầu đình chỉ dịch vụ không thiết yếu để chuẩn bị chống dịch. Đến nay, theo dữ liệu toàn cầu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), hơn 117 triệu ca nhiễm COVID-19 đã được báo cáo trên toàn thế giới, với hơn 2,6 triệu người chết.

Mất thêm vài năm để tìm nguồn gốc của đại dịch

Trong cuộc họp báo do tổ chức tư vấn Chatham House thực hiện tại Anh vào ngày 10/3, Peter Daszak - thành viên chủ chốt của cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch, do WHO đứng đầu - nhận định, toàn cầu chỉ có thể biết điều gì đã tạo ra đại dịch COVID-19 trong vài năm tới.

Daszak - Chủ tịch Tập đoàn EcoHealth Alliance, có trụ sở tại New York, Mỹ - cho biết thêm hoạt động buôn bán động vật hoang dã là lời giải thích khả dĩ nhất về việc COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán, nơi phát hiện những ca bệnh đầu tiên ở người. Thông thường, phải mất nhiều năm để xác định chính xác ổ dịch từ động vật.

Marion Koopmans - thành viên nhóm điều tra do WHO dẫn đầu - nói thêm, họ đã cân nhắc nhiều giả thuyết về nguồn gốc đại dịch, bao gồm cả khả năng xảy ra tai nạn trong phòng thí nghiệm. Theo bà, nhóm điều tra đã đến thăm ba phòng thí nghiệm gần chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán - nơi phát hiện ra cụm lây nhiễm đầu tiên - đồng thời xem xét kỹ lưỡng các giao thức, chương trình thử nghiệm, quy trình nghiên cứu cùng các vấn đề khác. Cuối cùng, họ kết luận rằng “rất khó xảy ra sự cố trong phòng thí nghiệm”. Dù vậy, ông Daszak thừa nhận, sứ mệnh khoa học không may đã bị chính trị che mờ.

Khi nào đại dịch kết thúc?

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử đang được tiến hành ở tốc độ chưa từng có. Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg thu thập, hơn 326 triệu liều vắc-xin COVID-19 đã được phân bổ tại 121 quốc gia, gần đây là khoảng 8,35 triệu liều một ngày.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin COVID-19 tại Anh - Ảnh: AP
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin COVID-19 tại Anh - Ảnh: AP

Các quan chức y tế nói rằng, giai đoạn “đại dịch” có thể sẽ tiếp tục trong vài năm nữa vì dù Mỹ và nhóm quốc gia phát triển khác có thể đạt mức miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 nhưng nhiều quốc gia đang phát triển đạt mức đó trong thời gian ngắn. Tại Mỹ, số người nhận ít nhất một liều vắc-xin đã vượt qua số kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bắt đầu. 

Mặc dù các loại vắc-xin tốt nhất được cho là có hiệu quả tới 95%, nhưng vẫn còn trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng do hệ miễn dịch chưa kịp ghi nhớ phản ứng. Bác sĩ Anthony Fauci - quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ - nói rằng việc tiêm chủng cho 70% đến 85% dân số sẽ giúp cuộc sống căn bản trở lại bình thường.

Ở quy mô toàn cầu, việc tiêm chủng chắc chắn khó khăn hơn. Với tốc độ tiêm hiện tại là 8,35 triệu người mỗi ngày, sẽ mất nhiều năm để đạt được mức độ miễn dịch toàn cầu. Cung cấp hàng tỷ liều vắc-xin để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trên toàn thế giới là một trong những thách thức hậu cần lớn nhất. Tuy nhiên, với tỷ lệ và tốc độ tiêm chủng tăng dần, cùng các loại vắc-xin mới của những nhà sản xuất bổ sung tung ra thị trường, chắc chắn sẽ giúp thu ngắn khoảng thời gian để chấm dứt đại dịch. 

 Ngọc Hạ (theo Denver Channel, AP, Bloomberg)


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI