Nơi ấy, hậu phương

13/05/2014 - 09:35

PNO - PN - Những người lính cảnh sát biển đi vào điểm nóng, sứ mệnh nặng nề đang đặt vào tay họ, vừa giữ được chủ quyền quốc gia, vừa đảm bảo được tinh thần hòa hiếu. Họ đi, sau lưng là mái ấm gia đình, là triệu triệu đôi...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Noi ay, hau phuong
  Vợ và con của Thượng úy Lê Trung Thành
 

Nỗi lòng người ở lại
 
“Anh Thành đâu, chị?”. “Đang ở Đà Nẵng sửa tàu anh à”. “Có về không?”. “Dạ, anh sửa rồi đi ngay”. Chị Nhung cố nở nụ cười không thành tiếng. “Đêm nào em cũng ghi nhật ký nhớ thương chồng. Chồng em cũng vậy. Ghi trên điện thoại, gặp thì mở ra cho nhau xem, nhưng dễ gì gặp. Đây, nhật ký của ảnh mới đây nè…”. Tôi liếc qua: “Con gái yêu của bố. Bố đang đi công tác mà con gái, mẹ và cả ông nội đều ốm, bố thực sự lo lắng. Bố mong con gái, mẹ và ông nội mau khỏe để bố an tâm công tác…”. Tôi mường tượng những dòng tin nhắn trong cái nhấp nhô hụp xuống chồm lên của sóng ngày biển động, có người lính mắt đăm đăm trên đài chỉ huy trước biển rộng với bao rình rập, tâm trí dồn hết lên ống nhòm, nhưng trong góc trái tim làm cha, làm chồng, làm con, nhói lên sự âu lo. Anh Thành, Thượng úy Lê Trung Thành, là thuyền trưởng tàu cảnh sát biển (CSB) 4033, con tàu với mảnh vỡ ngay mạn, mà rồi đây, nó sẽ đi vào lịch sử như một bằng chứng về thói hung hăng ngạo mạn của Trung Quốc trong việc muốn thôn tính toàn bộ Biển Đông.
 
Con gái anh, 19 tháng tuổi sà vào lòng mẹ. “Em sinh con được hai ngày, ba Thành mới về. Lúc nào có sóng điện thoại, ảnh lại gọi hỏi “Đẻ chưa? Đẻ chưa?”. Ảnh đi, tháng về một lần, có khi bốn tháng về một lần”. “Hôm tàu của anh bị tông vỡ, chị biết không?”. “Dạ không, về gần tới đất liền ảnh mới nói”. Tôi hỏi một câu cũ rích: “Lo không?”. “Có đêm nào ngủ trọn đâu anh, lo thắt ruột. Cưới nhau đã hai năm nhưng chẳng mấy khi ảnh ăn cơm nhà”. Tốt nghiệp đại học, họ cưới nhau năm 2012. Cô vợ trẻ 22 tuổi khăn gói từ Nghệ An về làm dâu Quảng Ngãi. Và từ đây, gánh nặng gia đình làm vợ làm dâu đè trên vai cô gái trẻ, khi ba mẹ chồng già yếu, đau nặng.

“Anh Thành có nói gì về chuyện tàu bị đâm không?”. “Ảnh nói cũng buồn, vì đây là tổn thất quốc gia, nhưng kiên quyết bảo vệ. Em lo lắm, ngày nào không liên lạc được với chồng, thì em gọi ra trung tâm chỉ huy, các chú các anh động viên, thăm hỏi, em cũng yên tâm. Anh Thành làm thuyền trưởng, mỗi chuyến biển về, em nhìn mà xót lòng, vì trách nhiệm nặng lắm, ảnh nói ngủ không thể tính được giờ, mà là chợp mắt, bởi liên tục thay ca, rồi tính toán, xử lý tình huống”.

“Hai năm cưới nhau, chồng ở nhà ăn Tết được lần nào không?”. “Chưa có, anh chưa bao giờ nghỉ phép trọn vẹn, cứ về nhà được một hai ngày là có điện gấp, phải đi. Hễ mỗi lần điện thoại anh rung là em run. Đám cưới tụi em, khi ra Nghệ An, chỉ mình cô dâu, còn chú rể có lệnh đột xuất phải đi biển. Lúc yêu nhau, bố mẹ em cản, bà ngoại em khóc miết. Chồng em là con trai duy nhất trong nhà, ba mẹ chồng trông cậy vào anh. Chồng cũng thường nhắn tin động viên em cố gắng chăm con, chăm ông bà nội. Nhiều khi có những chuyện buồn trong nhà, con đau nửa đêm đi bệnh viện nhưng em đâu dám nói, để anh yên tâm công tác. Mẹ chồng mắc bệnh nan y, em biết, cả đơn vị biết và động viên, nhưng em không dám cho anh biết, bởi sợ anh lo lắng ảnh hưởng đến công việc”.

Tôi nhìn chị, tốt nghiệp đại học kiến trúc, ra trường chưa một giờ được thử sức chuyên môn, đã phải quàng lên vai gánh nặng gia đình. “Em nghĩ thời trước các mẹ các chị đảm đang hậu phương cho tiền tuyến, giờ em và bao chị em khác, cũng vậy thôi”- chị Nhung nói. Con gái anh chị cười toe đưa hai ngón tay hình chữ V khi tôi nâng máy ảnh lên. “Bé sốt bảy ngày, mình em ở bệnh viện, rồi bố mẹ chồng đau, cuống cả lên. Anh đi ba - bốn tháng mới về, may mà con bé nhớ mặt ba, cho bồng, không thì chắc anh buồn lắm. Mỗi lần anh đi, em đâu dám tiễn ra cổng, ngồi trong này khóc”.

Căn phòng vốn trống vắng, bỗng lặng thêm trong tiếng gió chiều muộn màng. “Cả nhà ăn cơm chưa?”. “Chưa anh”. Người ta nói muốn biết gia đình ai đó ra sao, hãy nhìn mâm cơm nhà họ. Nhà của hai mẹ con chị Nhung, như gia đình bao người lính khác, mấy khi có dáng đàn ông ngồi xới cơm, gắp cá cho con. Bỗng chị xoay cái nhìn về tôi, giọng vẫn với âm điệu đều đều, nhẹ nhõm, nhiều lúc không thành tiếng, như đã quen độc thoại: “Thực sự thì cũng có một vài phút giây em cảm thấy cô đơn và tủi thân lắm, nhưng rồi chính tình yêu của anh lại khiến em vững tin và tiếp tục cố gắng. Bạn bè em lúc nào cũng kể lể việc cãi nhau và thấy chán chồng, nhưng em và anh thì yêu thương còn chưa đủ lấy đâu ra giận hờn. Kể ra thì có cả ngày cũng không hết được chuyện. Em vẫn mong một ngày khi con lớn hơn một chút, anh được về gần mẹ con em, cho con được cảm nhận sự yêu thương của bố và mẹ, em có bờ vai của anh che chở, ba mẹ có niềm vui tuổi già. Vì thế em không sợ khổ, sợ cực. Mong sao biển yên, hòa bình, để mọi người bình tâm sống, để anh và đồng đội trở về bình yên”.
 
Noi ay, hau phuong
 
                                                                           Chị Xuyến luôn tự hào về công việc của chồng
 
Mất sóng, nghĩa là bố đang xa lắm …

“Em sinh đứa thứ hai mới được ba ngày thì nửa đêm anh có điện thoại. Anh nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ ngay sáng hôm sau. Vậy mà em vẫn cười toe để anh yên lòng lên đường. Em… quen rồi”, chị Võ Thị Xuyến (SN 1980) cười nói. Chồng chị, Thượng úy Thái Song Hiệp (SN 1980) tròn 15 năm là thành viên lực lượng CSB Việt Nam. Nói xong, chị quay sang nhìn con, cười tủm tỉm kể tiếp chuyện “quen rồi” cái cảnh chồng vắng nhà biền biệt. Đám cưới anh chị tổ chức năm 2003, rồi lần lượt hai đứa con xinh xắn ra đời. Cậu con trai sáu tuổi đang học lớp 1, cháu gái thứ hai vừa tròn sáu tháng tuổi. “Ngày anh cùng tàu CSB 4033 vào bờ sửa chữa, khi về nhà nghe con gọi ba, anh bế con hét lên vì sung sướng”, chị Xuyến kể.
 
Căn hộ chung cư anh chị thuê lại của Vùng 3 Hải Quân sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Chị Xuyến là công nhân xí nghiệp may nhưng đã nghỉ làm chăm con từ khi sinh cháu gái thứ hai. Gia đình anh Hiệp ở Hà Tĩnh, gia đình chị ở tận huyện Núi Thành (Quảng Nam) nên chẳng ai đỡ đần, giúp đỡ chị lúc anh vắng nhà. Một tay chị chăm con nhỏ, đưa đón con trai đi học lại phải chu toàn nhà cửa. “Em tự hào về công việc của anh nên tự hứa sẽ lo cho hai con thật tốt để động viên anh yên tâm công tác. Khi xem ti vi thấy tàu anh bị đâm, em cũng lo, cũng sợ như bao người vợ khác có chồng đang ở vòng nguy hiểm…”, chị Xuyến nghẹn ngào.

Căn nhà trọ cũ kỹ nơi vợ chồng Trung úy Nguyễn Văn Ngọc (SN 1980) và chị Võ Thị Nghĩa (SN 1989) thuê trên đường Nguyễn Phan Vinh, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng những ngày qua rộn tiếng thăm hỏi của bà con. Anh Ngọc là chiến sĩ trên tàu CSB 4033 bị tàu Trung Quốc đâm hư hại phải về bờ sửa chữa nên có vài giờ đồng hồ về thăm con. Biết tin này, bà con láng giềng người mang chục quả trứng, người đem ký mực, cá sang cho anh Ngọc cùng các đồng đội bồi bổ.

Chị Nghĩa làm nhân viên y tế quận. Năm 2010, anh Ngọc bị thương được đưa vào băng bó, vậy là quen nhau. Những cuộc điện thoại tâm tình, những buổi cà phê khiến trái tim hai người trở nên gắn bó, yêu thương nhau. Chị kể, cưới nhau xong không có nhà ở, anh chị phải chạy khắp nơi tìm chỗ trọ, cực khổ, khó khăn vô cùng. Đầu năm 2013, một ngư dân cho họ thuê lại căn nhà cấp bốn với giá rẻ. Những ngày bão nổi, gió thổi ầm ầm, nhà rung lắc mà chồng lại đi vắng, chị ngồi khóc ngon lành. Chị một mình vượt cạn, bé gái kháu khỉnh ra đời. Ngày tổ chức đầy tháng con anh mới có mặt ở nhà. Vợ chồng mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc.

“Thấy tàu anh bị tàu Trung Quốc đâm, chị có sợ không?”, tôi hỏi. “Lo thì có chứ sợ chi, chồng và hai anh chồng cũng đang trên các tàu CSB bảo vệ chủ quyền. Có lý do chi mà sợ?”, chị nói. Anh Ngọc nhìn vợ, cười. Anh nói nhẹ nhàng: “Mình đi quanh năm suốt tháng, có hậu phương vững chắc rồi, ra biển anh em tụi tui thêm phần vững tin”.

Chúng tôi tìm đến nhà Thượng úy Tạ Viết Cường (Trưởng ngành cơ điện của tàu CSB 2012 thuộc lực lượng Vùng CSB 2 của Việt Nam), nghe con trai anh - cu Bắp phụng phịu khi buông chiếc điện thoại: “Mất sóng nữa rồi. Vậy nghĩa là bố đang xa lắm!” mà nhói lòng. Lời tự an ủi của cậu con trai chưa đầy ba tuổi vào những ngày này khiến cô y tá Phạm Thị Thu Hiền rơi nước mắt. 5 năm làm vợ lính, Hiền đã “thấm” và dần “quen” chuyện mất sóng điện thoại khi đang trò chuyện với chồng. Vậy mà từ khi cu Bắp bắt đầu biết nói đến giờ, mỗi lần nhìn thấy con hụt hẫng buông điện thoại và “tự thán”, Hiền không dằn nỗi cảm xúc.

Đêm 10/5, Hiền vào ca trực ở Bệnh viện Chỉnh hình - phục hồi chức năng Đà Nẵng, và như thường lệ, cu Bắp phải theo mẹ vào bệnh viện. Như cảm nhận hoàn cảnh đặc biệt của mình nên cu Bắp rất ngoan. Cậu bé lẳng lặng chơi ở khu nhà banh, cầu tuột cùng một số bạn con của y tá, bác sĩ có hoàn cảnh như mẹ. Đến hơn 20g, chị Hiền được giải lao 20 phút, ra sân chơi cùng con.
 
Chị Hiền chậm rãi kể về mối nhân duyên với chàng CSB: “Đúng là duyên số. Tôi quê ở Hà Tĩnh, anh Cường quê ở Ninh Bình lại gặp nhau ở Đà Nẵng và nên duyên chồng vợ”. Hiền sinh năm 1987, còn anh Cường hơn vợ bốn tuổi. Họ gặp nhau nhờ người anh họ của chị Hiền, cũng là một CSB mai mối cho từ năm 2008. Một năm rưỡi hẹn hò, trong đó hàng chục lần bị chàng lính biển lỗi hẹn vì nhiệm vụ đặc biệt. Vậy mà Hiền vẫn một niềm tin ở tương lai khi anh Cường ngỏ lời cầu hôn. Năm 2010, đám cưới họ diễn ra để “chạy” ngày anh Cường bắt đầu những chuyến tuần tra dài trên biển. Cưới xong, Hiền mới thấm “những ngày mất sóng”. Chị tâm sự: “Tôi vẫn nhớ lời anh dặn, khi mất sóng, nghĩa là anh đang ở vùng biển rất xa. Nhưng những lần đầu, tôi vẫn vô cùng hụt hẫng. Bởi có lúc đang nói lời yêu thương giữa chừng thì điện thoại anh ấy bặt tăm, đến một tuần, có khi nửa tháng sau, tôi mới nghe được tiếng của anh. Những lúc ấy căn nhà trở nên rộng quá!”.

Là vợ của người lính trên tàu, vậy mà sự kiện diễn ra trên biển Đông mới đây, Hiền lại biết tin sau hết thảy người thân, bè bạn. Chị kể: “Đêm đó tôi vào ca trực. Do mấy ngày liền không điện được cho anh Cường, linh tính có chuyện chẳng lành, nên khi cu Bắp ngủ và bệnh nhân cũng đã yên giấc rồi, tôi vào mạng xem tin tức mới hay tàu anh gặp nạn. Tôi bật máy, gọi điện thoại cho chồng, anh ở ngoài vùng phủ sóng. Cả đêm tôi bồn chồn, muốn khóc mà nước mắt không rơi được. May sao, sáng tan ca, chuông điện thoại đổ dồn, mở máy lên, tôi nghe tiếng chồng, bên kia đầu dây, anh báo anh vẫn khỏe, tàu cặp bến Tiên Sa để sửa chữa, hy vọng sẽ được gặp nhau. Buông máy, nước mắt lúc đó mới tuôn xuống đầm đìa…”.
 
Noi ay, hau phuong
                                                                                                            Mẹ con cu Bắp
  Trung Việt - Nghi Anh - Đình Thức

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI